Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

“Quan thì xa, bản nha thì gần”, thưa Thủ tướng!

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Điều mà doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và chắc chắn vẫn là mối lo ngại nhất là “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo, dưới không nghe” bởi thực tế cho thấy, chỉ cần vấp phải sự tắc trách của một nhân viên cỡ phường, xã thôi cũng đủ làm lao đao nên doanh nghiệp thậm chí không dám làm họ “phật ý”.

Năm 2016, ngay khi được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ, sau lời tuyên thệ và diễn văn nhậm chức, tại nghị trường Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận lời mời của Chủ tịch Phòng Công nghiệp & Thương mại Vũ Tiến Lộc sẽ gặp gỡ với doanh nghiệp Việt Nam.

Hơn một năm (29/4/2016 – 17/5/2017) sau cuộc gặp gỡ lần đầu, đây là lần thứ hai, Thủ tướng tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp cả nước. Nếu lần gặp gỡ trước tại TP HCM chỉ có khoảng 500 doanh nghiệp trực tiếp tham gia thì ở lần gặp gỡ này, con số gấp 4 lần, khoảng 2.000 doanh nghiệp.

Có thể nói, đây là cuộc gặp gỡ đông đảo, qui mô với sự có mặt của nhiều thành viên Chính phủ. Điều này thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp, doanh nhân trên tinh thần khởi nghiệp.

Nhìn lại một năm qua, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm được rất nhiều việc giúp các doanh nghiệp thuận lợi và vững tâm phát triển kinh tế. Đó là ban hành 50 nghị định, nghị định đầu tư kinh doanh, cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép… như lời của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc “Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng doanh nghiệp”.

Tại cuộc gặp gỡ lần này, các Bộ trưởng đã có nhiều cam kết quan trọng nhằm tđơn giản các thủ tục, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, phát triển các thành phần kinh tế...

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định sau khi rà soát, sửa đổi một loạt quy định đã lạc hậu, ban hành hơn 40 thông tư mới, trình Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi, ban hành 21 Nghị định, Quyết định... tiếp tục cam kết sẽ bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, giải quyết thỏa đáng những kiến nghị đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.

Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh cam kết sửa đổi một số nội dung liên quan đến thủ tục kiểm tra hợp chuẩn, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới.

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết tiếp tục rà soát lại các chính sách, pháp luật về đất đai, tài nguyên, trên tinh thần cải cách triệt để để phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích của người dân và sự phát triển bền vững.

Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết sẽ tích cực đối thoại, giải quyết vướng mắc, xây dựng nền hành chính hiện đại, chính quyền điện tử, thành phố thông minh, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tiếp cận các nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, bịt những sơ hở để ngăn chặn những hành vi trục lợi bất chính, kiên quyết xử lý những trường hợp gian dối, quyết tâm bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết thời gian tới, Bộ sẽ tập trung cải cách hành chính, cầu thị lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện các chính sách về tài chính, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh…

Các Phó Thủ tướng tham dự đều tham gia ý kiến, trong đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh giải pháp hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực của bộ máy tư pháp trong bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, chính sách, chống tiêu cực, ngăn chặn các quan hệ “sân sau” thao túng chính sách để trục lợi.

Đặc biệt, tiếp tục khẳng định quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động và phục vụ, trên tinh thần nói đi đôi với làm, Thủ tướng cho biết vào thời điểm 1 giờ 19 phút (ngày 17/5), Thủ tướng ký ban hành Chi thị về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mang số 20.

Khẳng định những cam kết của các thành viên Chính phủ cũng như các Phó Thủ tướng và Thủ tướng đã “làm ấm lòng doanh nghiệp”, song ông Vũ Tiến Lộc cũng bày tỏ sự băn khoăn khi các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm túc bởi với cơ chế phân định quyền hạn và trách nhiệm thiếu rõ ràng hiện nay, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo, dưới không nghe” vẫn còn phổ biến ở nhiều lúc, nhiều nơi.

Thưa Thủ tướng, đúng là với đường lối phát triển kinh tế hiện nay cũng như sự quan tâm của Chính phủ mà trực tiếp là Thủ tướng cùng với sự thông minh, cần cù, sáng tạo… doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước cũng như chinh phục thị trường thế giới.

Song, điều mà doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và chắc chắn vẫn là mối lo ngại nhất chính là điều mà ông Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã nói ở trên, đó là “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo, dưới không nghe” bởi thực tế cho thấy, chỉ cần vấp phải sự tắc trách của một nhân viên cỡ phường, xã thôi cũng đủ làm lao đao nên doanh nghiệp thậm chí không dám làm họ “phật ý”.

Trong khi đó, “Quan thì xa, bản nha thì gần”, thưa Thủ tướng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét