Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Xin hãy cẩn trọng, thưa Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

ANH ĐÀO

LĐO - Trong khi tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục tính chuyện dán tem cho bia các loại. Liệu quy định này sẽ giúp tăng thu NSNN, bảo vệ nhân dân trước hàng giả hay lại rơi vào câu chuyện oái oăm của những chiếc tem năng lượng?!

Báo chí dẫn nguồn Bộ Công Thương cho biết, thị trường bia (với sản lượng 2016 đạt 3,78 tỉ lít, tổng nộp NSNN đạt 30.000 tỉ) đang tồn tại nhiều vấn đề... có cả bia giả, bia lậu... khiến ngân sách thất thu mỗi năm khoảng 3.000 tỉ đồng.

Với đề án này, tem bia sẽ được dán ở tất cả sản phẩm bia sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu trước khi lưu thông trên thị trường (giá thành một tem bia giấy là 179 đồng, tem được in phun trực tiếp là 145,44 đồng). Và việc dán tem sẽ giúp ngân sách tăng thu hơn 2.000 tỉ, giúp DN chống hàng lậu, hàng giả. Bia giả - nghe cũng lạ tai.

Bia lậu - chắc hẳn không điển hình như xăng lậu hay thuốc lậu. Và có lẽ, việc dán nhãn bia nhân danh một khoản thu và giúp ngăn chặn bia giả nên được xem trong tương quan với hiệu quả cũng như sự cản trở đối với các doanh nghiệp.

Năm 2012, khi quy định dán nhãn năng lượng hàng hóa được/bị quy định là bắt buộc. Người ta đã tính toán có tới 2.655 sản phẩm thuộc diện phải dán nhãn. Kể cả các mặt hàng nhập khẩu từ EU, Nhật hay Mỹ. Nhiều nhất là điều hòa, tủ lạnh, tivi, máy giặt, quạt điện, nồi cơm điện và đèn chiếu sáng.

Ngay cả những sản phẩm xuất xứ EU đã được kiểm định, chứng nhận và dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế Euro 4 hoặc Euro 5 cũng phải kiểm định để dán nhãn trong hoàn cảnh thậm chí “VN chưa có nơi nào có đủ thiết bị, phương tiện lẫn kỹ thuật để kiểm tra”.

Một cái mục tiêu ảo “để sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả”, đã gây ra một trong những thứ tem nhãn tốn kém, phiền phức, thiếu hiệu quả nhất trong số những thủ tục hành doanh nghiệp.

Chưa kể những sự vô lý không giải thích nổi. Chẳng hạn VN dán nhãn năng lượng cho ôtô nhập khẩu (thực hiện từ 1.1.2015) với “Mục đích dán nhãn để bảo vệ người tiêu dùng, tránh việc doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhập khẩu công bố mức tiêu thụ nhiên liệu của ôtô không đúng với thực tế”.

Thưa Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với việc tự nguyện cắt bỏ 675 điều kiện, dư luận đang coi đó như một quyết định lịch sử, mang tính cách mạng.

Nhưng điều đó chỉ thực sự có nghĩa khi cắt là cắt, chứ không phải cắt đi một lại đẻ thêm một, dù với danh nghĩa tăng thu NSNN, dù dưới danh nghĩa bảo vệ người tiêu dùng.

Xin hãy cẩn trọng thưa Bộ trưởng. Bởi rất có thể, 2.000 tỉ chẳng thấy đâu mà phiền toái và chi phí còn gấp mấy lần chỗ đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét