TTO - Trong vòng chưa đầy ba năm, đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội do Vinaconex làm chủ đầu tư đã liên tiếp vỡ tới 9 lần. Hiện Vinaconex lại tiếp tục được Hà Nội giao làm chủ đầu tư xây dựng tuyến đường ống mới dẫn nước từ Hòa Lạc về vành đai 3 (Hà Nội).
Theo chỉ đạo mới đây của lãnh đạo thành phố Hà Nội, Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng (Vinaconex) đang khẩn trương tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư, tài chính để đầu tư xây dựng giai đoạn II của dự án cấp nước sạch sông Đà - Hà Nội. Trước mắt triển khai phân kỳ 1 của giai đoạn II xây dựng tuyến ống số 2 dài khoảng 28 km từ quốc lộ 21 về vành đai 3 (Hà Nội) vào đầu tháng 9-2014. Đường ống mới này sẽ chạy song song đối diện với hệ thống đường ống cũ đã nhiều lần vỡ trước đó.
Theo ông Nguyễn Sỹ Trung (cán bộ Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) - nguyên kỹ sư trưởng dự án thi công đường Láng - Hòa Lạc (nay là đại lộ Thăng Long), việc thi công đường ống mới là cần thiết, tuy nhiên cần rút kinh nghiệm sâu sắc qua lần thi công đường ống cũ trước đó.
“Trước đây qua khảo sát để phục vụ thi công tuyến đường, tôi và các cộng sự đã phát hiện trong tổng số 29km của cung đường, xuất hiện tới 29 đoạn với tổng chiều dài 5,4km (mỗi đoạn từ 20-200m) có nền đất yếu. Đây là những đoạn cần phải thiết kế và xử lý đặc biệt, mất nhiều thời gian và tốn kém, như: cọc cát, giếng cát, bấc thấm, thay đất, rải vải điện kỹ thuật… trước khi đưa vào thi công mới đảm bảo an toàn. Tuy nhiên theo tôi được biết nền đất đã được xử lý rất sơ sài”, ông Trung nhớ lại. Ông Trung cho hay, nhiều lần cảnh báo của ông về việc cần lưu ý khi thi công đường ống trên cốt nền nhạy cảm, nhưng đều bị chủ đầu tư phớt lờ.
Bình luận về việc dù trước đây thi công chất lượng kém nhưng Vinaconex vẫn tiếp tục được giao thi công tiếp, ông Trung cho rằng, với địa hình thi công mới có rất nhiều thuận lợi như không phải giải phóng mặt bằng, địa chất ổn định hơn, công nghệ không quá phức tạp... thì không chỉ Vinaconex mà nhiều đơn vị có thể hoàn toàn đủ năng lực thi công được dự án này. “Tôi nghĩ có thể hoàn toàn xã hội hóa, tuy nhiên cơ quan quản lý nhà nước chắc đã cân nhắc kỹ và có lựa chọn rồi không thay đổi được”, ông Trung nói.
Ông Trần Văn Huỳnh - chủ tịch hiệp hội vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng trong khi chờ quyết định thi công đường ống mới, cơ quan quản lý nhà nước cần phải tìm ra được nguyên nhân chính xác cuối cùng. “Ở đây là hai câu chuyện. Loại ống cốt sợi thủy tinh ở nước ngoài rất tốt vậy có phải do mình sản xuất ra chưa đạt chuẩn? Hay ống sản xuất đạt chuẩn rồi nhưng quá trình thi công lại ẩu, xử lý cốt nền chưa tốt dẫn tới vỡ? Trước khi quyết định lựa chọn đường ống để thi công phải nghiên cứu thật kỹ, thấu đáo và rút ra bài học từ lần sai trước. Nếu không đủ trình độ làm thì nên mời chuyên gia nước ngoài tham gia”, ông Huỳnh nhận định.
Ông Đỗ Đức Duy - chánh văn phòng - người phát ngôn bộ xây dựng khẳng định, theo pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, việc đường ống vỡ nhiều lần được xác định là sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân. Với trách nhiệm là cơ quan của chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng, bộ xây dựng chỉ tham gia vào giám định sự cố, làm rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan... Còn việc xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân thẩm quyền thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của đại hội cổ đông, tổng công ty SCIC (bộ tài chính) và thành ủy Hà Nội...
Ông Duy cũng cho rằng, nếu xét thấy có các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý và tổ chức thực hiện dự án, làm thất thoát, lãng phí vốn đầu tư của nhà nước, ảnh hưởng đến chất lượng công trình thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tiến hành kiểm tra, thanh tra. Bởi Vinaconex là doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, phải chịu trách nhiệm trong việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, cũng như trách nhiệm chính trị, xã hội trong việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể ở đây là đầu tư sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội khẳng định trách nhiệm trong quá trình lập dự án, lựa chọn công nghệ, vật liệu, triển khai thi công thuộc về Vinaconex. Tuy nhiên để tránh sự cố đáng tiếc, thành phố sẽ thực hiện chức năng giám sát. “Rút kinh nghiệm đợt trước, không phải Vinaconex muốn làm gì thì làm, các sở ban ngành chuyên môn của thành phố sẽ theo dõi giám sát chặt chẽ”, ông Thịnh nói.
***
Ba năm, 9 lần vỡ
- Lần 1: Ngày 4-2-2012, vỡ tại km10+300 đại lộ Thăng Long (đoạn qua Yên Lũng, xã An Khánh, H.Hoài Đức, Hà Nội)
- Lần 2: Ngày 21-3-2013, vỡ tại km26+850 đại lộ Thăng Long (H.Thạch Thất, Hà Nội).
- Lần 3: Ngày 21-11-2013, vỡ tại km 27+60 đại lộ Thăng Long (địa bàn xã Phú Cát, H.Quốc Oai, Hà Nội).
- Lần 4: Ngày 16-12-2013, vỡ tại khu đô thị Xanh Villas (xã Tiến Xuân, H.Thạch Thất, Hà Nội).
- Lần 5: Ngày 1-4-2014, vỡ tại Km22+600 (xã Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội).
- Lần 6: Ngày 25-4-2014, vỡ tại km26+600 đại lộ Thăng Long (xã Núi Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội)
- Lần 7: Ngày 17-6-2014, vị trí km 25 gần cầu Đồng Trúc, đại lộ Thăng Long (H. Thạch Thất, Hà Nội).
- Lần 8: Ngày 10-7-2014, vỡ tại Km25- đại lộ Thăng Long (gần cầu vượt Đồng Trúc), H.Thạch Thất, Hà Nội.
- Lần 9: Ngày 12-7-2014, vỡ tại km 15- đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét