Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

“Chông gai” mục tiêu 10 tỉ đô la Mỹ

Trung Chánh

(TBKTSG) - Một vị lãnh đạo, am hiểu lĩnh vực xuất khẩu thủy sản (không muốn nêu tên) khi trao đổi với TBKTSG đã đưa ra những phân tích và thể hiện sự quan ngại với mục tiêu 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu tôm sau tám năm nữa (2025), tức tăng trưởng gấp hơn 3 lần so với hiện nay (hơn 3,1 tỉ đô la Mỹ).

Có khả thi?

Theo phân tích của vị này, tổng thương mại về thủy sản nói chung của thế giới hiện nay ở mức khoảng 130 tỉ đô la Mỹ, trong đó, ngành tôm chiếm khoảng 10% số này, nghĩa là thế giới hiện dành khoảng 13 tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu tôm. Trong khi đó, theo dự báo của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), mức tăng trưởng của thế giới tối đa khoảng 15%/năm. “Điều này có nghĩa, trong vòng tám năm nữa (đến năm 2025) thương mại tôm thế giới cũng chỉ tăng lên hơn gấp đôi thôi. Nhưng tăng trưởng 15%/năm cũng không phải là chuyện đơn giản. Đó là một cái để mình xem xét cho mục tiêu của Việt Nam”, ông cho biết.

Một phân tích khác của vị này, đó là để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, có thể ngành này sẽ đi theo hai khuynh hướng: thứ nhất là giá trị gia tăng và thứ hai là phải sản xuất thêm. “Ví dụ, bây giờ anh có hơn 3 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu tôm, anh gia tăng giá trị lên gấp đôi (khuynh hướng thứ nhất) trong tám năm nữa, thì sẽ đạt 6 tỉ đô la Mỹ, vẫn còn thiếu khoảng 4 tỉ đô la Mỹ nữa để hoàn thành mục tiêu. Tức là phải sản xuất thêm (khuynh hướng thứ hai) ở quy mô xấp xỉ hơn 1 triệu tấn tôm nữa mới đủ 10 tỉ đô la Mỹ”, ông nói.

Theo vị này, với tất cả các điều kiện trong bối cảnh thực tế hiện nay của Việt Nam, khả năng sản xuất thêm 1 triệu tấn tôm có thể đạt được (để đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3,1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016, Việt Nam đã phải sản xuất khoảng 650.000 tấn tôm nguyên liệu - NV). Tuy nhiên, việc gia tăng giá trị lên 100% không khả thi. “Trong phạm vi hẹp, tại thời điểm nào đó, tinh chế (giá trị gia tăng) 10 ki lô gam thì có thể bán được hết 10 ki lô gam đó. Nhưng trên tổng sản lượng xuất khẩu (bao gồm cả sản lượng thô, đông lạnh, sơ chế...) trong một năm, anh không thể bán 100% ở dạng tinh chế được. Cho nên, khả năng đó (tăng giá trị gia tăng lên gấp đôi như khuynh hướng thứ nhất đã nêu ở trên - NV) sẽ rất là khó”, ông lưu ý.

Vị này cũng đặt câu hỏi: Nếu Việt Nam phấn đấu đạt 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu tôm đến năm 2025 thì Ấn Độ sẽ là bao nhiêu? 10 tỉ đô la Mỹ nữa hay là con số nào? Ấn Độ có chịu thua, chịu đứng im để một mình Việt Nam vượt lên? Rồi Thái Lan, Indonesia, Ecuador... sẽ là con số nào? Trong khi đó, như đã nêu ở trên, FAO dự báo thương mại ngành tôm tăng trưởng chỉ 15%/năm hay nói cách khác sau tám năm nữa thương mại tôm thế giới cũng chỉ khoảng 30 tỉ đô la Mỹ. “Nếu mỗi ông (Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Ecuador...) tăng lên 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, thế thì bốn ông này sẽ là 40 tỉ đô la Mỹ. Vậy sản xuất ra sẽ bán cho ai?”, ông nêu vấn đề và cho rằng trong thương mại không thể có chuyện các nước cạnh tranh chịu “đứng im, chờ” để nhìn một mình Việt Nam vượt lên.

Vẫn phải phấn đấu...

Trao đổi với TBKTSG, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng không nên sa đà quá vào chỉ tiêu, mà đó nên được xem là đích để phấn đấu trong tương lai. “Nó (mục tiêu) có đạt được hay không còn phụ thuộc vào năng lực của chúng ta hiện tại và nỗ lực cũng như điều kiện kế tiếp trên lộ trình đó”, ông Hiệp nói.

Ông Hiệp nhận định Việt Nam vẫn còn tiềm năng, dư địa để phát triển, dù điều kiện tự nhiên, vùng nuôi, cơ sở hạ tầng... còn nhiều bất cập phải đầu tư thêm.

Vấn đề đặt ra là muốn phát triển phải giải quyết những bất cập hiện nay. Cụ thể, theo ông Hiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất tôm khác với sản xuất lúa gạo, trong khi lâu nay chúng ta đầu tư hạ tầng, đặc biệt hạ tầng nguồn nước, phần lớn là cho cây lúa. Bây giờ chuyển dịch sang nuôi tôm thì phải quan tâm đầu tư.

Hiện hơn 70% giá thành con tôm là từ thức ăn, thuốc thủy sản. Đây cũng là thách thức cần giải quyết. “Thế nhưng, ngành thức ăn thủy sản chúng ta đã làm chủ hay vẫn phụ thuộc, nguồn nguyên liệu chế biến đã làm chủ hay vẫn phụ thuộc...? Bởi nếu không khéo chúng ta sẽ trở thành người gia công và 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu đó chúng ta được hưởng bao nhiêu hay khâu thức ăn, thuốc thú y nước ngoài hưởng hết?”, ông Hiệp nêu vấn đề.

Theo ông Hiệp, các chính sách khác đầu tư cho ngành tôm như chính sách hạn điền, tích tụ ruộng đất rồi liên kết chuỗi giá trị, kể cả quản lý để ngăn chặn kiểu làm ăn gian dối như bơm tạp chất cũng cần được quan tâm. “Những cái đó không phải dễ, nó phải là cuộc cách mạng với quyết tâm hết sức mạnh mẽ. Có đạt được mục tiêu xuất khẩu tôm nói trên hay không phụ thuộc vào kết quả đó, tất nhiên chuyện này phải được tính toán trên cơ sở khoa học”, ông Hiệp nói.

Trao đổi với TBKTSG, ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX), cho rằng 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu tôm đến năm 2025 là một mục tiêu vừa khó, nhưng cũng vừa dễ. “Nếu chúng ta có phương pháp làm, có giải pháp đúng, hữu hiệu, thì mọi thứ nó có lộ trình đi, sẽ đạt thôi”, ông nói. Tuy nhiên, nếu đưa ra chỉ tiêu rồi, nhưng làm không có khoa học, thì ông nghĩ rằng con số 5 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu tôm đến năm 2025 cũng sẽ không đạt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét