Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Quốc hội quyết định kinh doanh đa cấp trái phép sẽ bị xử lý hình sự

Hoài Phong

MTG - Xử lý hình sự đối với kinh doanh đa cấp trái phép là một trong những nội dung Quốc hội được thông qua trong phiên biểu quyết về Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) chiều 20.6.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ lợi dụng kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho hàng chục nghìn người, gây bức xúc trong xã hội. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống loại hành vi này về mặt hình sự, dự thảo luật đã quy định xử lý hình sự trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, hoặc không đúng với nội dung của giấy chứng nhận, nếu thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Về ý kiến đề nghị không bổ sung tội danh này vì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ Tội kinh doanh trái phép, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Tội kinh doanh trái phép của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được cụ thể hóa bằng các điều luật cụ thể như Điều 227, 232, 234.... Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này của dự thảo luật.

Một số ý kiến cho rằng, quy định này dẫn đến khả năng dễ bị lạm dụng để xử lý các trường hợp lợi dụng kinh doanh đa cấp lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì hình phạt của tội danh này thấp hơn rất nhiều so với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015) và đề nghị bỏ quy định gây thiệt hại về tài sản. Ý kiến khác đề nghị tăng mức hình phạt cho tương xứng với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Điều 217a chỉ xử lý hình sự các trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép và đã quy định loại trừ Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), Điều 290 (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản).

Theo đó, trường hợp người nào lợi dụng việc kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không xử lý về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp mà sẽ xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); nếu có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì sẽ xử lý hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290). Quy định này là rõ ràng, minh bạch.

Đồng thời, do tội danh này chỉ điều chỉnh đối với hành vi vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp nên hình phạt đến 5 năm tù là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội (Tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159 của Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ quy định hình phạt cao nhất là 2 năm tù). Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.
***

Thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên là nên xử lý hình sự rồi

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề trên, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng dưới nhiều dạng kinh doanh đẩy nhiều người vào tình trạng điêu đứng. Từ hoạt động kinh doanh bất động sản, cho thuê, hợp đồng góp vốn kinh doanh đến hoạt động đầu tư, diễn thuyết, học làm giàu… đều núp bóng hình thức đa cấp gây ra biết bao nhiêu hệ lụy cho xã hội. Sau khi Nhà nước có chính sách và xử phạt nhiều công ty đa cấp về lĩnh vực hàng hóa thì họ lại biến tướng dưới các hình thức mới như bất động sản, tiền ảo qua mạng, góp vốn đầu tư... làm nhiều người bị gài bẫy, tiền mất tật mang.

“Những hình thức kinh doanh trên không thu lại được lợi nhuận thực tế mà mang tính chất ảo, có dấu hiệu lừa đảo nhưng hiện nay chưa có quy định pháp lý cụ thể nên những cá nhân, tổ chức vi phạm ngang nhiên thách thức dư luận, thách thức pháp luật nên gây bức xúc cho người dân”, ông Hùng nói.

Thậm chí theo ông, có những công ty không kinh doanh về đa cấp nhưng hoạt động kinh doanh giống đa cấp, tương tự đa cấp, hay nói cách khác là “núp” bóng đa cấp để dụ dỗ, lừa đảo khiến rất nhiều người sập bẫy. Do quy định pháp luật không rõ ràng và các thỏa thuận trên giấy tờ như hợp đồng góp vốn, đặt cọc góp vốn, đầu tư... nên rất khó xử lý hình sự những hành vi này.

Do vậy, luật sư Hùng cho rằng nếu điều luật được đưa vào luật hình sự thì đây là một bước tiến mới trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, không nhất thiết phải thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên mới xử lý mà chỉ cần quy định tương tự như các tội xâm phạm về sở hữu, đó là chỉ cần từ 5 triệu đồng trở lên là có thể xử lý. Bởi thực tế có nhiều công ty gài bẫy chiếm từ vài chục đến 100 triệu đồng của nhiều người gộp lại đã thành số tiền lớn, gây nguy hiểm cho xã hội, đối với nông dân nghèo thì vài chục triệu là quá lớn.

Ngoài ra, luật sư này cho rằng điều luật cần quy định cụ thể những hành vi nào là vi phạm để định khung hình phạt và thuận tiện cho việc xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm và tạo tính răn đe với người vi phạm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét