Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Bitcoin: Xu hướng hay trò lừa đảo?

LAN HƯƠNG - BẢO CHƯƠNG

LĐO - Đại học FPT chấp nhận thử nghiệm thu học phí bằng bitcoin đối với sinh viên nước ngoài đang là tâm điểm bàn luận trên các diễn đàn. Vậy sử dụng bitcoin là bắt kịp công nghệ tương lai hay chỉ là mù quáng chạy theo trò lừa gạt?

Người thì tung hô Đại học FPT theo kịp xu hướng thời đại, người lại nói đó là “chiêu PR” để đánh bóng tên tuổi thương hiệu Đại học FPT.
Tính riêng năm 2017, bitcoin đã tăng 400% giá trị. Hàng nghìn “triệu phú bitcoin” xuất hiện. Trong khi đó tại TPHCM, làn sóng ngầm về cày coin, lướt coin... vẫn tiếp tục diễn ra nhộn nhịp.

Thâm nhập “dòng chảy ngầm” bitcoin

Có thể nói phong trào chơi tiền ảo mới chỉ bắt đầu trong một vài năm trở lại đây nhưng đã thu hút khá nhiều người tham gia vào những cuộc đi săn bitcoin. Có hai xu hướng hiện nay trong giới đầu tư tiền ảo tại Việt Nam, là đào bitcoin và trade bitcoin (mua bán bitcoin).

Ngoài ra, trong trade bitcoin cũng phân loại ra hai loại là lướt sóng (mua đi bán lại giữa các bitcoin để kiếm chênh lệch nhờ vào biến động giá) và giao dịch ký quỹ (margin).

Anh Lê Thuý - chủ một doanh nghiệp công nghệ thông tin ở TPHCM - cho biết, anh tham gia vào phong trào cày bitcoin này cũng gần hai năm. Con số tiền đầu tư của anh đã hơn 1 tỉ cho dàn máy đào bitcoin.

Tuy nhiên, cày bitcoin ở đây phải hiểu là người chơi cày các loại bitcoin khác như ETH (đồng Ethereum), ZEC… sau đó chuyển vào ví rồi quy đổi về bitcoin. Bởi vì muốn cày bitcoin thì theo như anh tìm hiểu cần phải đầu tư máy chuyên dụng với chi phí không đơn giản, và theo như anh được biết thì trong giới cày bitcoin ở Việt Nam chưa có ai đầu tư máy này.

Bản thân anh cũng thừa nhận việc kiếm bitcoin ngày càng khó khăn khi người chơi ngày càng nhiều tuy nhiên với mục đích đầu tư cho tương lai thì rất có ích.

Còn với những người có máu đầu tư kiểu lướt sóng thì không đào được bitcoin họ tham gia mua bán. Theo anh Nguyễn L. - chủ một trang mạng mua bán giao dịch bitcoin - cho biết, về việc sử dụng đồng bitcoin để mua hàng thì ở Việt Nam, theo anh Nguyễn L. hầu như chưa có trang mạng nào chấp nhận.

Trước đây tại TPHCM đã có một cửa hàng nhập hẳn vài cây ATM dành riêng cho giao dịch bitcoin về nước và hiện đang được đặt ở một tiệm Pizza ở TPHCM. Tuy nhiên, việc có thực hiện giao dịch hay không thì anh vẫn chưa nắm được.

Đoàn Q. Việt - một người đang tham gia đầu tư bitcoin và lướt sóng ở TPHCM nói về kinh nghiệm của mình trong quá trình học và tham gia đồng tiền ảo với đầy vẻ chua chát. Do tham gia muộn nên sau khi bỏ tiền mua bitcoin anh đã đi tầm sư học đạo từ các kênh sách báo, trang mạng trong và ngoài nước thế nhưng mọi thứ cứ như mớ bòng bong.

Được sự giới thiệu của vài người bạn, anh tìm đến một khóa học có học phí 0.25BTC của một chuyên gia đang thuộc diện “hot” ở TPHCM. Học viên đa số là công chức, nhân viên văn phòng... đủ mọi thành phần. Sau khóa học, với kiến thức thu lượm được, anh bắt đầu tham gia vào trade bitcoin ở một số địa chỉ Bittrex, Polo... thậm chí anh còn sử dụng cả margin.

Cho tới nay, sau gần 3 tháng lướt sóng anh đúc kết được một điều là đánh nhỏ thì tài khoản xanh, nhưng cứ đánh to là… chết. Ngay cả việc các trang web này cung cấp các công cụ hỗ trợ cho người mới nhưng nói thẳng không có một loại công cụ nào đảm bảo cho bạn an toàn và sinh lời 100% trong ngành trade bitcoin này.

Nếu ai chơi chứng khoán, hay Forex thì không lạ gì các loại tool được quảng cáo lên mây, nhưng thực tế thế nào thì các anh chị đã từng sở hữu qua có thể kiểm chứng - anh Việt cho biết.

Cơn say mù quáng hay bị lừa gạt?

Theo tìm hiểu của Lao Động cùng sự nhận định của các chuyên gia, giờ đây, tội phạm cũng sử dụng tiền ảo. Bitcoin được coi như một chiếc hộp bí mật. Cả người mua và người bán bitcoin đều có thể giao dịch vô danh. Vì đảm bảo giao dịch bí mật, là công cụ hoàn hảo để trốn thuế nên giờ đây ngay cả tội phạm buôn ma túy và gái mại dâm cũng chấp nhận sử dụng thanh toán bằng bitcoin.

Cuối tháng 9.2017 - ông Jamie Dimon - lãnh đạo ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgan, người được ví là “Đại bàng phố Wall” khẳng định, tiền ảo chỉ là một trò bịp và chỉ dành cho bọn tội phạm và quốc gia bị cấm vận. Ông Jamie Dimon cũng khẳng định, sẽ sa thải ngay lập tức bất cứ nhân viên nào bị phát hiện giao dịch bitcoin.

Điều khiến các nhà phân tích lo ngại bong bóng tiền ảo xảy ra là bởi bitcoin không sở hữu giá trị nào khác ngoài thứ mà người mua sẵn sàng trả, hay nói cách khác mọi mức giá đều phù hợp. Một chuyên gia kinh tế từng nhận định, “sức sống của tiền ảo có được từ sự tin tưởng và đồng thuận ảo, lòng tham, sự mù quáng, được tiếp sức bởi sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quản lý, được nhân bội bởi hệ số mức hoa hồng đầy mê hoặc”. Càng nhiều người yêu thích đồng tiền ảo thì đồng tiền này càng lên giá.

Trao đổi với PV Báo Lao Động - một luật sư - cho biết, về khía cạnh kinh tế, đồng vốn không đưa vào đầu tư, kinh doanh, mà tự dưng tăng lên gấp hàng trăm, hàng nghìn lần, thì cũng giống như quả bóng phình to nhờ nhiều nhà đầu tư thổi hơi.

Cũng giống như mô hình kinh doanh đa cấp, sẽ có một số người hưởng lãi thật, thậm chí là lãi lớn, để làm bằng chứng sống dẫn dụ những người khác, thật giả lẫn lộn, thấy lợi mà ham.

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia Tài chính ngân hàng - cho biết: “Theo tôi, Việt Nam nên duy trì quan điểm không thể dùng đồng tiền này như đồng tiền thanh toán dịch vụ. Hãy coi tiền điện tử như một sản phẩm. Khi bạn vào sòng bạc, bạn phải đổi tiền USD và VND sang đồng tiền Chip để chơi.

Sau khi bạn bước chân ra khỏi sòng bạc thì phải đổi tiền thật, đó là loại hàng hoá trao đổi với nhau giữa những người sòng bạc chấp nhận đồng tiền đó như phương tiện thanh toán”.

Vậy Việt Nam sẽ phải đối mặt với rủi ro gì nếu cấm hoàn toàn các giao dịch bằng đồng bitcoin? Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nếu cấm mọi công dân Việt Nam không được sử dụng đồng tiền điện tử thì có thể các hoạt động giao dịch rơi vào thế giới ngầm, đến lúc đó thì mọi thứ trở nên khó có thể kiểm soát nổi. Chúng ta không thể kiểm soát được các trang mạng điện tử hiện nay.

Thay vì cấm đoán để biến thành hoạt động không thể kiểm soát thì nên cho phép nó hoạt động và kiểm soát nó bằng các quy định pháp luật. Một trong những vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý là các đối tượng có thể dùng tiền điện tử để tham gia vào lĩnh vực phạm pháp, rửa tiền. Các đối tượng có thể đổi tiền đồng sang tiền bitcoin rồi thông qua các ví điện tử chuyển tiền ra nước ngoài trong nháy mắt mà không mất một đồng lệ phí.

Hình thức này thuận tiện và rẻ hơn rất nhiều so với việc chuyển khoản qua ngân hàng phải mất từ 40-50USD. Phí chuyển tiền qua ví điện tử có khi chỉ 0 đồng. Cách làm này tạo lỗ hổng cho việc rửa tiền, chuyển tiền từ Việt Nam sang các nước khác để mua bất động sản, tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp khác. Vấn đề rửa tiền đang là đau đầu cho an ninh tiền tệ.
***

Gần đây còn nảy sinh một số đối tượng và tổ chức lừa đảo, mạo danh các sàn giao dịch/huy động vốn để lừa gạt người chơi thiếu kiến thức, một số khác thì biến tướng trở thành các tổ chức “lừa đảo đa cấp” về tiền ảo. Trong đó, phải kể đến loại hình đang khá nở rộ là uỷ thác đầu tư với thuật ngữ HYIP (High-Yield Investment Program) hay còn gọi là đầu tư siêu lợi nhuận. Đây là hình thức ủy thác đầu tư cho một cá nhân hay tổ chức, sau đó nhận lãi. HYIP hoạt động bằng cách mở ra những kênh đầu tư siêu lợi nhuận với lãi suất rất cao, dao động từ 3-5% một ngày, cá biệt có trang lên tới 40% để thu hút những người hám lợi. Những sàn đầu tư kiểu này thường hứa hẹn đảm bảo lợi nhuận cho người chơi trong mọi thời điểm, yêu cầu đầu tư tối thiểu (min deposit) cao, thường là 10USD. Cách hoạt động chẳng khác gì kinh doanh đa cấp. Tham gia vào các sàn này chủ yếu theo kiểu ai nhanh tay thì lấy được tiền lời, còn ai vào sau thì mất tiền tự chịu bởi vì đa phần những trang HYIP chỉ có “tuổi thọ” rất ngắn, huy động vốn nhanh, trả lãi cho những người đầu tư sớm và “quỵt tiền” những người lỡ đổ tiền vào lúc sàn sắp sập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét