MTG - Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong bối cảnh hệ thống bán lẻ Việt Nam hoàn toàn lép vế trước đối thủ nước ngoài thì kinh tế vỉa hè tạo thành một kênh phân phối hàng Việt hữu hiệu đến thị trường…
Kinh tế phi chính thức có vai trò quan trọng
Trong chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” đang được tiến hành rầm rộ ở một số thành phố lớn, những vấn đề xoay quanh khu vực kinh tế phi chính thức bắt đầu nhận được nhiều sự chú ý.
Với một quốc gia vừa bước qua ngưỡng nghèo như Việt Nam, khu vực kinh tế phi chính thức vẫn chiếm tỷ lệ tương đối cao trong cơ cấu nền kinh tế với hàng triệu hộ kinh doanh, ước tính đóng góp khoảng 20% GDP cho nền kinh tế. Theo nhiều chuyên gia, kinh tế vỉa hè không chỉ tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho người dân mà còn là mạng lưới tiêu thụ, phân phối sản phẩm, hàng hóa ra thị trường.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết hoàn toàn ủng hộ việc lập lại trật tự vỉa hè. Tuy nhiên, cách thức thực hiện thế nào là điều đáng phải quan tâm.
Theo chuyên gia này, vỉa hè lộn xộn như ngày hôm nay không chỉ do lỗi của người dân mà chính quyền cũng có trách nhiệm không nhỏ. Nói đúng hơn, chính quyền yếu kém, buông lỏng trong quản lý, một số nơi bảo kê, làm luật cũng là một nguyên nhân dẫn đến “loạn” vỉa hè.
“Đối với những người sản xuất, kinh doanh không có điều kiện hình thành được hệ thống phân phối cho riêng mình thì kinh tế vỉa hè là kênh phân phối hữu hiệu. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi hệ thống bán lẻ của Việt Nam hoàn toàn lép vế trước doanh nghiệp ngoại”, bà Phạm Chi Lan cho hay.
Hơn nữa, chuyên gia này cũng cho hay, kinh tế vỉa hè cũng phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Là quốc gia có nhiều xe máy, người dân có thể dừng, đỗ để mua đồ ăn nhanh chóng ngay trên đường đi làm về, bởi mạng lưới phân phối vỉa hè len vào từng ngõ ngách đô thị.
“Đằng sau vỉa hè là cuộc sống mưu sinh, là cơm áo gạo tiền, học hành của cả một gia đình. Họ không có điều kiện mở doanh nghiệp kinh doanh, thuê mặt bằng bán hàng thì buộc phải bám lấy vỉa hè mưu sinh. Cho nên, trong quá trình lập lại trật tự vỉa hè phải quan tâm đến họ sao cho hài hòa lợi ích các bên”, bà Lan nhấn mạnh.
Đồng thời, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, đã dẹp vỉa hè thì phải công bằng. Những cơ quan Nhà nước, bảo kê lấn chiếm vỉa hè, kinh doanh chỗ đậu xe trái phép cũng phải xử lý chứ không chỉ xử lý một mình người dân.
Chuyên gia này cho hay, nhiều quốc gia trình độ phát triển cao hơn Việt Nam cũng đều có kinh tế phi chính thức, bởi vì đây là yếu tố tự nhiên. Khi người ta muốn kinh doanh nhưng chưa đủ tiềm lực, họ sẽ chọn khu vực phi chính thức, sau đó vươn dần lên để vào khu vực chính thức.
“Việc của Nhà nước là tạo môi trường kinh doanh, chính sách thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân nhanh chóng lớn lên”, bà Lan nói.
Có thể áp dụng thu phí vỉa hè
Để lập lại trật tự vỉa hè, vừa có không gian cho người đi bộ, vừa tạo điều kiện cho kinh doanh vỉa hè, có ý kiến đề xuất nên quy hoạch khu vực kinh doanh trên vỉa hè và thu phí.
Điều này không phải là mới mẻ trên thế giới, ví dụ như ở Thái Lan, người buôn bán được thuê vỉa hè theo khung giờ nhất định, sau khung giờ đó, tất cả phải dọn dẹp, trả mặt bằng như cũ. Người thuê mặt bằng có trách nhiệm đóng thuế, đóng tiền thuê mặt bằng. Như vậy, người dân vừa có không gian đi bộ, người buôn bán trên vỉa hè vẫn có điều kiện mưu sinh.
Chuyên gia Phạm Chi Lan đề nghị, những tuyến đường có vỉa hè rộng, có thể cho phép người dân được buôn bán trên vỉa hè trong một phạm vi nhất định. Tuy nhiên, cần phải quy định rõ từng khung giờ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… cho các đối tượng buôn bán và buộc phải tuân theo.
“Cần phải có một đánh giá toàn diện, đầy đủ về kinh tế vỉa hè, về khu vực kinh tế phi chính thức để có những chính sách thật phù hợp”, bà Lan chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến của bà Phạm Chi Lan, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao Thông cho rằng, những khu vực có vỉa hè rộng thì nên cho thuê. Điều này giúp Nhà nước vừa thu được tiền lại vừa "nhân văn" đối với người buôn bán nhỏ trên vỉa hè.
Tuy nhiên, ông Thủy cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện cần phải tăng cường giám sát, xử lý nhanh những trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Đồng thời, phải có cơ chế minh bạch để tránh bảo kê, trục lợi. Thực tế, việc vỉa hè lộn xộn như hiện tại, cơ quan quản lý cũng có trách nhiệm không nhỏ.
Ngoài những ý kiến đồng tình thì vẫn có không ít ý kiến băn khoăn trước chủ trương cho thuê vỉa hè. Nói trên báo Người Lao Động, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng: “Đừng đặt kinh tế vỉa hè theo nghĩa biến vỉa hè thành nơi kinh doanh, không đặt vấn đề thu tiền để cho phép người dân kinh doanh mà phải xử lý chính sách cho họ. Lâu nay, kinh doanh dựa vào vỉa hè đã kích thích một bộ phận lớn dân nhập cư đổ về TP HCM kiếm sống và dần nông thôn hóa đô thị”.
“Ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì vỉa hè, lòng đường trở thành nguồn sống của một bộ phận dân cư, nhất là những người nhập cư. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem lòng đường, lề đường như một loại kinh tế để phục vụ cho bộ phận dân cư nào đó thì chúng ta không còn là đô thị và bất công với người dân đô thị. Do đó, đây là bài toán phải giải quyết”, ông Trần Du Lịch nói.
TS Trần Du Lịch cho rằng với những người buôn bán nhỏ, chính quyền địa phương nên rà soát chặt chẽ những đối tượng này, tái bố trí khu vực vỉa hè rộng cho họ kinh doanh với điều kiện người bán phải bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và bán cho người mua mang đi chứ không bày bàn ghế ra ăn tại chỗ.
“Mọi quyết định, hành động của chính quyền địa phương phải làm công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm và chấm dứt nạn bảo kê kinh doanh vỉa hè. Chính quyền các nước phát triển cũng đang làm như vậy”, TS Trần Du Lịch cho hay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét