Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Phát triển tài nguyên bản địa, đã đến lúc dốc sức!

Kim Hạnh/Theo TGTT

Sáng thứ hai đầu tuần, tôi nhận được cùng lúc ba món quà quý: một chùm rễ cây đương quy có vô số nhánh nhỏ thơm ngào ngạt, một gói trầm hương từ một anh bạn doanh nhân đang kinh doanh ở Dubai, và một đoạn viết ngắn của cô bạn Phi Vân kể chuyện đi “mua trải nghiệm” ở Amsterdam.

Từ câu chuyện kiên trì với tài nguyên bản địa của một người thầy

Mùi hương của chùm rễ đương quy làm tôi nhớ ngay đến không khí ấm áp lạ lùng của cuộc họp mặt 42 bạn trẻ người dân tộc cùng về dự chương trình huấn luyện khởi nghiệp ở Hà Nội vào tối thứ bảy 24/6/2017. Họ từ khắp các tỉnh xa, rất xa, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An… có người nói tiếng kinh chưa sõi về đây… đi học làm ăn. Người trò chuyện với họ tối đó là thầy Trần Văn Ơn, trưởng bộ môn thực vật, đại học Dược Hà Nội hướng dẫn họ tìm hướng làm ăn từ tài nguyên của sông, suối, núi, rừng chính nơi bản làng của họ. Ông kể là ông có nhiều lần sang Thái Lan tìm hiểu xem người Thái làm gì để biến nước họ thành “quốc gia đứng đầu thế giới về mỹ phẩm và thảo dược” như họ công bố. Ông nói, tôi đã dành hết trí tuệ và năng lượng hàng chục năm nay để nghiên cứu và tìm cách phát triển cây và sản phẩm dược liệu, là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước. Lợi thế này có thể tạo thành từ thuốc trị bệnh, thuốc bổ dưỡng, tới cả đồ ăn, đồ uống, và tới mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Mà khả năng đa dạng hoá các sản phẩm từ một cây dược liệu là vô tận. Từ đó, có thể hình thành các hợp tác xã, công ty cổ phần tại cộng đồng, học làm ăn chuyên nghiệp, học cạnh tranh trên thị trường mà đi lên. Cùng với bà con nông dân người dân tộc, chúng ta có thể biến Việt Nam thành vườn thảo dược của thế giới. Và vườn thảo dược lại còn là nơi phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Các bạn trẻ ở những nơi vốn đang có du lịch mạnh như Sa Pa, Lào Cai, Hà Giang, Lâm Đồng, Quảng Ninh, v.v. có thể tập trung làm trước với các mô hình đã thử nghiệm thành công như khu du lịch Quản Bạ, Hà Giang, Lào Cai… Khách đến thăm, xem, trị liệu bằng ngâm chân, tắm táp, rồi ăn uống và sẽ mua sản phẩm, và rủ nhiều người khác cùng đến.

Những chuyện kể đông tây đều gieo hy vọng…

Ngẫu nhiên, từ vạn dặm gửi về, lọ trầm hương từ Dubai của bạn tôi lại gợi cho tôi nhớ đến sức mạnh của một gia tài mà Việt Nam rất giàu nhưng dường như bị bỏ quên: gia vị.

Những khu chợ lạ lùng. Những con hẻm hun hút kỳ bí. Tôi nhớ tới khu chợ gia vị của Dubai mà tôi đến thăm tháng 2 năm nay. Ảnh đẹp lắm, khiến tôi không đành không kể ra đây. Ở những căn phố trệt bình thường, bỗng sực nức mùi hương khi ta đến gần và vô số những mảng màu đẹp lạ… Hàng trăm loại gia vị đủ màu sắc, mùi vị từ lá, hạt đem sấy hay xay thành bột như càri vàng, nhục quế, rau mùi, nghệ tây thơm… cùng với nước hoa hồng, nhựa thơm, các loại mỹ phẩm handmade.

Trầm hương được bày bán theo từng túi và đóng gói theo chất lượng, thường được trộn với cây đàn hương hoặc gỗ thơm, rồi đem đốt trong các lư hương đặc biệt để tạo hương thơm cho da và tóc.

Lại nghe Phi Vân kể về chuyến đi mua trải nghiệm mới đây của chị.

Vừa ghé qua Lush, một cửa hàng mang thương hiệu bán trải nghiệm bậc thầy. Lên lầu, giới thiệu không gian trải nghiệm mới. Đĩa nhạc và nước hoa. Đĩa thu đầu thế kỷ 19, phảng phất thanh âm xưa. Hãy nhắm mắt lại, thư giãn, cho phép mình được chở đi trên từng nốt nhạc yên bình. Rồi từ từ cảm nhận mùi hương này nhé. Tôi nghe thoáng hương cỏ hoa, cảm giác thật bình yên, chạm vào lá cỏ và nghe những giọt sương tan nhẹ… Mùi violet sau cơn mưa đó chị ạ. Người tiêu dùng tương lai không mua sản phẩm, họ mua trải nghiệm. Mà họ bị thu phục và phải mua, ngoan ngoãn mua…

Loay hoay tìm lối ra và đi lên…

Ở Việt Nam, tôi biết đang có những nỗ lực hết sức kiên trì, bền bỉ mà nếu kết nối lại thật công phu, tinh tế thì có thể thấy đã có một quá trình “ủ mưu” cho việc sắp xếp lại và bắt đầu thúc đẩy việc kinh doanh, phát triển các tài nguyên bản địa. Chúng ta có 49 địa phương đã được cấp chỉ dẫn địa lý; có chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm với những bước tiên phong của Quảng Ninh đầy hứa hẹn… Và có những chương trình của một số trường đại học, như đại học Dược của thầy Trần Văn Ơn, hoặc của các doanh nghiệp mà tiến hành rất chuyên nghiệp, bài bản như cuộc đi tìm “bản đồ gia vị Việt” của cuộc thi dành cho đầu bếp chuyên nghiệp Chiếc thìa vàng, do doanh nghiệp sứ Minh Long đã lên đường miệt mài bốn năm qua. Và hiện nay, nhiều địa phương cũng đã ngộ ra một con đường kinh doanh mới: kết nối sản vật địa phương cùng hoạt động dạy nghề, dịch vụ du lịch qua các tour trải nghiệm, du lịch cộng đồng…

Mới đây, gặp lại người bạn cũ, nhà kinh doanh Pascal Billaud, nguyên là tổng giám đốc hệ thống siêu thị Big C, hiện là phó tổng giám đốc hệ thống các tổ chức thương mại Central Group Thái Lan, ông báo tin vui: hiện ông được mời làm đại sứ châu Á của chương trình Chỉ dẫn địa lý của Liên hiệp quốc. Ông cho biết, ông vui vì muốn tiếp tục làm gì đó cho Việt Nam, nơi ông đã làm việc chín năm và ông cho rằng, hiện nay trong cộng đồng ASEAN thì hai nước Thái Lan và Việt Nam có điều kiện phát triển về Chỉ dẫn địa lý nhất. Nhìn lại, có lẽ ông nói đúng, Thái mới có 16 chỉ dẫn địa lý, còn Việt Nam đã có 49, chỉ có điều khác là ta cấp chứng nhận xong thì… đâu ở yên đấy, còn Thái, bộ Thương mại xông thẳng tới từng doanh nghiệp, hướng dẫn nâng cấp sản phẩm và mang luôn những sản phẩm ấy ra thị trường quốc tế.

Tuy vậy, tình hình ấy đang có triển vọng cải thiện nhanh. Bộ Nông nghiệp vừa thành lập cục Chế biến và phát triển thị trường. Chương trình khởi nghiệp quốc gia đang tạo đà rất tốt cho việc phát triển kinh doanh các sản phẩm bản địa. Nếu ba bộ: bộ Khoa học và công nghệ (cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý), bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (phát hiện và nuôi dưỡng các đặc sản, các sản vật của chương trình “mỗi xã một sản phẩm”…), và bộ Công thương (xúc tiến sản phẩm ra thị trường nội địa và thế giới) có sự phối hợp tích cực với các hội doanh nghiệp và các địa phương, thì chúng ta sẽ có bước khởi động chung rất hứa hẹn. Tin vào tài nguyên bản địa giàu có và sức sáng tạo, xây dựng bền bỉ của người Việt, chúng ta chỉ thiếu tính kế hoạch, tính kỷ luật và tính liên kết. Thời khắc hội nhập không cho phép ta trì hoãn hay thờ ơ với thời cơ này nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét