Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

Trung Quốc tăng cường thâu tóm bất động sản Việt

NGUYỄN SƠN

NCĐT - So với các nhà đầu tư Singapore, Hàn Quốc hay Nhật với khá nhiều các thương vụ thâu tóm đình đám trên thị trường bất động sản thời gian qua, có vẻ như các nhà đầu tư Trung Quốc khá im hơi lặng tiếng. Mặc dù vậy, một số sự kiện gần đây cho thấy các nhà đầu tư này đang động thái gia tăng hoạt động ở Việt Nam thông qua con đường M&A.

Gia tăng đầu tư

Mới đây Hongkong Land thông báo sẽ chi ra hơn 95 triệu USD để thâu tóm một dự án tại Thủ Thiêm của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), trong đó Hongkong Land hưởng 64% lợi ích từ dự án và phần còn lại thuộc về CII. Nếu xét về giá trị, đây là một trong những thương vụ M&A lớn nhất trong năm nay, đồng thời có thể giúp CII duy trì được mức tăng trưởng hơn 20% trong các năm kế tiếp.

Trước CII, Hongkong Land đã hợp tác với SonKim Land để phát triển dự án cao cấp The Nassim tại Thảo Điền (quận 2), cũng như đang sở hữu 2 tòa nhà văn phòng tại Hà Nội. Mặc dù vậy, Hongkong Land từng để lại “tiếng xấu” khi thoái lui khỏi dự án khu đất vàng 164 Đồng Khởi, quận 1 do không đủ năng lực triển khai giữa lúc thị trường đi xuống hồi những năm 2008-2009.

Hay một thương vụ M&A khác đáng chú ý gần đây là dự án Đại Phước Lotus (Nhơn Trạch) của VinaCapital đã được chuyển nhượng toàn bộ cho Tập đoàn China Fortune Land Development - một trong những doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh địa ốc lớn nhất của Trung Quốc - trong một thương vụ có giá trị 65 triệu USD. Việc thoái vốn khỏi Đại Phước Lotus có thể xem là một nước cờ thoái lui khá khôn ngoan của các nhà lãnh đạo VinaCapital, bởi dự án này đã rơi vào đình trệ từ năm 2007.

Nhưng tham vọng của China Fortune Land Development chưa dừng lại, bởi bên cạnh thâu tóm Đại Phước Lotus, tập đoàn này đang hợp tác với Tổng Công ty Tín Nghĩa để phát triển Khu Đô thị Đông Sài Gòn và Khu Công nghiệp Ông Kèo tại tỉnh Đồng Nai - hai dự án có vị trí liền kề với Sân bay Quốc tế Long Thành sẽ hình thành trong tương lai.

Một tập đoàn khác đến từ Hồng Kông là Sunwah đang âm thầm triển khai dự án cao cấp mặt tiền đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) có tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Cùng với các dự án liền kề như Saigon Pearl, Vinhomes Central Park và Vinhomes Golden River, dự án này sẽ tạo thành một chuỗi căn hộ cao cấp chạy dọc bờ sông Sài Gòn. Hay như tại Hội An, sau nhiều năm trì hoãn, cuối cùng dự án resort kết hợp casino Nam Hội An trị giá 4 tỉ USD của VinaCapital cũng đã được khởi công vào năm 2016 sau khi chọn được đối tác ưng ý là tập đoàn Chow Tai Fook đến từ Hồng Kông.

Các sự kiện nói trên cho thấy làn sóng đầu tư của người Trung Quốc vào thị trường Việt Nam dường như bắt đầu nóng hơn, quy mô hơn và trải rộng trên khắp các phân khúc, từ nhà ở, văn phòng cho thuê, khu công nghiệp đến bất động sản du lịch.


Vì sao là Việt Nam?

Sau một thời gian dài bùng nổ, thị trường địa ốc tại Trung Quốc đang trải qua một giai đoạn trầm lắng từ cuối năm 2016 khi chính phủ nước này bắt đầu siết chặt lại hòng tránh nguy cơ bong bóng đổ vỡ. Các biện pháp được áp dụng là hạn chế cấp tín dụng cho người mua nhà ở các thành phố lớn cấp 1 và cấp 2 như Bắc Kinh và Thượng Hải. Chính phủ của Thủ tướng Lý Khắc Cường còn giới hạn một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trong nước và tại Hồng Kông. Theo đánh giá của Financial Times, các hành động cứng rắn hơn của chính quyền Trung Quốc có thể tác động tiêu cực và làm thị trường bất động sản sụt giảm ngay trong năm nay.

Rõ ràng, tương tự như thị trường bất động sản Singapore rơi vào cảnh ảm đạm trong các năm qua do chính sách của chính phủ, để giải quyết các thách thức về lợi nhuận và cân bằng rủi ro trong nước, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nỗ lực tìm kiếm các cơ hội ở nước ngoài. Trong cuộc chinh phạt đó, không ngạc nhiên nếu cái tên Việt Nam được lựa chọn.

Nếu so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, tỉ suất sinh lợi khi đầu tư vào bất động sản Việt Nam đang khả quan. Trên phân khúc khu công nghiệp, theo hãng nghiên cứu JLL, suất sinh lợi trên vốn đầu tư ở Việt Nam lên đến 10-12%, ngang với Indonesia và cao hơn đáng kể so với Phillippines (8%), Malaysia (7%), Singapore (7%). Điều này được cho là ngành sản xuất của Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ khi nhiều nhà máy từ Trung Quốc chuyển dịch sang.

Hay như trên phân khúc nhà ở, tỉ suất lợi nhuận khi cho thuê căn hộ tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội hiện dao động 6-8%, thuộc diện cao nhất Đông Nam Á và cao hơn cả Hồng Kông (3%). Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh và dân số trẻ đang chiếm ưu thế, thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá vẫn còn tiềm năng tăng trưởng nhanh trong các năm tới.


Tất nhiên, nếu so với các đối thủ khác đến từ Singapore, Nhật hay Hàn Quốc, việc tham gia của các nhà đầu tư Trung Quốc dường như diễn ra khá muộn. Nhưng với tiềm lực tài chính hùng hậu, đi kèm với những kỹ xảo khó lường, những tay chơi mới này có thể sẽ tạo nên những thay đổi lớn trên thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Nhưng điều này cũng có mặt tốt, bởi nó sẽ mang đến chiếc phao cứu sinh cho nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn và năng lực triển khai. Thậm chí ngay cả các doanh nghiệp khác đang kinh doanh bình thường, việc chuyển nhượng cho các đối tác ngoại với giá hời vẫn được xem là chiến lược hay, bởi họ có thể tập trung nguồn lực hơn vào các dự án khác có tiềm năng hơn.

Tại Đại hội cổ đông vừa qua, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, tiết lộ thông tin đã có nhà đầu tư Trung Quốc ngỏ ý muốn mua đứt dự án của doanh nghiệp này tại Long An: dự án Waterpoint với quy mô 350ha. Waterpoint nằm đối diện Khu phố thương gia Nam Long, tỉnh Long An, ngay cạnh lối mở đầu tiên của tuyến đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. Ông Quang cho biết do quy mô quá lớn của dự án nên Nam Long sẽ không vội vàng mà sẽ cân nhắc cẩn trọng lời đề nghị này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét