(TBKTSG) - Người dân dễ phản ứng với các dự án BOT thiếu minh bạch, thu phí cao nhưng lại hầu như chẳng có phản ứng gì với các dự án BT vì chủ đầu tư không thu phí trực tiếp của người dân mà được Nhà nước đổi đất để lấy hạ tầng mình đã xây dựng. Trong khi đó, về bản chất, các dự án BT là “anh em song sinh” với các dự án BOT, và đằng sau nó vẫn là những hạn chế, bất cập, hệ lụy.
Từ khóa “Đổi đất lấy hạ tầng”
Nếu như các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) có giai đoạn nhà đầu tư trực tiếp kinh doanh dự án dưới hình thức thu phí theo thời gian ghi trong hợp đồng đã ký với Nhà nước nhằm thu hồi vốn đầu tư, dễ gây xung đột với bên trả phí (người dân) thì dự án BT không thế. Hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) thể hiện việc nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư cơ sở hạ tầng thay cho Nhà nước. Đổi lại, Nhà nước sẽ “trả lại” vốn nhà đầu tư đã bỏ ra, thông thường bằng quỹ đất do hai bên thống nhất, lựa chọn và định giá. Cả quá trình này, người dân không tham gia trực tiếp vào công đoạn nào, trừ những dự án đất được đổi phải giải phóng mặt bằng. Nên với nhiều dự án BT, người dân không biết, không phản ứng hay ủng hộ. Nhiều khi vì không có đủ thông tin, họ còn tưởng rằng đó là các cơ sở hạ tầng do Nhà nước trực tiếp đầu tư và dân được hưởng lợi.
“Trước năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai ba dự án đầu tư theo hình thức BT thanh toán bằng tiền, các địa phương triển khai các dự án BT thanh toán bằng đất. Từ năm 2017, theo quy định của Nghị định 15, không còn hình thức BT thanh toán bằng tiền. Các dự án BT có ưu điểm không thu phí trực tiếp của dân nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân. Tuy nhiên, hạn chế là việc thanh toán bằng quỹ đất chưa có hình thức đấu thầu, giá trị quỹ đất chưa xác định phù hợp với thị trường. Quá trình triển khai thực hiện cũng còn một số tồn tại...” - đó là nội dung đánh giá riêng về các dự án BT do đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra trong bản báo cáo giám sát về các dự án BOT mới công bố.
Không phải ngẫu nhiên mà đoàn giám sát lại “chen” vào báo cáo giám sát về BOT những dòng về BT trong phần nêu ra những hạn chế, bất cập như vậy.
Các dự án BT thậm chí còn ra đời trước các dự án BOT. Từ những năm 2015 về trước, tại nhiều địa phương còn triển khai các dự án BT theo hình thức sử dụng vốn trái phiếu chính phủ trả tiền cho nhà đầu tư, nhất là các dự án ở cấp huyện. Sau vốn trái phiếu chính phủ bị siết lại nên các dự án BT một thời hết đất sống. Nó bắt đầu quay trở lại khi Nghị định số 15 năm 2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) quy định: “Nhà đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án”. Điều này thay cho quy định trước đây, rằng “Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng BT”. Điều kiện “thanh toán bằng quỹ đất” đã tháo gỡ thế bí cho Nhà nước (đang thiếu tiền đầu tư) và nhà đầu tư (cần một điều kiện rõ ràng mới dám bỏ tiền ra đầu tư).
BT cũng đầy rủi ro, sao nhà đầu tư vẫn làm?
Hiện chưa có một báo cáo đầy đủ nào về toàn cảnh các dự án BT tại Việt Nam. Ở cấp Bộ GTVT quản lý, chỉ có bốn dự án BT với tổng mức đầu tư 16.035 tỉ đồng đã và đang triển khai, trong đó có hai dự án BT thuộc lĩnh vực hàng hải. Các dự án BT hầu hết nằm ở các địa phương. Chưa có một thống kê nào cho thấy tại 63 tỉnh, thành trên cả nước hiện nay có bao nhiêu dự án BT và hiệu quả “đổi đất lấy hạ tầng” đến nay ra sao. Song chỉ với ví dụ ở Hà Nội cũng đủ thấy quy mô và tầm mức của các dự án BT tại địa phương lớn biết chừng nào khi so với quy mô của tất cả các dự án BOT trên cả nước đã đi vào khai thác. Một báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về các dự án BT (tháng 6-2017) cho thấy với 16 dự án đã và đang triển khai từ năm 2015 về trước, tổng mức đầu tư đã lên tới 28.874 tỉ đồng. Trên địa bàn Hà Nội từ năm 2012 trở về trước có đến 63 dự án PPP và đều là BT. Con số này giảm xuống còn 24 dự án từ năm 2014, theo kết luận mới được công bố của Thanh tra Chính phủ về các dự án BOT-BT tại Hà Nội (tháng 6-2017).
Còn kể từ tháng 6 đến nay, khi Hà Nội kêu gọi, đã có 76 dự án PPP đăng ký đầu tư với tổng mức đầu tư 196.729 tỉ đồng. Phần lớn trong số này là các dự án BT. Trong khi đó, giai đoạn 2011-2015, giai đoạn đỉnh cao của “cơn sốt” đầu tư BOT, cả nước huy động được 186.660 tỉ đồng. Tất nhiên không phải cứ đăng ký là các nhà đầu tư sẽ bắt tay vào làm BT ngay. Tuy nhiên, khi các dự án BOT có dấu hiệu bị siết chặt quản lý, liệu có xu hướng chuyển sang đầu tư các dự án BT trong thời gian tới?
Thật ra bài toán đổi đất lấy hạ tầng cũng khá nan giải với chính nhà đầu tư, nhất là khi nhà đầu tư phải chịu mọi chi phí từ đầu đến cuối để xây dựng dự án hạ tầng đổi cho chính quyền địa phương nhằm thu lại quỹ đất, thậm chí còn chưa giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn, để làm chủ đầu tư một dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, nhà đầu tư sẽ phải ứng trước vốn để giải phóng mặt bằng không tính lãi và triển khai ngay việc này khi thành phố cam kết bố trí quỹ đất đối ứng. Ngoài ra, còn phải ứng hàng loạt kinh phí để làm báo cáo tiền khả thi, khả thi... Nếu dự án không được Quốc hội hoặc Chính phủ thông qua thì nhà đầu tư không được bồi hoàn kinh phí. Rủi ro này có thể sẽ khiến nhà đầu tư mất hàng trăm tỉ đồng. Biết thế nhưng nhà đầu tư vẫn đăng ký. Hiện có năm doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đăng ký đầu tư các dự án đường sắt trên cao theo hình thức BT.
Lời giải lợi ích của nhà đầu tư nằm ở chỗ các dự án BT đến nay đều được chỉ định thầu (và các dự án trong tương lai tại Hà Nội vẫn tiếp tục theo hướng này). Việc xác định tổng mức đầu tư, quyết toán, thực hiện “hàng đổi hàng” đều do các cơ quan quản lý và doanh nghiệp tự thương thảo với nhau. Theo quy định tại Nghị định 15, việc giám sát chất lượng công trình BT được thực hiện theo thủ tục áp dụng đối với dự án đầu tư công vì thực chất Nhà nước “mua” dự án BT bằng tiền ngân sách bỏ ra dưới hình thức khác. Nhưng cũng tại Nghị định 15, việc giám sát này được quy định hết sức dễ dãi: Nhà đầu tư, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, dịch vụ dự án; tự giám sát, quản lý hoặc thuê tư vấn quản lý, giám sát thi công, nghiệm thu... Cơ quan quản lý nhà nước chỉ giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp theo hợp đồng. Và trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý mới thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực để hỗ trợ thực hiện việc giám sát.
Với thực tế năng lực và kinh nghiệm của rất nhiều nhà đầu tư BT còn hạn chế (mà Thanh tra Chính phủ mới đây đã chỉ rõ trong Báo cáo thanh tra bảy dự án BT tại Hà Nội-NV) thì quy định nêu trên thực sự là một “lỗ hổng” hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư thiếu nhiều điều kiện và không loại trừ những cái “bắt tay” giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư non yếu.
Mặt khác, vì cơ chế thanh toán bằng quỹ đất không qua đấu thầu, cho nên dù giá trị lô đất có được thẩm định bởi hàng loạt cơ quan thẩm định giá, từ sở tài nguyên và môi trường đến sở tài chính, thì cũng không có gì đảm bảo chắc chắn rằng không có sự thông đồng giữa các bên định giá với nhà đầu tư để cho ra một kết quả làm vừa lòng các bên.
Cơ chế “hàng đổi hàng” như thế là hoàn toàn không minh bạch, kể cả có công khai.
***
Quy định “Nhà đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án” trong Nghị định 15 đã tháo gỡ thế bí cho Nhà nước (đang thiếu tiền đầu tư) và nhà đầu tư (cần một điều kiện rõ ràng mới dám bỏ tiền ra đầu tư).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét