TTO - Đó là ý kiến của ông Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), đáp lại ý kiến của các chủ khách sạn về việc thu phí âm nhạc trên tivi ở các khách sạn.
Sáng 25-5, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch tổ chức gặp gỡ báo chí về những thắc mắc quanh việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) yêu cầu thu tiền âm nhạc trong các khách sạn tại Đà Nẵng.
“Khách sạn không nên lu loa”
Ông Phó Đức Phương, giám đốc VCPMC, tiếp tục khẳng định việc thu tiền sử dụng âm nhạc tại các khách sạn đã được đơn vị này thực hiện hơn 10 năm nay tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa…
Ông khẳng định VCPMC là con đẻ của chính sách pháp luật nhà nước về vấn đề quyền tác giả nói riêng và bản quyền âm nhạc nói chung. VCPMC chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Bộ VH-TT&DL và với cơ quan quản lý cấp 1 là Hội Nhạc sĩ VN.
Cách thu tiền bản quyền âm nhạc của VCPMC dựa trên cơ sở pháp luật VN, tham khảo các tổ chức quốc tế và căn cứ tình hình thực tế ở các địa phương. Trước khi thu tiền, VCPMC đều họp với các đơn vị khai thác cùng cơ quan quản lý địa phương và đàm phán để quyết định xem mức giá thu bao nhiêu rồi mới đưa ra biểu giá phù hợp cho từng khu vực.
“Trước đây, khi chúng tôi thu phí âm nhạc trên máy bay, các hãng hàng không cũng bức xúc phản đối vì sao âm nhạc trên máy bay cũng bị thu tiền. Nhưng rồi chúng tôi vẫn thực hiện được. Việc thu phí âm nhạc ở lĩnh vực khách sạn cũng vậy, chúng tôi đã thu khoảng 10 năm nay đối với các khách sạn 4-5 sao ở các thành phố lớn".
"Riêng tại Đà Nẵng chúng tôi cũng thu được một vài năm nay. Tôi chưa đọc kỹ những thắc mắc của các khách sạn ở Đà Nẵng thế nào, nhưng đó là chuyện bình thường. Khi pháp luật được triển khai thì thường xuyên chúng tôi phải phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để giải thích”, ông Phương nói.
Ông phân tích kỹ hơn, tác giả có 4 loại quyền cơ bản là quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền được kiểm soát khi sử dụng tác phẩm của mình kể cả trong lĩnh vực phát sóng vô tuyến truyền hình hay sóng vệ tinh, và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Các quyền này độc lập và không chồng chéo lên nhau.
“Khi các đài truyền hình sử dụng tác phẩm âm nhạc thì các tác giả được hưởng quyền trong lĩnh vực phát sóng. Còn với các khách sạn có dùng tivi sử dụng các tác phẩm âm nhạc thì đó là quyền truyền đạt đến công chúng và quyền biểu diễn trước công chúng".
"Các khách sạn nào chưa hiểu thì phải tìm hiểu luật chứ không nên lu loa, làm ầm ĩ trên báo chí, đó là sự thiếu hiểu biết pháp luật VN về sở hữu trí tuệ”, ông Phương đáp lại các ý kiến thắc mắc của các chủ khách sạn.
Ông cũng nói có khách sạn bức xúc với văn bản của VCPMC chi nhánh phía Nam hơi quá mạnh, nhưng ông Phương cho rằng đó là việc làm nhiệm vụ và không có gì trái luật.
VCPMC khẳng định không thu phí chồng phí
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc chi nhánh phía Bắc VCPMC, giải thích rõ hơn đơn vị này chỉ thu phí âm nhạc từ các tivi có sử dụng vào mục đích kinh doanh chứ không thu của người dân bình thường khi xem tivi.
“Khi bên truyền hình thanh toán cho VCPMC thì đó là thanh toán quyền phát sóng tác phẩm đến công chúng. Còn khi thu phí âm nhạc ở khách sạn là chúng tôi thu quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Chúng tôi không thu hai lần”, ông Giang khẳng định.
Làm sao để đếm số tivi có trong khách sạn? Ông Giang trả lời là VCPMC dựa vào bản kê khai của các khách sạn gửi đến.
“Khi làm việc với đơn vị nào đó, chúng tôi đều mời lên để thỏa thuận, đàm phán, tranh luận để đi đến mức giá thu nào đó. Còn nếu không được thì chúng tôi nhờ cơ quan quản lý nhà nước can thiệp và khi không được nữa thì sẽ ra toà. Năm 2016, chi nhánh phía Nam chúng tôi thu được 3 tỉ đồng phí âm nhạc từ các khách sạn”, ông Giang cho biết.
Dù khẳng định có mời các đơn vị khai thác đến đàm phán về mức thu, nhưng ông Giang lại nói, vì VCPMC là đại diện tập thể quyền nên không có quyền giảm giá!
Về vấn đề làm sao để biết tần suất sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong khách sạn, ông Giang thừa nhận VCPMC chưa kiểm soát được điều này. VCPMC cũng thừa nhận việc kiểm soát nội dung trên tivi của từng khách sạn có sử dụng âm nhạc hay không là vấn đề khó khăn.
“Vì không biết việc trong các phòng ngủ của khách sạn có dùng âm nhạc hay không nên chúng tôi đưa ra mức thu nhỏ nhất sau khi tham khảo cách thu tiền mà nhiều tổ chức quốc tế các năm qua đã làm”, ông Phó Đức Phương nói thêm.
Thu phí âm nhạc phải có lộ trình
Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, khẳng định căn cứ vào Luật sở hữu trí tuệ, các nghị định hướng dẫn và các điều ước quốc tế mà VN là thành viên thì việc triển khai thu tiền âm nhạc của VCPMC tại Đà Nẵng là hoàn toàn đúng pháp luật.
Về mức giá thu, ông Hùng cũng nói đây là tài sản dân sự nên các bên sẽ đàm phán để xây dựng mức giá, khi việc đàm phán đã đầy đủ các bước quy trình nhưng không đạt được thỏa thuận thì cơ quan nhà nước sẽ vào cuộc và sau cùng các bên sẽ khởi kiện ra tòa án.
Tuy nhiên, ông cũng nói, có trường hợp khi sử dụng tác phẩm phải đến gặp tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả để xin phép, nhưng có trường hợp vẫn phải trả tiền mà không phải xin phép. Vì thế, việc triển khai thu tiền không thể đợi người khai thác đến nộp.
Về mức giá phí âm nhạc, ông Hùng nói nếu VCPMC chỉ chấp hành theo quyết định của hội viên thì vẫn chưa đủ mà trong quá trình thực hiện phải căn cứ vào thực tiễn chứ không thể nói rằng mức giá đó không thể thay đổi.
“Tôi đề nghị VCPMC phải thực hiện đúng luật, đúng quy trình. Khi triển khai thu tiền âm nhạc phải có lộ trình phù hợp với từng hình thức khai thác sử dụng tác phẩm, phải mời những bên khai thác sử dụng tác phẩm đến để trao đổi, thông báo trước, sau đó mới gửi công văn thu tiền. Người ta chỉ phải trả tiền chứ không thể bắt người ta đến xin phép”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét