(TBKTSG Online) - Nợ công và nợ Chính phủ trong năm 2016 đang tiến dần sát với các ngưỡng chỉ tiêu mà Quốc hội vừa thông qua trong Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn năm năm tới.
Báo cáo của Bộ Tài chính ngày hôm nay (6-1) cho biết, đến cuối năm 2016 dư nợ công khoảng 64,73% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62% GDP.
Dư nợ Chính phủ như trên đã tăng so với số 53,2% GDP mà Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, và tăng cao so với con số 50,3% được ghi nhận hồi đầu năm nay.
Hai con số này, như vậy, đã tiến đến sát với ngưỡng nợ không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP trong Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 được Quốc hội thông qua ngày 9-11 vừa qua. Báo cáo của Bộ Tài chính khẳng định: nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép.
Đến cuối năm 2016, Bộ đã cơ cấu các khoản nợ vay trong nước nà vay ngoài nước trong danh mục nợ của Chính phủ lần lượt là 59% và 41%, tăng so với các năm trước (thời điểm cuối năm 2011 là 38,9%/61,1%; năm 2012 là 43,1%/56,9%; năm 2013 là 50%/50%, năm 2014 là 55,6%/44,4% và năm 2015 khoảng 57%/43%), phù hợp với mục tiêu đã đề ra, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn vay ngoài nước.
Năm 2016, Việt Nam đã đàm phán ký kết 34 hiệp định vay ODA và ưu đãi với tổng giá trị khoảng 5,2 tỷ đô la Mỹ, gấp 1,5 lần so với năm 2015.
Cũng theo Bộ Tài chính, đến ngày 31-12-2016, thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt khoảng 1.094 ngàn tỷ đồng, vượt 79,6 ngàn tỷ đồng (+7,8%) so dự toán, tăng thêm 55 ngàn tỷ đồng với so báo cáo Quốc hội. Trong đó, thu ngân sách địa phương đạt 118,6% dự toán (tương ứng vượt 77,8 ngàn tỷ đồng), hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao (58/63 địa phương); thu ngân sách trung ương cơ bản đạt dự toán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét