Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Nhân tài và giá trị xã hội

Trần Sĩ Chương/Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần

VNN - “Nhân tài là nguyên khí của quốc gia”. Ai cũng hiểu như vậy. Có nhân tài thì mới có nguyên khí để phát triển đất nước. Nhưng tại sao nhiều quốc gia không thiếu nhân tài nhưng vẫn èo uột không phát triển được?

Người Ấn Độ nổi tiếng thông minh, học giỏi. Nhiều người lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất thế giới là người Ấn. Biết bao nhiêu kinh tế gia lỗi lạc trên thế giới là người gốc Ấn. Nhưng đến nay, sau bao năm giành được độc lập từ Anh quốc, nước Ấn Độ vẫn nghèo, vẫn lạc hậu?

Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử của đất nước Việt Nam có nhiều người tài, có trình độ đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn của họ như hiện nay. Trong nước, nhiều dịch vụ đào tạo chuyên môn tay nghề, khả năng quản lý… đã phát triển nhanh và đang hoạt động mạnh.

Số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng trong nước ở mức kỷ lục chưa từng có. Tuy chất lượng đào tạo chưa đồng nhất nhưng hầu như ai có ý chí thì muốn học gì cũng có thể học được. Mỗi năm, hàng ngàn du học sinh được đào tạo bài bản ở các nước có nền giáo dục tiên tiến về nước làm việc.

Lượng trí thức Việt kiều trong nhiều ngành chuyên môn kỹ thuật cũng rất lớn và không ít người đang muốn đóng góp cho sự phát triển đất nước. Nhưng tại sao năng suất trung bình của người lao động Việt Nam mới chỉ bằng 1/20 của Singapore, 1/6 của Thái Lan… và cũng chỉ xấp xỉ Lào và Campuchia?

Giải được bài toán nhân tài, cũng như bất cứ bài toán nào khác, cần phải hội tụ các điều kiện cần và đủ. Câu chuyện nhân tài chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh giá trị xã hội. Ngoài việc bản thân người tài có khả năng đóng góp được gì cụ thể cho xã hội, thì xã hội còn phải sẵn sàng tiếp nhận giá trị đóng góp cá nhân để tạo ra những giá trị cao hơn, đồng thời bản thân người đóng góp cảm thấy được đối xử công bằng và nhận được những giá trị tương xứng với đóng góp của họ.

Con người sinh ra ai cũng đã có những bản năng thiên phú cơ bản. Qua môi trường sống và theo thời gian lớn lên, tính cách con người, năng lực cá nhân (khả năng suy nghĩ phân tích phán xét) và kỹ năng chuyên môn được hình thành. Nói một cách khái quát, ai cũng có cái tài riêng và có khả năng đóng góp nhất định cho xã hội. Môi trường xã hội quyết định phần lớn giá trị của cá nhân, từ giáo dục của nhà trường lúc còn đi học, cho đến cơ chế làm việc và hòa nhập xã hội khi lớn lên đi làm.

Giá trị của một cá nhân là giá trị tổng hợp của cái đầu (năng lực), cái tay (kỹ năng làm được cái gì) và trái tim (cái tâm biết sống lương thiện, muốn cống hiến, phục vụ cho xã hội).

Cái tay được rèn luyện có thể tạo ra sản phẩm xã hội cần, cái đầu giúp cái tay biết làm khéo hơn. Cái đầu và cái tay quyết định giá trị cơ bản của cá nhân; trái tim với ý thức đặt lợi ích của xã hội lên trên lợi riêng, biết làm gì cũng phải nghĩ đến người khác, đem lại giá trị ngày càng cao hơn cho các đối tượng phục vụ, thì đó là cái tâm tạo nên cái đức mà ông bà ta thường nhắn nhủ phải đi kèm với cái tài.

Cái tài là để được cần, được quý; cái tâm là để được yêu mến, để tạo đức. Đây là những điều kiện để tạo giá trị thương hiệu cá nhân, không khác với giá trị thương hiệu của một doanh nghiệp (là tổng của các giá trị cá nhân trong doanh nghiệp), hay một thương hiệu quốc gia (là tổng của các giá trị cá nhân và tổ chức trong xã hội).

Từ cổ chí kim thời nào cũng có người tài. Người tài không bao giờ thiếu trong thời chiến cũng như thời bình để thỏa mãn nhu cầu của xã hội, nếu xã hội biết đặt vấn đề đúng với người có tài để họ có thể cung cấp những gì xã hội cần.

Người có tài cũng là một loại sản phẩm như các sản phẩm khác của xã hội mà thôi. Khi có cầu tất sẽ có cung. Cầu tăng thì cung cũng sẽ tăng theo, về cả phẩm lẫn lượng. Phẩm và lượng của cung (người có tài) chỉ còn tùy thuộc vào cái giá thích hợp để cung và cầu có thể gặp nhau ở một điểm tối ưu. Cái giá ở đây là tất cả những giá trị mà cầu (xã hội) phải thỏa mãn cho cung bao gồm cả giá trị vật chất lẫn tinh thần.

Ngay cả trong hoạt động nhà nước, người có khả năng, có tài, có tâm huyết muốn cống hiến cũng không thoát khỏi sự chi phối của luật cung cầu và giá trị thị trường của họ.

Để có được người tài và giữ được họ trong sạch, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đã có chủ trương cán bộ nhà nước phải được bồi dưỡng tương xứng với khả năng và trách nhiệm của họ. Lương của Thủ tướng Singapore gấp năm lần lương của tổng thống Mỹ.

Nếu không như thế thì rõ ràng nhà nước thiếu trung thực với dân và người dân cũng không sòng phẳng với nhà nước (đòi hỏi dịch vụ tốt mà chi trả giá bèo). Từ đó sinh ra tiêu cực mà rồi chính người dân sẽ phải trả giá cho những tiêu cực đó. Với chủ trương này, Singapore đã thành công trong việc phát triển nhân tài, đưa đất nước của họ hôm nay trở thành một nước có mức độ minh bạch, ít tham nhũng và có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Đất lành chim đậu. Đất có lành thì chim tự tìm đến, đem lại muôn vàn hạt giống tốt, trăm hoa đua nở. Đất lành công tâm phục vụ mọi người, để mỗi người có điều kiện tự phát triển, góp phần làm cho đất ngày càng lành hơn.

Yếu tố quyết định để một xã hội có khả năng thu hút, phát triển con người để họ có thể trở thành những “nhân tài” có giá trị xã hội là điều kiện công bằng trong xã hội nói chung hay trong một tập thể nhỏ nói riêng, để mỗi cá nhân có lòng tin là sự đóng góp của mình sẽ được ghi nhận một cách sòng phẳng và được đền bù xứng đáng về mặt vật chất lẫn tinh thần. Được vậy thì tập thể mới có được sự đoàn kết, đem lại cái tổng giá trị lớn hơn từng giá trị của cá nhân đứng riêng lẻ cộng lại, và cá nhân họ sẽ “được” nhiều hơn là nếu chỉ nghĩ đến mình.

Con người ở bất cứ nơi đâu, nếu sống trong một điều kiện xã hội còn nhiều bất công thì sẽ khó sống trung thực. Từ đó sự tự trọng, tương kính (là điều kiện cần của đoàn kết) cũng sẽ không có.

Con người có thể học thành tài nhưng chưa hẳn đã thành nhân với bằng cấp. Trong một nghĩa hẹp, thành nhân đòi hỏi điều kiện biết sống hài hòa với những người chung quanh và có cái tâm đóng góp hữu ích cho xã hội. Ở các nước chậm tiến thì cái bệnh đòi “ăn trên ngồi trốc” là một căn bệnh trầm trọng. Ấn Độ nổi tiếng với những giai cấp (caste) xã hội phân biệt giàu nghèo, dòng tộc, tôn giáo, địa phương làm cho xứ sở này không cất cánh nổi, mặc dù người Ấn nổi tiếng là thông minh, cần cù, năng động.

Với mức độ phát triển kinh tế – xã hội còn thấp, điều kiện phát triển con người còn giới hạn, chắc chắn một thiểu số sẽ có nhiều điều kiện, cơ may thăng tiến hơn hẳn đa số còn lại kém may mắn hơn. Thiểu số này trở thành một tầng lớp có đặc quyền và từ đó họ nghĩ rằng mình xứng đáng đòi hỏi đặc lợi. Nếu như vậy, họ có thể sẽ không đóng góp được gì tích cực mà còn có khả năng trở thành một gánh nặng tiêu cực lớn cho xã hội.

Như vậy điều kiện “công bằng” có khả năng tạo nên cái “chất” quyết định được mức độ đóng góp của con người và “nhân tài” cũng từ đó mà ra. Đó là điều kiện tự nhiên được đa số chấp nhận một cách chính thống. Từ đó cái tâm muốn làm việc tốt bẩm sinh của con người sẽ được giải phóng và phát triển để cộng với cái tài của mỗi cá nhân thì xã hội vừa có được cái lượng (điều kiện cần) và cái chất (điều kiện đủ) đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét