(TBKTSG) - Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11-2016 số 103/NQ-CP nêu rõ định hướng cho việc xây dựng, hoàn thiện “các dự án luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho từng đơn vị” để “phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị”, nhưng báo cáo “Đánh giá tác động của luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có nguy cơ xa rời định hướng này.
Tư duy “đồng phục diện rộng” đến “đồng phục cao cấp”?
Việc áp dụng bộ máy quản trị, chính sách rập khuôn cho 63 tỉnh thành được ví như việc bắt mặc “đồng phục” đã làm hạn chế khả năng phát huy đặc thù phát triển của địa phương. Trong khi chưa thể trao quyền tự chủ cho địa phương trên diện rộng để cho phép 63 tỉnh thành tự “thiết kế, may đo” chiếc áo của riêng mình, thì quy định về “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” trong Hiến pháp 2013 nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý để cho phép một số đơn vị thí điểm thoát ra khỏi “tư duy đồng phục”.
Tư duy “thoát đồng phục” này được làm rõ tại mục 2 Nghị quyết 103 nêu trên. Nghị quyết 103 này đã sử dụng số nhiều “các dự án luật” thay vì số ít; và nhấn mạnh yêu cầu “phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị”. Khi gắn “các dự luật” với chữ “mỗi đơn vị” thì Nghị quyết 103 đã hàm chỉ rằng cứ mỗi đơn vị hành chính - kinh tế sẽ có một đạo luật riêng.
Việc thiết kế ba đạo luật cho ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) là hết sức cần thiết bởi hai lý do chính:
Thứ nhất, phân tích về địa chính trị, quy mô diện tích, dân số, lợi thế kinh tế thì Phú Quốc khác xa Vân Đồn, Vân Phong; ví dụ Phú Quốc xa đất liền nên khả năng kiểm soát an ninh tốt, việc miễn visa cho người nước ngoài, kinh doanh casino, chính sách thuế quan ít ảnh hưởng tới đất liền như Bắc Vân Phong, Vân Đồn; chính sách bầu trời mở ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng bởi vị trí gần Cam Ranh (Bắc Vân Phong) hay gần biên giới Trung Quốc (Vân Đồn), chưa nói đến việc nếu Trung Quốc áp dụng việc mở rộng vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông thì chính sách bầu trời mở ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong rất bị ảnh hưởng còn Phú Quốc thì không...
Hoặc theo chính sách bầu trời mở, nếu cho phép các hãng hàng không khai thác “thương quyền 5” đối với Phú Quốc để tiếp tục bay đến Đà Lạt thì khả năng đưa du khách ASEAN qua Phú Quốc đến “du lịch ôn đới” châu Âu trong lòng ASEAN thì sẽ tạo sức mạnh cạnh tranh mà các đối thủ ASEAN không có được; còn nếu cấp “thương quyền 5” cho các hãng bay tới Vân Đồn để đón du khách phương Bắc bay tiếp đến Đà Lạt thì rõ ràng Đà Lạt không có ưu thế “du lịch ôn đới” hơn Côn Minh.
Thứ hai, nếu xem các đơn vị hành chính - kinh tế như các “lò ươm”, “phòng thí nghiệm” đột phá thể chế, đúc rút ra những gì thành công để nhân rộng trên toàn quốc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì việc áp dụng đồng thời “ba thí nghiệm giống nhau” tại “ba phòng thí nghiệm” là lãng phí.
Thế nhưng trong báo cáo đánh giá tác động nêu trên, số nhiều đã bị biến thành số ít; chữ “các dự án luật” đã bị đổi tên thành “dự án luật”. Trong suốt báo cáo không hề chỉ ra một điểm khác biệt nào giữa ba địa phương Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (ngoài việc đưa ra dự báo con số tiền bán đất thu được, thuế phí thu được, tốc độ tăng GDP của ba đơn vị sẽ khác nhau).
Tư duy “đồng phục” còn thể hiện rõ nét hơn khi báo cáo này đã đóng lại cơ hội thí điểm cách tổ chức bộ máy đa dạng, thông thoáng nhất có thể như cho người dân bầu trực tiếp thị trưởng hay tổ chức chính quyền một cấp (điều mà Đà Nẵng, TPHCM đã từng mạnh dạn đề xuất). Thay vào đó, báo cáo này đề xuất bộ máy “dập khuôn” gồm hai cấp gồm cấp phường và trên cấp phường; ở mỗi cấp thì có đủ hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cho tất cả đơn vị hành chính - kinh tế. Như vậy, xét riêng về mức độ đột phá mô hình bộ máy các cơ quan nhà nước thì mô hình này còn kém xa mô hình chính quyền đô thị của TPHCM đề xuất; nó mang dáng dấp của một thành phố trực thuộc tỉnh.
Đề xuất cho phép giữ lại ngân sách để làm tăng GDP địa phương?
Nếu sự khác biệt về bộ máy, thể chế cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt rất mờ nhạt thì sự ưu đãi về thuế, phí, ngân sách cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lại rất rõ nét và được báo cáo xếp lên đầu tiên trong ba nhóm giải pháp đột phá.
Nếu xem ưu đãi thuế, phí là yêu cầu tiên quyết và trọng tâm thì đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chẳng khác gì với các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trọng tâm báo cáo đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế giá trị gia tăng, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt tại đơn vị hành chính - kinh tế để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Hãy nhìn ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thu hút Toyota, Honda bằng thuế, phí, sau gần 30 năm được ưu đãi, bảo hộ họ không làm cho kỹ thuật chế tạo ô tô của người Việt nhúc nhích lên, khi hàng rào thuế quan ASEAN dỡ bỏ thì họ nhập ô tô về bán và đặt ra điều kiện mặc cả với Việt Nam nếu muốn họ tiếp tục ở lại. Nếu miễn thuế phí để thu hút casino, giải trí nhạy cảm thì chẳng khác nào kêu gánh tạp kỹ, xổ sổ ăn liền về làng mua vui cho dân làng ở thập niên 1990; lúc nào dân làng hết tiền thì “nhổ cọc” sang làng khác; chỉ khác nhau ở thời gian ba ngày và 90 năm thôi.
Nếu được dùng quyền miễn thuế, phí, ưu đãi giá thuê đất để thu hút đầu tư thì có lẽ tỉnh thành nào cũng sẽ thu hút được đầu tư so với tỉnh bên cạnh không được miễn thuế, phí, dù mức độ thu hút khác nhau. Nếu đi theo con đường này thì đó sẽ là cuộc đua xuống đáy, vì tất cả sẽ dùng “ưu đãi thuế, phí” như thể là phát huy đặc thù địa phương.
Bản chất ưu đãi thuế, phí là dùng nguồn thu tương lai của ngân sách chuyển cho địa phương được ưu đãi; thay vì để doanh nghiệp nộp thuế, phí về ngân sách rồi cơ quan nhà nước trích ngân sách ra tài trợ cho doanh nghiệp; việc giữ lại nguồn thu ngân sách cũng tương tự. Xét trên bình diện quốc gia, xem thị trường Việt Nam là một thể thống nhất, thì việc này giống như lấy “chiếc áo” của đứa con thứ nhất trao cho đứa con thứ hai trong số đàn con 63 tỉnh thành; miền núi xa xôi lại càng tụt hậu. Nếu địa phương xin giữ lại ngân sách năm đồng, miễn thuế phí năm đồng để tạo ra tăng trưởng GDP cho địa phương 10 đồng, thì chẳng có ích gì cho GDP quốc gia. Vì vậy báo cáo cần làm rõ trong số tăng trưởng GDP dự kiến của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì bao nhiêu phần trăm từ ngân sách được giữ lại, từ tiền thuế, phí bị mất đi của ngân sách trung ương, từ đầu tư của trung ương; phần GDP tăng thuần từ đột phá thể chế hành chính, bộ máy.
Ngược lại, thay vì dùng thuế, phí để ưu đãi, trung ương cho phép các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có quyền lập quy rộng rãi, qua đó tự mình đưa ra chính sách thông thoáng, mô hình bộ máy tinh gọn nhất có thể để từ đó tiết kiệm thời gian thủ tục hành chính, chi phí cho quỹ lương công chức; tạo thành nơi đáng sống về an ninh trật tự, văn hóa, giáo dục... Như vậy thì việc sáng tạo của địa phương này không bị coi là lấy mất manh áo của địa phương khác và nếu có những ưu đãi nào từ trung ương cho những sáng tạo, đột phá này thì đó là phần thưởng đáng có; còn ưu đãi thuế phí, đất đai thì địa phương nào cũng nghĩ được, không còn là sáng tạo nữa; lúc đó thay vì sáng tạo kiểu startup thì sẽ là “xin - cho” của thời kỳ bao cấp.
Cuối cùng, nếu đột phá ở các “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” chỉ xoay quanh thuế, phí, đất đai, tỷ lệ giữ lại ngân sách, đầu tư công từ trung ương thì nên đổi tên thành “đơn vị kinh tế - hành chính đặc biệt”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét