Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

'Bệnh' chặt chém di căn đến nhiều nơi, xử lý sao?

M. NHIÊN tổng hợp

TTO - Chặt chém du khách thật sự trở thành căn bệnh và đã di căn đến nhiều nơi. Ngay cả xứ sở vốn hiền hòa như Long An cũng không chừa. Làm sao chấm dứt tình trạng này? Rất nhiều bạn đọc đã hỏi như vậy.

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, ngày 4-9 một nhóm người đi từ hướng TP.HCM ghé quán cơm sườn trên Quốc lộ 1 (đoạn gần Cầu Ván, thuộc địa bàn xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) ăn xong 6 dĩa cơm sườn thì nghe chủ quán tính giá... 1,2 triệu đồng.

Bất bình bị chặt chém quá mức bởi dĩa cơm thực khách gọi ra gồm có sườn, trứng, rau và một ly trà đá kèm theo, những người khách liền phản ứng với chủ quán.

Tuy nhiên, chủ quán ăn do Đỗ Thành Nhân (34 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) và vợ là Nguyễn Thị Phương Khanh (32 tuổi, ngụ H.Bến Lức) làm chủ, cho rằng "ai biểu khách ăn không hỏi giá trước" nên tính giá vậy, và kiên quyết đòi nhóm khách phải trả tiền.

Dùng dằng một lúc sau, nhóm thực khách đã phải gọi điện báo cho chính quyền xã Nhị Thành nhờ can thiệp.

Nhận được tin báo, một đoàn gồm cán bộ xã, trưởng ấp... đã có mặt sau đó.

Khi thấy có đoàn cán bộ xã, chủ quán đã tính lại tổng giá của 6 dĩa cơm là... 400.000 đồng, thay vì 1,2 triệu đồng như ban đầu.

Ngay sau khi Tuổi Trẻ Online phản ánh, ngày 7-9 Đội 4 thuộc Chi cục quản lý thị trường tỉnh Long An đã xuống kiểm tra. Tuy nhiên, thời điểm đó chủ quán đóng cửa đi vắng.

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Phạm Thành Long - chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa, Long An - cho biết đã chỉ đạo lập tổ xem xét, xử lý vụ việc này.

Trong lúc chờ đợi cơ quan chức năng xử lý rốt ráo vụ việc, ở góc độ giữa người con người với con người nhiều bạn đọc cho rằng đây là việc làm hoàn toàn trái với đạo đức, lương tâm một người kinh doanh. Thậm chí, có bạn đọc còn đặt câu hỏi: "Người Việt mình xấu xa đến thế sao?"

Có phần ngạc nhiên, bất ngờ vì sự "di căn" của cái xấu bạn đọc Lê Trung Tín viết: "Đọc bài viết mà tôi phải giật mình. Đến các quán ở khu vực này mà chặt chém nữa hả? Đề nghị chính quyền nên xem lại kiểu làm ăn lường gạt này. Không đúng tính cách con người nơi đây rồi".

Từng là nạn nhân của hành vi chặt chém này, bạn đọc Bình phản ánh: "Tôi và các bác cựu chiến binh đi ngang khu vực này cũng bị chặt chém như thế. Một cái khăn giấy ướp lạnh bị họ tính 50,000 đồng! Kính mong chính quyền quan tâm khu vực này". 

Trong khi đó, bạn đọc Đoàn Hai chua xót: "Trời ơi, cái xấu đã lan tới miền này rồi, nơi nổi tiếng thật thà, hiền hậu sao lại xuất hiện kẻ xấu xa này. Đề nghị chính quyền hãy xử lý thẳng tay bảo vệ tiếng thơm của người dân nơi đây."

Cho rằng chỉ kêu gọi đạo đức kinh doanh suông chưa đủ, muốn chấm dứt tình trạng chặt chém này phải xử lý thẳng tay để làm gương, bạn đọc Thanh Bình đề nghị: "Truy thu thuế theo theo lợi nhuận do chặt chém nhân với thời gian bán hàng. Nếu không đóng thì theo số tiền truy thu thuế xử tù.  Không cần xử phạt hành chính vì mức phạt nhẹ hều. Không đủ mức dăn đe."

Cùng tìm giải pháp hữu hiệp dẹp bỏ nạn chặt chém, bạn đọc Đào Mai Linh hiến kế: "Theo chúng tôi, các quán cơm và những nơi phục vụ ăn uống bắt buộc phải tự niêm yết giá công khai, chữ to ở nơi dễ trông. Ở châu Âu họ làm như vậy nên không có tình trạng chặt chém xảy ra".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét