(TBKTSG Online) – Nếu căn cứ trên kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thì trong 6 tháng qua thì người tiêu dùng đã được ăn thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có thịt heo.
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, kết quả giám sát diện rộng do các cơ quan có liên quan thực hiện trong nửa đầu năm nay là không phát hiện bất kỳ mẫu thực phẩm nào có chất cấm Salbutamol - chất dùng trong chăn nuôi heo để giúp tăng trọng, thịt heo cho nhiều nạc. Cụ thể, trong số gần 4.200 mẫu nước tiểu, thịt đã được lấy tại các cơ sở giết mổ không có mẫu nào có Salbutamol, trong khi, năm 2016 tỷ lệ phát hiện là 0,44%; còn năm 2015 với tỷ lệ phát hiện là 1,07%.
Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, những năm trước, khi giá heo hơi trên thị trường tăng mạnh cùng với đó là sở thích tiêu dùng chỉ ăn thịt heo nạc, không ăn thịt heo mỡ nên những chất cấm tạo nạc như Salbutamol được sử dụng trong chăn nuôi như một cách để đáp ứng thị hiếu này.
Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2016 đến nay, giá heo hơi giảm liên tục do cung vượt cầu nên có thể người chăn nuôi không sử dụng những chất này để giúp heo tăng trọng nhanh nữa; do đó, cũng có thể hiểu vì sao kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT không phát hiện ra mẫu nào có chứa chất này.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy tỷ lệ cơ sở đạt điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm là gần 97% với 4.544 cơ sở được kiểm tra thì có 4.396 đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Tỷ lệ này của năm 2016 là 91%, tức là năm nay, số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đạt an toàn thực phẩm đã tăng lên.
Một trong những lĩnh vực có tỷ lệ sai phạm cao là lĩnh vực vật tư nông nghiệp. Trong nửa đầu năm nay, thanh tra chuyên ngành của Bộ NN&PTNT đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 3.491 cơ sở và phát hiện 578 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp, tương đương 16,5% cơ sở vị phạm và xử phạt 86 cơ sở (tương đương gần 15% cơ sở vị phạm bị phát hiện) với số tiền hơn 2 tỉ đồng, tính trung bình mỗi cơ sở bị phạt 23 triệu đồng.
Hiện có 3 nghị định và 12 thông tư về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, có 388 tiêu chuẩn và 61 quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đã được ban hành đầy đủ, phủ kín các đối tượng, công đoạn trong chuỗi sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét