Tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, có một vị lãnh đạo im lặng vì đang tính toán nhiều điều cho doanh nghiệp (DN) nước ông. Đó là Thủ tướng Lý Hiển Long.
Ngược lại, Tổng thống Donald Trump sôi nổi quảng cáo, như chào bán vũ khí và các hàng hoá rất tốt của Hoa Kỳ.
Vị Tổng thống này nói: “Tôi ấn tượng khi biết Việt Nam đang trở thành thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất của nước Hoa Kỳ. Chúng tôi nhìn vào tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của các bạn, chính là thị trường cho hàng hoá và dịch vụ của Hoa Kỳ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi rất bổ ích về cách để hàng hoá, dịch vụ Hoa Kỳ có thể chảy vào Việt Nam”.
Kinh tế số của thiên hạ
Theo dõi suốt cuộc thảo luận của 2.000 doanh nhân thế giới với lãnh đạo các nước và các tổ chức kinh tế lớn nhất, với chủ đề Động lực mới, thấy kết quả cũng tích cực. Toàn cầu hoá tiến bước. Tự do thương mại tiếp tục phát triển. Kỷ nguyên số đầy thách thức, nhưng cũng mở ra vô vàn cơ hội. Tài nguyên thế giới giàu có hơn.DN nhỏ và những người yếu thế được quan tâm hơn. Tài sản các nước có những cái mới, ngoài cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu sẽ là vũ khí “bách phạt thiên hạ”. Chuỗi giá trị toàn cầu có chỗ cho tất cả mọi người. Trong không gian số, môi trường sống mới là nơi kết nối, tích hợp tất cả công nghệ mới thành tổng thể. Cơ hội có sẵn và dành cho ai có khả năng giành lấy. Một chân lý mới rất nhức đầu: “Ai đứng một mình chắc chắn bị tổn thương”.
Nhưng làm sao bước vào không gian số đó để tóm lấy các cơ hội? Ngày cuối, các nhà báo quốc tế râm ran câu chuyện Jack Ma đi “tạo cảm hứng” cho DN Việt. Họ hỏi tôi nghĩ gì về Alibaba? Tôi nghĩ về những chuyện đằng sau Alipay giúp người Trung Quốc thanh toán ở Việt Nam. Chắc chắn 90 triệu dân không phải là điều Jack Ma ít quan tâm. Hàng Trung Quốc giá rẻ. Đó là thế mạnh khó lay chuyển của họ. Các bạn hỏi thêm, hội nghị này có gợi được gì thêm? Vâng, tôi nghĩ đến tài nguyên mới mà Alibaba thừa bản lĩnh để nhắm tới và thâu tóm: cơ sở dữ liệu của 90 triệu người Việt Nam!
Mỗi ngày thế giới có 2.500 (và 15 con số 0 tiếp nối) byte dữ liệu được thu thập và xử lý đưa vào sử dụng trong quản lý và trong kinh doanh, con người nào, bộ máy nhân sự nào với công tác “giáo dục tư tưởng” nào có thể chạy kịp với hiệu suất phân tích mà “big data” này mang lại? Đó là chưa kể kinh nghiệm phân tích và xử lý mạng xã hội dành cho hàng tỉ con người được thu thập của Trung Quốc, để họ “thống lĩnh nhân tâm” trong bán hàng, cũng như trong các yêu cầu khác.
Nhìn qua… Singapore
Trong số các bạn trẻ ngồi cạnh trong hội trường, không ít bạn cứ cuối tuần là bay đi Singapore, Philippines… để học về “dữ liệu lớn”, “trí tuệ nhân tạo”… Họ gửi cho tôi link và đọc tên các lớp học, những diễn giả đang được chú ý. Tôi hình dung: khi hàng Trung Quốc được mở thêm kênh thanh toán điện tử, bằng hợp đồng với bộ Công Thương Việt Nam về thương mại điện tử (một trong 12 thoả thuận mà hai bên vừa ký), hàng loạt DN sản xuất nhỏ của Việt Nam sẽ chết. Và tôi nghĩ thêm, khi Alibaba nắm được kho dữ liệu lớn về tiêu dùng Việt Nam, về toàn bộ nền kinh tế thì… cái gì xảy ra, cũng không quá khó hình dung.
Singapore là một nước nhỏ nhưng có một chính sách bảo vệ không gian mạng khá tích cực và chủ động. DN nhỏ của họ được chọn tư vấn miễn phí (chính phủ thẩm định chất lượng tư vấn và trả phí thay cho DN) tuỳ thích. Ngoài chương trình căn cơ của nhà nước giúp mọi công dân và DN tiếp cận công cụ số, chính lực lượng DN liên kết thật sự để bảo vệ lãnh thổ. Ngoài chương trình SME Go Digital, Chính phủ Singapore còn có trung tâm Công nghệ kỹ thuật số SME (là một trung tâm chuyên dụng cung cấp những lời khuyên chuyên sâu về các lĩnh vực như: phân tích dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, an ninh mạng và IoT) để lập nhiều chương trình, tuỳ khẩu vị mà DN lựa chọn. Khi các DN nhỏ dần nâng cao trình độ, họ còn hỗ trợ các giải pháp công nghệ mới, qua hợp tác với các tập đoàn lớn như các công ty viễn thông, ngân hàng để đưa ra các gói giải pháp kỹ thuật số toàn diện cho các DN vừa và nhỏ lựa chọn.
Ta đang ở đâu?
Mà không chỉ có Singapore. Xem qua chính sách của các nước ASEAN, thấy nước nào cũng đầu tư nghiêm túc cho DN nhỏ và vừa. Thái Lan có hệ sinh thái DN với bốn thành phần: chính phủ, DN lớn, ngân hàng và DN nhỏ. Mã Lai có chương trình huấn luyện 1.000 DN nhỏ xuất khẩu ra thế giới…
Còn ở xứ ta thì sao? Tôi tự hỏi, những doanh nhân cũng là chuyên gia, tên tuổi lớn của lãnh vực công nghệ thông tin như ông Trương Gia Bình, Nguyễn Mạnh Hùng, các trung tâm của các bộ Thông tin và truyền thông, Công Thương, Khoa học và công nghệ…, ai trong số họ sẽ kiến nghị “đủ khẩn đủ sâu” cho Chính phủ? Ai sẽ tập hợp các DN về công nghệ thông tin để cùng hình thành một thế lực đủ mạnh, hầu có thể giúp 90% DN vừa và nhỏ Việt Nam bước vào và sống được trong kỷ nguyên số, hay là chỉ biết “lobby” các ông chủ lớn đến Việt Nam vung vít cho sướng cái miệng… rồi thôi?
Chắc không ai muốn, một ngày không xa, DN vừa và nhỏ của Việt Nam không bán được hàng sẽ “phơi xác đầy đường”, còn chúng ta lặng lẽ đi nhặt xác họ. Không hề cường điệu, vì tốc độ trong không gian số cực nhanh, không nương nhẹ và không hề chiếu cố gia cảnh!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét