(TBKTSG) - Hai tuần trước, khi trời vừa nhá nhem tối, hai thanh niên đèo nhau trên chiếc xe gắn máy không biển số xuất hiện trước trạm cân Hướng Hóa, Quảng Trị. Họ cho xe tông thẳng vào vị trí đặt “mắt thần” (thiết bị điện tử chụp ảnh các xe vào trạm cân), rồi rú ga biến mất.
Chỉ bốn tiếng đồng hồ sau, cách vị trí vụ đâm “mắt thần” hơn bảy trăm cây số, tại một trạm cân trên quốc lộ 3 thuộc tỉnh Bắc Kạn, một vụ phá hoại tương tự lại xảy ra. Cũng hai người thanh niên trên một chiếc xe đã cắt đứt dây cáp nối bàn cân xe với máy tính chủ, làm tê liệt hoàn toàn hoạt động trạm cân này.
Hai cú đâm đều gây thiệt hại lớn cho các trạm cân, nhưng cho đến đầu tuần này vẫn chưa có thông tin gì về thủ phạm.
Cách nay một tuần, nhóm trộm chó, dẫn đến tai nạn làm chết cả ba người truy đuổi họ, đã ra đầu thú cảnh sát điều tra huyện Củ Chi, TPHCM. Trước đó mấy ngày, khi phát hiện nhóm này, ba thanh niên xấu số đuổi theo và tai nạn thương tâm đã xảy ra.
Câu chuyện thứ ba lại liên quan đến thì tương lai. Từ thứ Ba tuần sau, ngày 1-7, người đi đường đội nón bảo hiểm không đúng quy cách - nghĩa là không đủ ba thành phần gồm vỏ mũ, lớp xốp hấp thụ xung động và quai cài - sẽ bị xử phạt 200.000 đồng.
Trong trường hợp thứ nhất - các vụ phá hoại trạm cân - pháp luật đang bị thách thức một cách nghiêm trọng. “Mắt thần” không chỉ là thiết bị rất đắt tiền, chúng còn rất quan trọng trong việc bảo vệ chất lượng các con đường huyết mạch quốc gia mà việc xây dựng cũng đã tiêu tốn không biết là bao nhiêu ngân quỹ quốc gia, cũng là đồng tiền đóng thuế của người dân. Thêm nữa, theo logic của sự việc, hành động phá hoại như vậy không thể chỉ là tự phát. Hẳn nó đã được vạch ra và thực hiện bởi những kẻ xấu muốn chống lại việc kiểm soát xe quá tải mang lại lợi nhuận khổng lồ cho họ. Đây là một thứ tội phạm có tổ chức. Do đó, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tài sản quốc gia, tất cả những kẻ phá hoại - từ người chủ mưu trở đi - phải bị trừng trị đích đáng.
Trong trường hợp thứ hai, hậu quả đáng tiếc lần này không giáng xuống những người trộm chó như thường thấy trước nay mà xuống những người truy đuổi bọn trộm chó. Bọn trộm chó giờ trang bị vũ khí tự chế và ngày càng liều lĩnh chống trả. Tình hình đã phát triển thành một vòng xoáy bạo lực một phần vì cơ quan công quyền đã xử lý thiếu hiệu quả, thiếu sự cứng rắn cần thiết.
Nhưng trong trường hợp thứ ba, quyết định xử phạt người đội nón bảo hiểm “dỏm” từ ngày 1-7 thì lại rất khác - lần này việc xử phạt có vẻ rất cương quyết. Dù mục đích của việc này nhằm bảo vệ tính mạng của người đi đường, sự việc cần được phân tích một cách thấu đáo hơn.
Có lẽ trước khi xử phạt người đi đường, các cơ quan chức năng cần ra tay dẹp cho bằng được những cơ sở sản xuất, những người kinh doanh nón kém chất lượng. Quan trọng không kém là việc làm sao cho giá nón phù họp với túi tiền của đại đa số người dân. Các tiêu chí rõ ràng của cơ quan công quyền cho một chiếc nón đạt chuẩn - thậm chí giá cả phù hợp với túi tiền của người thu nhập thấp - cần được phổ biến rộng rải trên các phương tiện truyền thông, đến từng xã, phường, tổ dân phố để khi bị phạt người dân biết họ có thực sự vi phạm hay không. Chỉ khi làm được hết các việc này, việc xử phạt mới thuyết phục.
Về phía các cơ quan bảo vệ pháp luật, không phải ai cũng đồng tình với một quyết định như thế vì chưa hoàn toàn thuyết phục. Thông tin từ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), cho biết chỉ có khoảng 40% số mũ bảo hiểm đã kiểm tra đạt yêu cầu, ngay cả những mẫu đã dán nhãn chất lượng cũng chưa chắc đạt chất lượng cần thiết. Theo VTC News, trung tá Lương Văn Thanh, Phó đội trưởng Đội điều tra giải quyết tai nạn giao thông và tuyên truyền Công an tỉnh Bình Dương, cũng băn khoăn không biết với lượng mũ chưa đạt chuẩn hiện nay, việc xử phạt người dân có vội vàng quá hay không.
Trong một chừng mực nào đó, “mắt thần” ở trạm cân tượng trưng cho kỷ cương phép nước, còn trộm chó dùng hung khí dẫn đến án mạng là chuyện phạm pháp không thể dung tha. Trên một khía cạnh khác, sử dụng hiệu quả nguồn lực hạn chế của mình để giải quyết thấu đáo những vấn đề cấp bách nhất của đất nước chính là thước đo hiệu năng của chính quyền. Với tình hình hiện nay, nên chăng các cơ quan chức năng cần sử dụng nguồn lực dành cho xử phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm nhằm truy bắt cho bằng được những kẻ phá hoại trạm cân và giải quyết cơ bản hệ lụy của nạn tự xử bọn trộm chó.
Đó là cách làm an dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét