Dân Trí - Theo trình bày của ông Thăng, PVN góp vốn vào Oceanbank do không được thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Trong khi qua đàm phán, Oceanbank đồng ý tiếp nhận nhân sự, cơ sở vật chất đã trang bị để thành lập NH Hồng Việt. PVN thực tế “gả đi một cô gái đã có chồng”.
Thỏa thuận hợp tác không phải tiền đề cho các lần góp vốn
Chiều 19/3, bị cáo Đinh La Thăng được yêu cầu trả lời thẩm vấn của HĐXX. Ông Thăng bị cáo buộc đã có hành vi ký Thỏa thuận hợp tác số 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) - nhưng không thông qua HĐQT; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.
Theo cơ quan tố tụng, Thỏa thuận hợp tác số 6934 là cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện các hoạt động góp vốn trong giai đoạn 2008 đến 2011 của PVN, gây thiệt hại cho PVN 800 tỷ đồng.
Được hỏi về Thỏa thuận hợp tác số 6934, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận bản thân đã ký kết thỏa thuận này với Oceanbank. Thỏa thuận này có nội dung PVN tham gia góp vốn bằng hình thức mua cổ phần khi Oceanbank tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Do PVN không được thành lập Ngân hàng Hồng Việt, Oceanbank đồng ý tiếp nhận các nhân sự, cơ sở vật chất, thiết bị đã được Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt đầu tư, mua sắm.
“Thỏa thuận cũng nêu rõ, 2 bên sẽ phối hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật.” - bị cáo Thăng nói trước tòa.
Về cơ sở để ký Thỏa thuận hợp tác số 6934, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN khai dựa trên tờ trình của Tổng Giám đốc và báo cáo trực tiếp của Nguyễn Xuân Sơn (Trưởng ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt).
“Trước khi ký Thỏa thuận hợp tác, bị cáo có báo cáo HĐQT không?” - tòa hỏi.
“Việc ký chủ trương góp vốn vào ngân hàng là để giải quyết tồn tại, hệ lụy của việc thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Về chủ trương, các lãnh đạo đều biết. Trước khi ký với Oceanbank, PVN đã khảo sát và đã ký với một số tổ chức tín dụng khác. Sau khi ký với Oceanbank, bị cáo đã báo cáo HĐQT để thông qua.” - bị cáo Thăng trình bày.
“Trước khi ký bị cáo có báo cáo HĐQT không?” - HĐXX nhắc ông Thăng trả lời ngắn gọn.
“Trước khi ký bị cáo không báo cáo vì theo quy định của pháp luật thì không phải báo cáo.” - ông Thăng đáp.
“Theo Điều lệ của PVN có phải báo cáo không?” - tòa vặn hỏi.
“Theo quy định của điều lệ, phải có sự đồng ý của tất cả thành viên HDQT.” - ông Thăng nói và cho rằng, Thỏa thuận hợp tác chỉ để thống nhất với đối tác, còn chủ trương, Nghị quyết để thực hiện thì phải báo cáo HĐQT và HĐQT thống nhất mới ra Nghị quyết.
“Ông Nguyễn Ngọc Sự có báo cáo tình hình hoạt động của Oceanbank là yếu kém, tính thanh khoản thấp. Đọc văn bản đó bị cáo có đưa ra bàn bạc giải quyết trong HĐQT không?” - tòa hỏi tiếp.
“Báo cáo của anh Sự nói rất rõ về Oceanbank, bị cáo học tài chính nên biết. Oceanbank có quy mô vốn thấp, khả năng thanh khoản có hạn nên họ mới có nhu cầu tăng vốn, và như vậy PVN mới có điều kiện góp vốn vào. Trong báo cáo anh Sự nói đây là ngân hàng có hệ số tín dụng trung bình khá, khi góp vốn thì vốn điều lệ sẽ tăng lên, khả năng thanh khoản sẽ tăng lên.” - ông Thăng trả lời.
Theo trình bày của nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, Thỏa thuận hợp tác ký trước khi được HĐQT bàn bạc nhưng thỏa thuận đó “không có ý nghĩa gì về mặt pháp lý cả”. Thỏa thuận hợp tác không phải tiền đề cho việc góp vốn. Tiền đề trước hết là Nghị quyết của Đảng, sự đồng ý của Thủ tướng và Nghị quyết của HĐTV.
“Nếu không phải tiền đề thì có phải ký trước khi HĐQT ra nghị quyết không?” - HĐXX vặn lại.
“Thỏa thuận ký nhưng chỉ có hiệu lực khi HĐQT thông qua, nên nếu HĐQT không đồng ý thì biên bản này không có ý nghĩa gì cả.” - ông Thăng nói.
PVN “gả đi một cô gái đã có chồng”
Làm rõ về lần góp vốn đầu tiên của PVN với số tiền 400 tỷ đồng vào Oceanbank, HĐXX đặt nhiều câu hỏi với bị cáo Đinh La Thăng quanh Nghị quyết số 7289 của PVN về việc tham gia góp vốn mua cổ phần. Thừa nhận việc góp vốn này là đầu tư ra ngoài công ty mẹ nhưng ông Đinh La Thăng cho rằng tất cả các Nghị quyết của PVN, trong đó có Nghị quyết số 7289, đều tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
“PVN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chưa?” - tòa hỏi.
“Việc đầu tư phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện, Nghị quyết đó chưa phải là để góp vốn. Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý tháng 10/2008, đến cuối tháng 12/2008, PVN mới góp vốn vào Oceanbank.” - ông Thăng trình bày và cho rằng, không có quy định nào của pháp luật về việc ký Nghị quyết trước hay sau khi xin ý kiến mà chỉ quy định việc thực hiện đầu tư ra ngoài công ty mẹ phải được sự đồng ý của Thủ tướng và PVN đã làm đúng quy định đó.
“Thực tế là sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng thì Tổng Giám đốc mới chuyển tiền vào Oceanbank và trong các lệnh chuyển tiền đều ghi căn cứ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.” - ông Thăng nói.
Về công văn số 121441 của Bộ Tài chính đề nghị PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động của Oceanbank, bị cáo Thăng cho rằng, công văn đó gửi PVN “để biết” chứ không phải văn bản trả lời. Thực tế, PVN đã tiến hành kiểm tra, rà soát từ trước khi Bộ Tài chính có văn bản.
Theo ông Thăng, Oceanbank quy mô vốn rất nhỏ (1.000 tỷ đồng), khả năng thanh khoản rất thấp, nhưng nếu tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng thì khả năng thanh khoản sẽ nhanh lên và với đối tác như PVN thì năng lực của Oceanbank sẽ tăng lên, thực tế là trong 2 năm đã tăng lên 4 lần.
“Thực tế PVN đầu tư vào Oceanbank có hiệu quả rất lớn.” - bị cáo Thăng nói.
Về chủ trương góp vốn, ông Thăng trình bày, xuất phát từ chủ trương xây dựng tổ chức tài chính, từ việc ổn định, chống lạm phát kinh tế vĩ mô, PVN đã gương mẫu xin dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt, giải quyết các tồn tại, hệ lụy.
Nguyên Chủ tịch HĐTV PVN cho rằng, PVN thực tế “gả đi một cô gái đã có chồng” chứ không phải một “cô gái xinh đẹp”.
“Oceanbank chấp nhận điều kiện của PVN là mấy chục con người, bộ máy lãnh đạo của Hồng Việt, bố trí đâu, bao tiền đầu tư vào làm phần mềm, xây cơ sở vật chất, tuyển dụng con người... Trong bối cảnh như vậy không phải PVN góp vốn thông thường mà thực tế là tìm kiếm một cơ hội đầu tư.” - bị cáo Thăng trình bày và cho rằng, hoạt động của Oceanbank sau đó đã chứng tỏ việc góp vốn là hoàn toàn đúng đắn.
“Hàng năm, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đều có đánh giá, việc đầu tư này cũng có đánh giá. Đánh giá dù hay hay không thì quan trọng nhất là hiệu quả cuối cùng, chính là cổ tức được chia hàng năm. Nói hay gì thì hay mà không có cổ tức thì nó vẫn chả hay, mà nói rất xấu mà có cổ tức thì vẫn là có lời. Cổ tức đó cả Đại hội cổ đông của Oceanbank người ta đánh giá, người ta chia. Do nhiều cơ quan đánh giá, Đại hội Cổ đông Oceanbank, HĐQT Oceanbank, người đại diện vốn PVN tại Oceanbank, HĐQT PVN cũng có báo cáo đánh giá.” - ông Thăng nói.
Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo và những người liên quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét