Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Tại sao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ dám “giơ cao đánh khẽ” đối với Trịnh Văn Quyết?

Có vẻ cuộc chiến chống tham nhũng đã vào giai đoạn quyết liệt. Chỉ trong một ngày có nhiều cái tên quan chức bị xử lý. Nào là nguyên bí thư Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng, phó Chủ tịch Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn, Giám đốc Sở KH-ĐT Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo. Quan chức có tội phải xử, thế những doanh nghiệp đã “đi đêm” với quan chức để thao túng quyền lực, lừa đảo gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế thì sao? Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra quyết định xử phạt “cho có lệ” đối với Trịnh Văn Quyết đang gây nhức nhối dư luận mấy ngày qua. Phải chăng có cả “vùng cấm” dành riêng cho những kẻ như Trịnh Văn Quyết? Sự “giơ cao đánh khẽ” này liệu là vì một lý do sâu xa nào đó?

Trước sự thiên vị rõ ràng dành riêng cho Quyết, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” 57 triệu cổ phiếu FLC là quá nhẹ. Thật vậy, vụ bán chui 57 triệu cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết được xác nhận là một cú lừa đảo chứng khoán ngoạn mục mà không phải ai cũng nghĩ ra và dám thực hiện.

Bằng thủ đoạn PR, dùng tiền để quảng cáo rầm rộ việc công khai mua 37 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 23/10/2017, tương đương 6% vốn điều lệ FLC, Trịnh Văn Quyết đã khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tưởng rằng FLC có nhiều tin tốt, sẽ có lực cầu lớn để đẩy giá cổ phiếu lên. Thế là trong 3 ngày, 20/10, 23/10 và 24/10 đã có một số lượng vốn lớn đổ vào mua cổ phiếu của FLC, giá trị giao dịch trong các ngày này đã tăng lên khoảng 3 – 4 lần so với ngày bình thường.

Đây là giai đoạn cổ phiếu FLC có thanh khoản cao vượt trội so với bình quân, lên tới hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên, đỉnh điểm là phiên 23/10 lên đến 48 triệu đơn vị. Tương tự, thanh khoản cổ phiếu của AMD cũng sôi động hơn những phiên trước đó, với khối lượng bình quân 5,6 triệu đơn vị/phiên, gấp 3,5 lần thanh khoản bình quân trong tháng. Ước tính Faros ROS đã thu về khoảng 136 tỷ đồng từ hành vi này.


Đáng chú ý, sau khi ông Quyết bán ra lượng cổ phiếu khổng lồ, thị giá của FLC giảm về mức 6.500 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm gần 10% giá trị. Qua thương vụ này, ông Trịnh Văn Quyết vừa là cổ đông lớn nhất vừa là Chủ tịch HĐQT tại FLC và FLC Faros.

Đến ngày 23/10 ông Trịnh Văn Quyết đã tổ chức họp Đại hội cổ đông bất thường để trình Đại hội cổ đông thông qua chủ trương cho ông mua số cổ phiếu FLC từ 24,32% lên 30,12%, nhằm mục đích là không phải làm thủ tục chào mua công khai. Là cổ đông lớn trong FLC, dĩ nhiên việc nâng 25% vốn điều lệ của ông Quyết dễ dàng được thông qua.

Không dừng lại lòng tham ở đó, ông Trịnh Văn Quyết cho người đẩy ra thị trường một lượng lớn cổ phiếu với chiêu thức rất điêu luyện và các nhà đầu tư đã ôm hết 57 triệu cổ phiếu (giúp Quyết thu về khoảng 400 tỷ đồng). Con số cổ phiếu bán chui của ông Quyết vượt 20 triệu cổ phiếu so với công bố mua 37 triệu cổ phiếu. Tức là ông Quyết không mua 1 cổ phiếu nào, trong khi đó hàng trăm nhà đầu tư đã bị Quyết lừa đảo ngoạn mục, đổ hết tiền vào thương vụ tưởng “dễ ăn” này, thế rồi không ít người rơi vào cảnh phá sản, nợ nần vì đổ tiền mua cổ phiếu của Quyết.

Thương vụ của ông Quyết cho thấy một sự tính toán rất bài bản, kỹ lưỡng, nên không thể nói là UBCKNN sơ xuất được. Vì để bán một lượng lớn cổ phiếu trong “thời cơ vàng” là cả một nghệ thuật làm giá và được thực hiện với hàng trăm lệnh bán. Vậy phải chăng UBCK đã cố tình bịt tai, che mắt, dung túng cho sai phạm của Quyết? Liệu UBCKNN có nghĩ tới hậu quả hay chưa khi sẵn sàng tiếp tay với Quyết đẩy nhà đầu tư khác vào bờ vực phá sản? Hay đằng sau Quyết có ai chống lưng khiến UBCK không dám “động tới”?

Bị phát hiện vụ bán chui cổ phiếu, ngày 12-11, FLC xin Uỷ ban Chứng khoán cho mua lại 20 triệu cổ phiếu với lý giải, “mua lại thêm 20 triệu cổ phiếu là trong 57 triệu cổ phiếu bán chui, xem như thương vụ này không có lừa ai”. Xuất thân là luật sư mà Quyết không hiểu những điều mình đang nói vô lý đến mức nào hay sao? Chẳng nhẽ cứ bán chui, rồi mua lại, rồi nâng giá rồi “phủi tay” xem như là mình “vô can” được sao?

Nhẽ ra, một vụ việc “tày đình” như thế này phải được xử phạt nghiêm minh để làm gương, ngăn chặn tình trạng lừa đảo nhà đầu tư, làm giá ảo để kiếm lợi. Đằng này, mức phạt “nhẹ nhàng” của UBCK không hiểu là do mang nặng cơ chế xin cho, hay có tình trạng “đi đêm” thì không ai có thể biết, chỉ biết điều này sẽ tạo tiền lệ xấu cho càng nhiều kẻ đầu cơ khác.

Còn nhớ cách đây 6 năm (12/2011), Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Viễn Đông – Lê Văn Dũng thao túng giá chứng khoán, mập mờ mua đi bán lại, tạo giá trị ảo cho các cổ phiếu DVD, DHT từng phải lãnh mức án 4 năm tù. Chưa hết, cùng đợt với ông Trịnh Văn Quyết, bà Lưu Hải Anh, kế toán trưởng Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (SKG) bán chui chỉ 5.400 cổ phiếu SKG thu lợi chỉ 85 triệu đồng nhưng lại bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt 450 triệu đồng. Còn Trịnh Văn Quyết bán chui những 57 triệu cổ phiếu, ôm tới 20 triệu USD khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán điêu đứng vì thua lỗ mà chỉ bị phạt 65 triệu đồng. Sự công bằng nằm ở đâu? Đã phạt thì phạt cho đúng người đúng tội, phạt kiểu “phủi bụi” như vậy thì liệu có làm nguôi ngoại những “nạn nhân” của thương vụ lừa đảo này, hay chỉ làm tăng thêm nỗi bức xúc vì sự bất công quá đỗi?

Bức xúc trước vụ việc, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã gửi văn bản kiến nghị lên bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Văn bản ghi rõ: “Ai ở UBCKNN đã bỏ qua sai phạm của đại gia lừa gạt nhà đầu tư để thao túng chứng khoán” phản ứng quyết liệt về mức phạt hành vi lừa dối của ông Trịnh Văn Quyết, VAFI gọi là lừa đảo, chỉ 65 triệu đồng quá nhẹ.

Ông Trịnh Văn Quyết từng nổi tiếng với tuyên bố hùng hồn: chỉ cần 1 triệu đô là có thể dẹp luôn một tòa soạn báo! Quyết dựa vào đâu mà dám hung hăng đến như vậy? Ai đã trao cho Quyết cái quyền thao túng quyền lực, hoành hành bất chấp luật pháp đến như thế?

Người dân đang rất mong chờ sự nghiêm minh của pháp luật, xử lý triệt để những kẻ hại dân hại nước, thao túng kinh tế như Trịnh Văn Quyết. Có nhiều tiền như Khải Silk, Bầu Đức còn không thoát nổi. Rốt cuộc, Quyết có gì mà vẫn được “nhởn nhơ”?

(Giáo dục/ VnExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét