Dân Trí - Liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với hàng chục đối tượng. Chuyên án vẫn đang được tiếp tục điều tra mở rộng...
Trịnh Xuân Thanh điều hành PVC ngập trong thua lỗ?
Liên quan đến vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) do Trịnh Xuân Thanh đứng đầu làm thất thoát gần 3.300 tỉ đồng, đến thời điểm này, cơ quan điều tra đã khởi tố hàng chục bị can.
Từ năm 2009 đến hết tháng 6/2013, dưới sự điều hành của Trịnh Xuân Thanh trong cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của PVC cực kỳ khó khăn.
Tổng doanh thu của riêng công ty mẹ là hơn 510 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31/6/2013 lên tới hơn 4.212 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế hợp nhất của toàn công ty lên tới 3.274 tỷ đồng.
Tình hình thua lỗ nặng của PVC không thể không nhắc đến sự làm ăn yếu kém của các công ty con thuộc PVC khiến cơ quan tố tụng phải vào cuộc.
Theo đó, đầu năm 2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 10 người nguyên là lãnh đạo, cán bộ công ty Cổ phần Thi công cơ giới - lắp máy dầu khí (PVC-ME), thuộc Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Các bị can gồm Vũ Duy Thành (SN 1960), nguyên Chủ tịch HĐQT; Trần Xuân Tình (SN 1975), Phó tổng giám đốc Cty PVC-ME; Trần Văn Dương (SN 1984), kế toán Ban chỉ huy công trường Nghi Sơn và Vũng Áng thuộc PVC-ME,...
Trong số các bị can trên, Vũ Duy Thành và Trần Xuân Tình bị khởi tố về tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", những người còn lại bị điều tra về hành vi "Cố ý làm trái quy định quản lý kinh tế của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng".
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án Cố ý làm trái quy định quản lý kinh tế của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC-ME, khởi tố ông Trịnh Văn Thảo (SN 1969), nguyên Tổng giám đốc cùng 4 bị can khác.
Trong vụ án này, Trịnh Văn Thảo trốn đi nước ngoài nên cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã quốc tế, song đến nay vẫn chưa bắt được.
“Cá lớn” lần lượt sa lưới
Đứng đầu danh sách chịu trách nhiệm chính trong việc làm thất thoát gần 3.300 tỉ đồng tại PVC đương nhiên phải kể đến, Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị; Vũ Đức Thuận, cựu Tổng giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, nguyên Phó Tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC.
Những đối tượng này bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”
Ngày 15/2/2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố đối với 5 bị can về tội “Tham ô tài sản” gồm: Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng -Quảng Trạch (thuộc Tổng công ty PVC); Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Kinh tế Tổng hợp, Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch; Nguyễn Lý Hải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, là nhân viên Phòng Kỹ thuật thi công, Ban điều hành dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và Nguyễn Thành Quỳnh, Giám đốc Ban Kỹ thuật Công nghệ, Tổng công ty miền Trung.
Quá trình mở rộng điều tra liên quan đến vụ việc làm thất thoát gần 3.300 tỉ đồng tại PVC, ngày 31/3/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, đồng thời thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 2 bị can gồm Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty PVC-KB và Nguyễn Mạnh Tiến, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty PVC – KB về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Chiều 15/3, sau quá trình xét xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND Cấp cao tại Hà Nội công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC về hành vi “Tham ô tài sản” cùng một số đồng phạm khác. Lúc này, Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn.
***
Theo tài liệu cơ quan chức năng, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội.
Trịnh Xuân Thanh bắt đầu khởi nghiệp tại Cộng hoà Liên bang Đức với 5 năm làm việc ở đây (từ năm 1990 đến 1995). Sau đó, từ năm 1996 tới năm 2000, Trịnh Xuân Thanh về nước, giữ cương vị Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và Trang trí nội thất 1, thuộc Công ty Phát triển kinh tế kỹ thuật Việt Nam (DETESCO VN) của Trung ương Đoàn.
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2006, Trịnh Xuân Thanh lần lượt giữ cương vị Phó Giám đốc rồi Giám đốc của Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng, thuộc Bộ Xây dựng.
Tới cuối năm 2006, đầu năm 2007, Trịnh Xuân Thanh được bầu vào vị trí Phó Tổng giám đốc, rồi sau đó là Tổng giám đốc của Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng.
Từ năm 2007 - 2013, Trịnh Xuân Thanh giữ cương vị mới tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với các chức danh Chủ tịch HĐQT, Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét