(VNTB) Giới ngoại giao Hà Nội đang biến diễn theo một cung cách chuyển từ lắt léo đu dây sang những trò ú tim đau tim mới.
Cú giáng choáng váng
Không phải Thông tấn xã Việt Nam, cũng không phải do người phát ngôn hay trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, mà lại là đài Tiếng Nói Nước Nga (Voice of Russia) phát đi thông tin mới nhất của Đại sứ Lê Hoài Trung, trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc tuyên bố hôm thứ Tư tuần trước: Hà Nội không loại trừ khả năng cùng Trung Quốc khai thác dầu trên Biển Đông.
Một cú giáng choáng váng vào tình cảm những người yêu nước!
Nếu quay lại quá khứ, không khó để nhận ra từ những năm 2010-2011, khi tàu Trung Quốc tăng dần cường độ tấn công và bắt giữ ngư dân Việt Nam, động tác “hợp tác khai thác dầu trên Biển Đông” đã trở nên một thứ ngôn ngữ vừa ẩn dụ vừa thể hình: cùng với gia tốc thắng thầu vượt bậc trong các ngành nhiệt điện và xây dựng, Trung Quốc ngày càng bắt giới quan chức Hà Nội phải thống thiết hơn với tham vọng chiếm lĩnh toàn bộ trữ lượng dầu thô lên từ 3 đến 7 tỷ thùng của riêng Việt Nam ở Biển Đông.
Như một thủ thuật né tránh búa rìu dư luận theo phong cách diễn đạt thường thấy của Bộ Ngoại giao Việt Nam, việc cơ quan này chuẩn y cho một viên đại sứ ở Liên hiệp quốc phát ngôn về câu chuyện “sẵn sàng hợp tác thăm dò dầu khí với Trung Quốc” hoàn toàn có thể khiến cho dư luận đông đảo người dân Việt hình dung ra thái độ lẩn khuất, liên quan đến những hợp đồng khai thác dầu khí với đối tượng vừa gây ra cơn binh lửa suýt bùng lên trên Biển Đông từ tháng 5/2014.
Thâm ý nào?
Thực ra, sóng gió Biển Đông đã được kích phát từ tháng 6/2013 với cuộc gặp mặt “thượng đỉnh” giữa người được xem là nguyên thủ quốc gia của Việt Nam – Trương Tấn Sang – với nguyên thủ quốc gia thực chất của Trung Hoa là Tập Cận Bình, cùng thế cúi đầu quá thấp của ông Sang trước quốc kỳ Trung Quốc mà đã khiến phát sinh quá nhiều dị nghị trong dư luận. Chương trình “hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí” cũng có thể đã bắt đầu từ cuộc gặp ấy.
Tuy nhiên, chính sách “mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột” của Bắc Kinh đối với chính thể Hà Nội có lẽ vẫn chưa đạt đến độ chuẩn hiệu dụng tuyệt đối. Thực tế là mặc dù chiếm ưu thế trong hành vi đấu thầu và thắng thầu ở một số ngành quan trọng, người Trung Quốc vẫn chưa thể làm tất cả những gì họ muốn ở Việt Nam. Do vậy sự sốt ruột của chính giới Bắc Kinh trong hơn một năm qua là có thể hiểu được: cùng với vài ba khảo sát cùng bản ghi nhớ có tính triển vọng của những hãng dầu khí lớn nhất nước Mỹ tại khu vực Biển Đông, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương của Trung Quốc đã có cảm giác là họ đang bị gạt ra rìa.
Sự hiện diện của giàn khoan HD 981 cũng như một số giàn khoan khác của Trung Quốc ở khu vực đặc quyền kinh tế Biển Đông cũng xuất phát từ nguồn cơn đầy tự ái ấy. Một trong những mục tiêu then chốt mà Bắc Kinh muốn đạt được là thông qua điệu múa của HD 981, bắt buộc Hà Nội phải có thêm nhượng bộ về “hợp tác khai thác dầu khí”, mà thực chất là một hợp đồng mà chắc chắn có lợi rất đáng kể cho giới kinh tài và ngân khố Trung Quốc, chứ không hẳn dành cho ngân sách Việt Nam.
Với “tiết lộ” của giới quan chức ngoại giao nước nhà về “hợp tác dầu khí với Trung Quốc”, đã có thể hiểu ra nguồn cơn sâu xa vì sao Bộ Ngoại giao Việt Nam đã hầu như yếm thế hoặc nín tiếng trong các vụ việc hàng trăm tàu Trung Quốc bao vây lực lượng kiểm ngư Việt Nam, hay hàng chục ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ một cách cực kỳ vô lối.
Và càng hiểu ra khi vẫn không nhận ra bóng dáng nào của “hồ sơ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế” nơi cấp cơ quan ngoại giao cao nhất và cả ở chính phủ của Việt Nam…
Trường Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét