Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Từ Happyland đến Disneyland còn quá xa!

Hùng Lê

(TBKTSG Online) - Từng được kỳ vọng như một “Disneyland” ở Việt Nam, dự án khu phức hợp giải trí Happyland ở Long An giờ đây trở thành công trình dang dở sau hơn 6 năm khởi công xây dựng.

Còn xa “Disneyland” ở Việt Nam!

Những ai thường đi đường cao tốc TPHCM-Trung Lương (Tiền Giang) qua địa phận tỉnh Long An, nhiều năm nay không khỏi thắc mắc một công trình đồ sộ rộng hàng trăm héc ta, kéo dài cả cây số, bị che chắn bởi hàng dương cao vút, lấp ló vài công trình xây dựng với những kiến trúc như cổng lâu đài, khinh khí cầu,… mãi vẫn chưa được đưa vào khai thác. Đây là công trình dự án Khu phức hợp giải trí "Xứ sở hạnh phúc" (Happyland) thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An, do Tập đoàn Khang Thông đầu tư được khởi công rầm rộ hồi đầu năm 2011.

Với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ đô la Mỹ, chủ đầu tư kỳ vọng dự án này sẽ là một "Disneyland" Việt Nam để đưa vào khai thác giai đoạn đầu vào tháng 4-2014. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm triển khai xây dựng, dự án này mới chỉ hoàn thành một số dự án thành phần và chưa rõ khi nào sẽ hoàn thành, trong khi các cơ quan truyền thông đưa tin rằng chủ đầu tư đang lâm vào cảnh nợ nần.

Tọa lạc bên bờ sông Vàm Cỏ Đông với hơn 3,7 km tiếp giáp sông Vàm Cỏ, thuộc huyện Bến Lức, dự án Happyland do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An, thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông làm chủ đầu tư, được quy hoạch sẽ trở thành một quần thể du lịch, thương mại, dịch vụ hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Giai đoạn 1 của “Xứ sở hạnh phúc" sẽ gồm hai phần chính, đó là khu công viên vui chơi - giải trí rộng 266 héc ta và khu đô thị độc lập 72 héc ta và sẽ được mở rộng thêm 350 trong giai đoạn 2. Để thực hiện dự án này, chủ đầu tư thuê các các đơn vị tư vấn quy hoạch, thiết kế, quản lý và vận hành như Steelman Partners, Meinhardt, Savills, PWC… tham gia vào dự án. Chủ đầu tư khi đó cho biết phần đặc trưng nhất của dự án này là công viên chủ đề Happyland với tổng mức đầu tư 600 triệu đô la Mỹ và được xây dựng theo các tiêu chuẩn áp dụng tại công viên giải trí trên thế giới như Disneyland, Universal Studio. Các hạng mục còn lại là kêu gọi các nhà đầu tư khác tham gia.

Được thiết kế cho lượng du khách lên đến 14 triệu lượt người mỗi năm, Happyland không chỉ đơn thuần là một công viên mà trong khu phức hợp này bao gồm nhiều hạng mục phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí, mua sắm, ẩm thực cũng như lưu trú, hội nghị và sản xuất chương trình.

Theo dự kiến, hạng mục được khánh thành và đưa vào khai thác đầu tiên trong khu phức hợp là công viên chủ đề Happyland có diện tích gần 100 ha. Tại công viên chủ đề Happyland với 40 trò chơi hiện đại khu vực Đông Nam Á, khách tham quan sẽ được ghé thăm làng côn trùng, phiêu lưu trong thế giới cổ xưa, bồng bềnh trên một con tàu dạt vào đảo hoang hay bay vào thiên hà trên con tàu vũ trụ…

Tuy nhiên, đến nay những công trình của dự án vẫn còn là "giấy mơ" của Tập đoàn Khang Thông. Bởi lẽ từ ngày khởi công đến nay, nhiều hạng mục xây dựng vẫn đang còn dở dang, trong khi đó một số hạng mục hoàn thành có nguy cơ xuống cấp nhưng vẫn chưa được đưa vào khai thác. Chỉ duy nhất là trường đua mô tô và ô tô tại đây được đưa vào khai thác, nhưng chủ yếu là nơi giới thiệu ô tô và xe mô tô mới và tổ chức lái thử xe của các hãng xe chứ chưa phải là công trình chính thức mở cửa rộng rãi cho công chúng.

Đầu tư quá tầm?

Để triển khai dự án có vốn đầu tư lên đến hơn 2 tỉ đô la Mỹ, trong các buổi công bố và xúc tiến đầu tư vào dự án, lãnh đạo Tập đoàn Khang Thông cho biết được huy động từ các ngân hàng như BIDV, Agribank, Ocean Bank, Quỹ đầu tư Westwood Capital và nhiều đối tác nước ngoài đến từ Mỹ, Hồng Kông, Singapore, Nga,… Điều này, có thể thấy khâu chuẩn bị và nhập cuộc của chủ đầu tư là khá tốt. Tuy nhiên, dự án lại được triển khai trong hoàn cảnh có nhiều bất lợi, rủi ro và được giới quan sát khi đó đánh giá là quá nhiều tham vọng, vượt tầm với của nhà đầu tư.

Cụ thể ngay sau khi khởi công được khoảng 18 tháng, Happyland gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng chung của cả nền kinh tế cùng với thị trường bất động sản “đóng băng”. Tuy nhiên, khi đó chủ đầu tư vẫn cho thấy là có đủ năng lực tài chính vì các hạng mục công trình của dự án vẫn được triển khai bình thường. Những dẫn chứng về các hạng mục hạ tầng đường sá, điện, nước; nhà điều hành dự án; phim trường; lâu đài rượu; hệ thống cảnh quan cây xanh, vườn ươm; dự án khinh khí cầu,... vẫn được triển khai thực hiện. Có điều một số hạng mục công trình này đến nay vẫn chưa hoàn thiện để đưa vào khai thác đúng như thời điểm đặt ra.

Một khó khăn khác là việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài việc đầu tư trực tiếp, lãnh đạo Khang Thông cũng cho biết sẽ mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào cùng phát triển nhiều hạng mục khác nhau của dự án.

Trong năm đầu tiên sau khi khởi công dự án, Tập đoàn Khang Thông liên tục tổ chức các sự kiện công bố việc ký biên bản ghi nhớ hoặc hợp tác đầu tư với nhiều nhà đầu tư tầm cỡ trên thế giới. Đến thời điểm năm 2012, Khang Thông cho biết dự án này đã thu hút hơn 10 nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực muốn tham gia vào dự án, trong đó có các nhà đầu tư Nga tham gia xây dựng hạng mục Khu Nhà ở và Làng Nga và có cả ông Joseph Walter Jackson - cha của cố ca sĩ Michael Jackson với tiểu dự án khách sạn.

Nhưng kết quả dường như không được như ý muốn, tiến trình giải ngân vốn của nhà đầu tư rất chậm hoặc thoái lui sau khi tìm hiểu kỹ. Điển hình là trường hợp của ông Joseph Walter Jackson, cha của ca sĩ Michael Jackson. Ông được biết đến với tư cách là nhà đầu tư tiểu dự án khách sạn 5 sao 1.000 phòng – một trong 150 hạng mục công trình của dự án Happyland.

Nhưng ông Joseph đã rút lui vào tháng 9-2012. Bà Phan Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông, khi đó cũng khẳng định với TBKTSG Online rằng, việc ông Joseph rút lui không ảnh hưởng gì đến tiến độ phát triển của dự án khu vui chơi giải trí có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỉ đô la Mỹ này.

Giải thích về việc này, bà Thảo cho rằng, hợp tác với Tập đoàn Khang Thông trước đây, ông Joseph không phải là nhà đầu tư tài chính trực tiếp vào dự án mà chỉ giữ vai trò là người tư vấn, giúp Khang Thông mời gọi nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển cụm khách sạn.

Tuy nhiên việc ông Joseph Walter Jackson chính thức tuyên bố sẽ không tham gia vào dự án khi đó ít nhiều gây ra sự hoài nghi của dư luận về khả năng thực hiện dự án của chủ đầu tư vì tổng vốn đầu tư để thực hiện quá lớn. Sau vụ việc này, nhiều người còn đặt sự lo lắng về những nhà đầu tư khác mà Khang Thông công bố tham gia góp vốn đầu tư là có thật hay chỉ là những nhà tư vấn như trường hợp của ông Joseph?

Mặc dù, ngay sau đó lãnh đạo Tập đoàn Khang Thông khẳng định tiếp tục triển khai thực hiện dự án để đưa vào khai thác đúng như thời gian đề ra, nhưng tiến độ triển khai ngày một chậm hơn, dẫn đến công trình đến nay cũng chưa được đưa vào khai thác chính thức.

Không riêng Happyland, theo giới phân tích nhận định, cuộc khủng hoảng kinh tế cùng với thị trường bất động sản “đóng băng” khi đó đã khiến một số dự án với quy mô vốn đầu tư hàng trăm triệu đến cả tỉ đô la Mỹ phải dừng lại hoặc thi công cầm chừng. Tuy nhiên, có một nguyên nhân nữa khiến dự án Happyland dang dở, theo giới quan sát là tham vọng của chủ đầu tư quá lớn trong khi tiềm lực có hạn. Hệ quả là những hạng mục lớn phải thi công cầm chừng hoặc tạm ngưng do thiếu vốn.

Kết quả là 350 ha đất trong khu vực dự án Happyland từng được UBND tỉnh Long An cho thuê thu phí trong thời hạn 50 năm đã được chủ đầu tư là Công ty Phú An đem đi thế chấp ở nhiều nơi, ông Nguyễn Văn Tài, chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự Long An, người được phân công phụ trách việc thi hành án đối với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An thuộc Tập đoàn Khang Thông cho báo Tuổi Trẻ biết thông tin trên.

Theo ông Tài, Cục Thi hành án dân sự Long An đã ra quyết định cưỡng chế gần 800 tỉ đồng nhằm kê biên hơn 74 ha và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với hơn 86 ha. Việc cưỡng chế kê biên này nhằm thực hiện một phần ủy thác từ Cục Thi hành án dân sự TPHCM và một phần từ khởi kiện của các đơn vị chủ nợ tại Long An mà Công ty Phú An chưa thực hiện nghĩa vụ thi hành án. "Chúng tôi đang làm thủ tục nhận sự ủy thác từ Cục Thi hành án dân sự TPHCM, với số tiền thi hành án đối với Công ty Phú An tiếp tục là hơn 1.000 tỉ đồng. Lúc đó chúng tôi tiếp tục lên phương án cưỡng chế kê biên nếu công ty không thực hiện nghĩa vụ thi hành án”, ông Tài nói với Tuổi Trẻ.

Cũng trên báo Tuổi Trẻ, ông Tài cho biết thêm sau hai lần tạm hoãn, nếu đến ngày 30-8 Công ty Phú An vẫn không trả tiền thì sẽ kiên quyết thực hiện việc kê biên. Cục Thi hành án dân sự Long An đã có hai biện pháp ngăn chặn đối với chủ đầu tư. Theo đó, tạm thời các cổ đông Công ty Phú An không được thực hiện các giao dịch khi chưa có sự đồng ý của cơ quan thi hành án và Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty là bà Phạm Thị Phương Thảo không được xuất cảnh.
***

Tập đoàn Hồng Kông sẽ đầu tư vào dự án Happyland?

Ngày 12-6 rồi, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần cùng lãnh đạo sở ngành tỉnh có buổi làm việc với nhà đầu tư từ Tập đoàn Hồng Kông là Công ty TNHH Summerfield do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An giới thiệu sẽ đầu tư vào dự án Khu phức hợp giải trí Happyland tại huyện Bến Lức.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Long An, tại buổi làm việc, ông Francois Da Pan Shih, Chủ tịch Công ty TNHH Summerfield cho biết ông đã tìm hiểu và nghiên cứu kỹ về dự án Happyland và cảm thấy rất thích thú với dự án này. Ông mong muốn được cung cấp thêm các thông tin về chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ông rất mong nhận được sự hợp tác của tỉnh, từ đó công ty sẽ có động lực tham gia đầu tư vào dự án.

Cũng theo trang điện tử này, tại buổi tiếp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Cần rất hoan nghênh nhà đầu tư đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh. Đối với dự án Happyland, ông mong muốn tìm được nhà đầu tư nước ngoài phối hợp với nhà đầu tư trong nước, các đối tác nhanh chóng có sự thống nhất để đưa dự án đi vào hoạt động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét