Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

Cuộc gặp Nga-Mỹ: Washington đã phong toả ông Trump

Ngọc Việt

Đất Việt - Nội dung cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Trump với Tổng thống Putin đã bị Washington khoanh vùng và xác lập giới hạn, vì vậy...

Cuộc gặp lần đầu tiên được chờ đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thồng Nga Vladimir Putin đã diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại thành phố Hamburg của nước Đức, ngày 7/7.

Trao đổi với truyền thông sau cuộc gặp kín, nhà lãnh đạo Mỹ đã cho biết : "Putin và tôi đã thảo luận nhiều vấn đề và mọi việc diễn ra rất tốt đẹp. Chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều điều tích cực đến với Nga, với Mỹ và với tất cả thực thể có liên quan”.

Nhà lãnh đạo Nga thì lên tiếng "Tôi đã có cuộc trò chuyện khá lâu với Tổng thống Mỹ. Chúng tôi đã thảo luận nhiều vấn để, bao gồm Ukraine, Syria và các vấn đề khác, cùng một số vấn đề song phương. Chúng tôi đã trao đổi về cuộc chiến chống khủng bố và an ninh mạng", BBC tường thuật.

Chỉ là một cuộc gặp bên lề, không có hội đàm chính thức, nhưng cuộc gặp đầu tiên của bộ đôi Trump – Putin được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ sở cho một sự đột phá trong quan hệ Nga – Mỹ, tuy nhiên nội dung trao đổi dù nhiều, song chủ yếu mang tính xã giao, nói những gì đã nói qua điện đàm.

Theo giới phân tích, tất cả các nhánh quyền lực của nước Mỹ đã quyết không để khoảng trống nào cho Tổng thống Trump - vốn thiếu kinh nghiệm về ngoại giao nhà nước - tạo đột phá, mà có thể việt vị trước Putin – người được cho là sắc sảo trong ngoại giao quốc tế.

Thứ nhất về chính trị. Ngày 14/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Dự luật không cho phép tổng thống Mỹ đơn phương nới lỏng hoặc hủy bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước Nga. Trong trường hợp muốn can thiệp vào các biện pháp trừng phạt Nga, người đứng đầu Nhà Trắng phải được sự phê chuẩn của Quốc hội.

Nội dung Dự luật cũng quy định bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhằm vào Nga do chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra cũng không được phép gỡ bỏ nếu chưa có sự thông qua của Quốc hội.

Ngoài ra, Dự luật cũng mở rộng các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các thành phần chính trong nền kinh tế Nga, bao gồm khai khoáng, kim loại, vận tải biển và đường sắt.

Đặc biệt, Dự luật cũng quy định các biện pháp trừng phạt đối với các công dân Nga tham nhũng, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cung cấp vũ khí cho lực lượng của chính phủ Syria và các đối tượng thay mặt chính phủ Nga tiến hành các hoạt động tấn trên không gian công mạng.

Chính Tổng thống Putin đã nhìn nhận hành động của Thượng viện Mỹ thực sự làm phức tạp thêm mối quan hệ Nga - Mỹ. Với việc luật hoá trừng phạt Nga chặt chẽ như vậy, làm sao Tổng thống Trump có thể tạo đột biến cho quan hệ Nga - Mỹ.

Thứ hai về kinh tế.  Ngày 20/6 chính phủ Mỹ đã công bố quyết định trừng phạt thêm 38 cá nhân và thực thể liên quan đến các hành động của Nga ở Ukraine, nhằm tái khẳng định cam kết gây sức ép lên Moscow vì sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, đợt trừng phạt mới nhất này nhắm vào các quan chức, tổ chức và doanh nghiệp của Nga và Ukraine mà bị Washington cáo buộc đã trợ giúp Nga tăng cường ảnh hưởng tại Crimea.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết : “Lệnh trừng phạt này sẽ duy trì áp lực lên Nga để hành động tiến tới một giải pháp ngoại giao. Chính quyền Mỹ cam kết ủng hộ một tiến trình chính trị, đảm bảo chủ quyền của Ukraine và sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt trừ khi Nga tuân thủ các cam kết theo Thỏa thuận Minsk”.

Hệ quả từ lệnh trừng phạt Washington dẫn đến việc đóng băng mọi tài sản trong ngân hàng Mỹ của các cá nhân và tổ chức bị liệt trong danh sách, các doanh nghiệp Mỹ cũng không thể liên hệ với những chủ thể bị liệt vào "danh sách đen”.

Lệnh trừng phạt mới nhất của chính quyền Trump đối với các thể nhân và pháp nhân liên quan đến Nga, khiến người đứng đầu Nhà Trắng không thể đưa ra bất kỳ một gợi mở nào cho việc cải thiện quan hệ Nga - Mỹ như một món quà dành tặng cho Tổng thống Putin trong lần đầu gặp mặt.

Thứ ba về quân sự. Ngày 15/6 Tổng thống Trump đã có sự điều chỉnh quan trọng trong chiến lược quân sự của Mỹ, khi trao cho Bộ trưởng Quốc phòng toàn quyền thiết lập và tổ chức lực lượng cũng như kế hoạch hành động của quân đội Mỹ tại các chiến trường Afghanistan, Syria và Iraq.

Trước đây, Washington dùng công cụ ngoại giao xác lập vị thế cho Mỹ và lực lượng thân Mỹ tại các chiến trường, nay Tổng thống Trump sử dụng công ngoại giao phục vụ cho kế hoạch quân sự khiến cho hành động quân sự của Mỹ có tính quyết liệt và mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt, với sự điều chỉnh mới, quân đội Mỹ có thể tấn công đối phương mà chỉ cần nhận diện đối phương có ý định thù địch, chứ chưa cần có hành động thù địch. Và Lầu Năm Góc đã thực hiện phương châm đó ngay tại chiến trường Syria, khi cho quân đội Mỹ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-22 của quân chính phủ.

Washington đã đưa Moscow vào thế hoặc đối đầu hoặc phải hợp tác với Washington, theo ý Washington. Ngay trước khi diễn ra cuộc gặp của bộ đôi Trump - Putin, ngày 5/7 Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đã thể hiện rõ quan điểm đó khi công bố kế hoạch hợp tác với Nga, mà đã có đề xuất lập vùng cấm bay tại Syria.

Như vậy, nội dung cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Trump với Tổng thống Putin đã bị Washington khoanh vùng và xác lập giới hạn. Vì vậy, dù được kỳ vọng, song rõ ràng chưa nhìn thấy triển vọng thực sự nào cho quan hệ Nga - Mỹ sau cuộc gặp này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét