Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Khi tăng trưởng GDP bị nghi ngờ

Tư Giang

(TBKTSG Online) - Lần đầu tiên kể từ khi mức tăng trưởng GDP kỷ lục 6,81% của năm 2017 được chính thức công bố, các chuyên gia hàng đầu đã lên tiếng đặt câu hỏi.

Tại buổi lễ công bố  báo cáo kinh tế vĩ mô quí 4 và cả năm 2017 diễn ra ngày 16-1 tại Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - chính sách (VERP) Nguyễn Đức Thành cho biết, cơ quan ông đã tính toán Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI (Viet Nam Economic Performance Index) và cho kết quả không quá ấn tượng như tăng trưởng GDP.

GDP không thực sự vượt bậc

VEPI được xây dựng dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng tín dụng và chỉ số. VEPI quí 4 đạt 7,28%, cao hơn nhiều so với các quí trước và cùng kỳ năm 2016, trong khi mức tăng trưởng GDP của quí 4 được công bố là 7,65%.

“Việc chỉ số VEPI vẫn thấp hơn có thể phản ánh rằng tăng trưởng GDP không thực sự vượt bậc như thực tế”, ông Thành nhận định, và bổ sung thêm: "Có thể có sự tăng trưởng bất thường của kinh tế Việt Nam hoặc là có thể có báo cáo cao quá so với mức bình thường”.

Bài báo cáo của ông Thành đã khuấy lên sự hưởng ứng của các chuyên gia kinh tế về thực chất của tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận xét, số liệu có sự chênh lệch giữa VEPR và Tổng cục Thống kê (GSO). Bà cho rằng khi cơ quan thống kê đưa ra con số tăng trưởng GDP đã làm nhiều người đặt không ít câu hỏi, dựa vào đâu mà tăng trưởng quí 3 và quí 4 tăng cao như vậy.

Bà Lan kể lại rằng hồi đầu năm 2017, nhiều chuyên gia còn có gợi ý Thủ tướng Chính phủ rằng khi đặt ra chỉ tiêu quá cao sẽ dẫn đến việc "gồng" lên chạy theo tốc độ tăng trưởng mà phần nào quên đi cải cách trong khi cải cách mới là động lực tăng trưởng bền vững và lâu dài cho nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế này còn cho biết một lãnh đạo của GSO đã mất nửa giờ đồng hồ tại một hội thảo để giải thích, khẳng định số liệu của cơ quan này đáng tin cậy và sử dụng số liệu “có trách nhiệm” với hàm ý phê phán những người có ý kiến phản biện. “Tôi tin tưởng ở VEPR vì cân bằng hơn và khách quan hơn”, bà nói.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định ông đồng tình với bản báo cáo nói trên, với số liệu của VEPR. Tự nhận xét mình không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực thống kê, nhưng những năm trước ông đã có những dự báo sát với thực tế tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, năm nay lời dự báo của ông “rất sai”. Trong khi ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư dự báo mức tăng trưởng là 6% thì ông Tuyển dự báo là 6,3%, cả hai con số đều xa so với con số của GSO.

Liên quan đến chỉ số tiêu dùng điện giảm mâu thuẫn với tăng trưởng sản xuất công nghiệp, ông Tuyển nói: “Họ giải thích thì mình phải chịu chứ mình không có số liệu”. “Tóm lại số liệu GSO khiến cảm nhận của nhiều người là…”, ông nói, và ngắt lửng.

Nhiều rủi ro phía trước

Theo VEPR, nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế.

Thứ nhất, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua. Bên cạnh đó, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm.

Thứ hai, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao vẫn tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng cản trở nền kinh tế.

Thứ ba, việc phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét