Đất Việt - Ukraine mới đây đã cho ra mắt một mẫu xe chiến đấu hỗ trợ tăng tương tự BMPT tại Triển lãm quốc phòng Arms and Security do nước này tổ chức.
Trong tác chiến hiện đại, rút kinh nghiệm từ thực tế chiến trường, yêu cầu trang bị thêm xe chiến đấu hỗ trợ tăng để nâng cao hiệu quả tiến công trong môi trường đô thị nhiều vật cản ngày càng trở nên cấp thiết.
Ukraine là quốc gia thừa hưởng nhiều thành tựu về nền công nghiệp xe tăng từ Liên bang Xô Viết, nhìn thấy sự thành công của mô hình BMPT Terminator và BMPT-72 Terminator 2 do Nga chế tạo, dĩ nhiên quốc gia Đông Âu này không thể đứng ngoài cuộc.
Mới đây trong khuôn khổ Triển lãm quốc phòng Arms and Security 2017, Ukraine đã chính thức giới thiệu một phiên bản "Kẻ hủy diệt" do chính mình sản xuất.
So với BMPT Nga thì "Kẻ hủy diệt" của Ukraine sử dụng khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-64 chứ không phải T-72, phần giáp trước và hông xe được bao phủ gia cường bởi các phiến giáp phản ứng nổ Kontakt 1.
Xe cũng được lắp một tháp pháo nhỏ, nhẹ, có khả năng xoay rất nhanh với góc bắn lớn để tấn công những mục tiêu mà khẩu pháo chính của xe tăng rất khó hoặc không thể bắn được.
Trên tháp pháo này lắp 2 khẩu pháo tự động 2A42 cỡ 30 mm, 4 tên lửa chống tăng có điều khiển AT-5 Spandrel cùng với 1 súng phóng lựu tự động AGS-17 cỡ 30 mm và thiết bị ngắm bắn quang điện tử.
Dễ nhận thấy cấu hình vũ khí trên rất giống với nguyên mẫu BMPT của Nga, nhưng nếu đặt cạnh nhau thì phiên bản Ukraine dễ gây ra thất vọng lớn.
Đầu tiên là về mỹ thuật công nghiệp, trong khi BMPT của Nga có một thiết kế rất gọn gàng nhưng chỉ cần nhìn qua cũng đủ thấy uy lực đáng sợ của nó thì chiếc thiết giáp Ukraine mới giới thiệu trông khá thô sơ, giống như một bản nháp của BMPT đời đầu.
Xét về mức độ bảo vệ, trong khi cỗ chiến xa Nga đã được gia cường xung quanh bằng giáp phản ứng nổ Relikt thế hệ mới nhất thì Ukraine vẫn chỉ trang bị cho xe của mình loại Kontakt 1 đã rất lạc hậu, trong khi họ đã lắp cho nhiều chiếc T-64 khác giáp Nozh hiện đại không thua gì Relikt, đây thực sự là điều khó hiểu.
Hỏa lực của BMPT Ukraine phong phú hơn chút xíu nhờ khẩu AGS-17 lắp trên tháp pháo, tuy nhiên tên lửa chống tăng Konkurs của nó tính năng lại kém xa mẫu 9M120 Ataka có thể lắp đầu đạn nhiệt áp của Nga, khiến năng lực giao chiến với xe tăng chủ lực hay công sự bê tông cốt thép vững chắc suy giảm phần nào.
Tóm lại, "Kẻ hủy diệt" phiên bản Ukraine sẽ cần phải hoàn thiện thêm nhiều nếu muốn phát huy được tác dụng lớn nhất trên chiến trường, hoặc xa hơn là hướng tới thị trường xuất khẩu nhằm cạnh tranh trực tiếp với BMPT do Nga sản xuất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét