Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Thầu xây dựng lao đao vì có tiền cũng khó mua... cát

HẠNH NGUYỄN - BỬU ĐẤU

TTO - Sau khi các cơ quan chức năng siết chặt sản lượng khai thác và vận chuyển cát, nguồn cung trở nên khan hiếm hơn. Nhiều chủ mỏ cát đua nhau đẩy giá cát xây dựng lên mức cao, khiến nhiều nhà thầu lao đao.

Theo quyết định về việc cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2013 của UBND tỉnh An Giang đối với mỏ cát trên sông Tiền tại Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), giá cát tại mỏ là 11.000 đồng/m3.

Tuy nhiên giá cát bán ra tại các mỏ ở khu vực sông Tiền hiện đã bị đội lên hàng chục lần, thế nhưng bằng thủ thuật khai thấp hơn giá thực tế để trốn thuế, tiền đang chảy nhiều hơn vào 
túi các chủ mỏ cát.

Chủ mỏ cát hốt bạc

Trong những ngày cuối tháng 5-2017, chúng tôi đến thủ phủ cát sông và chứng kiến cả một vùng rộng lớn trên sông Tiền tại khu vực trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) và thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) là cảnh sà lan đậu chi chít chờ lấy cát.

Theo quan sát, mỗi ngày nơi đây có đến cả trăm sà lan neo đậu kéo dài khoảng 2km đường sông.

Chúng tôi được Ph. - chủ sà lan ở Long An, chuyên cung cấp cát lên TP.HCM - cho biết để đối phó với ngành thuế, các chủ mỏ không xuất hóa đơn đúng giá cát bán tại mỏ, thay vào đó là xuất theo các giá hợp đồng đã có sẵn.

“Tôi có 2 sà lan 1.000 tấn, mỗi tháng chở 3-4 chuyến lên TP.HCM. Dù giá cát cập mạn tại TP.HCM đang ở mức 200.000 - 300.000 đồng/m3 nhưng hóa đơn chỉ xuất với giá 60.000 đồng/m3. Đây là chiêu của các chủ mỏ cát nhằm tránh bị ngành thuế và tài chính sờ gáy” - ông Ph. tiết lộ.

Theo ông Ph., cát xây dựng hiện đang được bán “đắt như vàng”, các nhà thầu xây dựng phải xếp hàng để mua, thậm chí có tiền cũng chưa chắc gì mua được. “Có sà lan đậu cả tháng mà có được hạt cát nào đâu. Chủ mỏ đầu tư vào xáng cạp đang vào mùa hốt bạc” - ông Ph. khẳng định.

Tương tự, ông Nh. - chủ một sà lan ở Vĩnh Long - cho biết trước đây sà lan của ông thực hiện ít nhất cũng 3-4 chuyến chở cát thuê, nhưng sau hai tuần neo đậu gần đây ở khu vực sông Tiền vẫn chưa có cát chở về.

“Mấy chủ xáng cạp bảo chờ mà hơn chục ngày vẫn chưa có cát, trong khi chi phí neo đậu và ăn uống ở đây rất tốn kém. Do đó chi phí chở thuê phải được tăng lên 80.000 đồng/m3 thay vì 60.000 đồng/m3 như trước” - ông Nh. nói.

Theo ông Tạo, thương lái buôn cát ở Vĩnh Xương (An Giang), do nguồn cung khan hiếm, giá cát san lấp ở sông Tiền có thời điểm bị đẩy lên mức 150.000 đồng/m3 tại mỏ, trong khi trước đây loại này chỉ có giá 15.000 đồng/m3.

Giải thích chuyện sà lan đậu chật kín sông chờ cát, ông Tạo cho rằng ngoài lý do cơ quan chức năng đang siết chặt hoạt động khai thác khiến nguồn hàng trở nên khan hiếm, còn do một số chủ mỏ bắt đầu ghim hàng nhằm đẩy giá cát lên cao.

“Đa số chúng tôi hợp đồng cung cấp cát theo giá thị trường từng thời điểm, chứ không phải một mức giá cố định. Khi khan hàng, chúng tôi buộc phải tăng giá” - ông Tạo cho biết.

Ngành xây dựng 
“khóc ròng”

Dẫn chúng tôi đi một vòng đoạn sông Tiền, một lãnh đạo đồn biên phòng Sông Tiền cho biết dù sông chỉ có một đoạn ngắn phục vụ việc khai thác cát nhưng có đến 6 cần cẩu múc cát. Con số sà lan đậu chờ cát lên đến gấp mấy trăm lần.

“Ngày nào lực lượng chức năng cũng phải vất vả lập lại trật tự giao thông thủy tại khu vực này” - vị này nói.

Cũng theo vị này, do các mỏ khai thác cát nơi khác bị đóng cửa, trong khi cát vàng ở khu vực này phù hợp với xây dựng nên các phương tiện tụ về đây tăng đến chóng mặt.

Một người dân ngụ ngay mé sông Tiền cũng cho biết chưa bao giờ chứng kiến cảnh sà lan tụ tập về đây đông đến thế.

“Họ về đây chầu chực chờ lấy cát, có người ăn ngủ tại đây cả tháng trời” - người đàn ông 
địa phương cho biết.

Theo ông Th. - một lãnh đạo Công ty TNHH Xây dựng cầu đường An Giang, nhiều công trình làm đường của đơn vị này đang phải “đắp chiếu” chờ... cát, vốn đầu tư bị đội lên rất cao so với dự toán do giá cát tăng mạnh.

“Các công trình giờ gần như nằm bất động do không có cát, bởi dù có tiền cũng chưa chắc mua được cát” - ông Th. nói.

Ngoài lý do khan hiếm, theo ông Th., việc khó mua được cát còn do chủ mỏ không muốn bán hàng cho các đơn vị đòi hóa đơn.

Chẳng hạn, doanh nghiệp này đặt mua cát ngay tại mỏ với giá 120.000 đồng/m3 và yêu cầu xuất hóa đơn nên cứ bị hẹn lần hẹn lữa. Có khi đợi cả tháng trời mới được, còn bán không xuất hóa đơn sẽ nhanh hơn.

Một đại diện Công ty bêtông 620 Châu Thới cho biết giá cát sà lan cập mạn tại Cần Thơ hiện lên tới 320.000 đồng/m3, cao gấp ba lần so với trước (chỉ hơn 100.000 đồng/m3), có khi giá được điều 
chỉnh tăng mỗi ngày.

“Doanh nghiệp nào không mua, chủ mỏ cũng không cần vì không thiếu khách mua đang sắp hàng. Trong khi chi phí xây dựng tăng lên chóng mặt, chúng tôi chỉ dám tăng khoảng 30%, chấp nhận bù lỗ để giữ khách hàng. Chưa bao giờ nguồn cát lại khiến ngành xây dựng chao đảo như hiện tại” - đại diện Công ty 
bêtông 620 Châu Thới nói.
***

Giá cát xây dựng tăng từng ngày

Ngày 2-6, khảo sát tại các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn TP.HCM cho thấy giá cát đẹp được các cửa hàng đẩy lên 780.000 - 790.000 đồng/m3, tăng bình quân 120.000 - 130.000 đồng/m3 so với tuần trước, trong khi loại chất lượng kém hơn (lẫn cây gỗ mục, bùn đen) dao động quanh mức 500.000 - 550.000 đồng/m3, tăng thêm 50.000 - 60.000 đồng/m3.

Một chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh) cho biết loại cát đẹp được “hét” lên cao do nguồn hàng rất phập phù, lúc có lúc không.

“Cát bây giờ khan hiếm lắm, không có để bán, nên muốn mua phải chấp nhận chịu giá cao mới được đầu nậu rót hàng. Ngay cả cát chất lượng kém trước đây chỉ dùng để đổ nền chứ ít khi dùng để xây, nhưng nay cát hiếm quá nên chủ thầu cũng phải bấm bụng mua” - ông này nói.

Nhiều chủ thầu xây dựng cũng cho biết đã thông báo với gia chủ về khả năng công trình sẽ đội giá, đồng thời đề nghị chủ nhà chia sẻ thêm rủi ro với nhà thầu sau khi công trình hoàn tất.

T.V.N.

Tiếp tục siết 
hoạt động 
khai thác cát

Theo đại tá Nguyễn Văn Bửu - trưởng Phòng cảnh sát đường thủy Công an tỉnh An Giang, hiện tượng các sà lan đậu dày đặc trên sông Tiền đã xảy ra trong vài tháng qua. 

Tuy nhiên do lực lượng cảnh sát đường thủy đang siết quản lý tải trọng và giấy tờ liên quan đến phương tiện, số phương tiện chở cát đã giảm 50% so với trước đây. 

“Chúng tôi sẽ phối hợp với ngành thuế kiểm tra hóa đơn và siết chặt quản lý lại” - ông Bửu thông tin.

Ông Lâm Quang Thi - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cũng khẳng định tới đây UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở TN-MT gắn thiết bị hành trình và camera vào tất cả xáng cạp khai thác cát để giám sát, theo dõi chặt hoạt động khai thác cát trên địa bàn nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác quá giờ hoặc cố tình khai thác sai vị trí, dẫn đến nguy cơ gây sạt lở. 

“Chúng tôi cũng sẽ chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra giấy tờ các sà lan vận chuyển cát. Nếu phát hiện không hóa đơn chứng từ sẽ tịch thu, hoặc chở quá tải trọng phải bơm cát trả lại sông” - ông Thi khẳng định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét