Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Đau đầu vì công chức bán hàng online, sếp vẫn ‘bó tay’

Lê Anh Đức/ Đại đoàn kết

VNN - Vì sao nói hành vi tham nhũng vặt này khó xử lý? Đơn giản là vì trong các điều luật, trong quy định của các nghị định, thông tư hiện hành đều chưa có bất cứ điều khoản nào cấm cán bộ, công chức, viên chức bán hàng online trong giờ làm việc.

Ngày nay, chắc không ai lạ gì những status chào mời bán hàng online trên mạng xã hội Facebook với đủ mặt hàng: quần áo, giày dép, mỹ phẩm... Song, chưa hẳn ai cũng biết, có tới 80% những người bán hàng online trên mạng xã hội đó lại chính là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên văn phòng... do công việc "quá nhàn rỗi" nên làm nghề tay trái kiếm thêm thu nhập. Những người này đã và đang "tận dụng" thời gian của nhà nước để phục vụ cho lợi ích cá nhân.

Trước tiên phải khẳng định ngay và luôn là việc cố gắng làm thêm để nâng cao thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không hề sai, nếu như không muốn nói là đáng khen ngợi. Song, vấn đề ở đây là họ không làm thêm ngoài giờ hành chính, mà đang dùng 8 tiếng làm việc cơ quan nhà nước để chào mời bán hàng, phục vụ “thượng đế” của họ. Việc làm này nếu nói theo “tinh thần thanh tra” thì có nghĩa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bán hàng online đang tham nhũng vặt.

Chẳng phải sao? Trong các cuộc hội thảo, hội nghị về phòng chống tham nhũng, lãng phí, người ta không dưới một lần nhắc đến khái niệm tham nhũng vặt, đó là hành vi nhận phong bì, hành vi bớt xén thời gian làm việc... Tham nhũng to thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ tham nhũng vặt thật khó mà xử lý, kể cả chỉ là xử lý hành chính. Có lẽ vì vậy mà người ta cứ mặc sức tham nhũng vặt, mặc sức bớt xén thời gian phục vụ nhân dân để làm việc cá nhân: Đi lễ đền, chùa, đi đám cưới hỏi, sinh nhật, hay chỉ đơn giản là “tranh thủ” bán hàng online.

Sở dĩ hiện nay người ta đua nhau bán hàng online trên các trang mạng xã hội bởi vì thu nhập từ việc này khá cao. Với những người “làm ăn nhớn”, vốn nhiều, chuyên “đánh hàng” từ nước ngoài về thì mỗi tháng trừ các khoản như vốn, tiền ship... cũng còn đút túi tới vài chục triệu đồng. Những người làm ăn “cò con” hơn thì thu nhập cũng dăm bảy triệu/ tháng. Một nguyên nhân khác cũng khiến phong trào bán hàng online của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nở rộ, đó là vì người ta thường tìm đến những người này mua hàng vì tin tưởng, vì quen thân, giá thành lại “mềm”...

Vì sao nói hành vi tham nhũng vặt này khó xử lý? Đơn giản là vì trong các điều luật, trong quy định của các nghị định, thông tư hiện hành đều chưa có bất cứ điều khoản nào cấm cán bộ, công chức, viên chức bán hàng online trong giờ làm việc. Chỉ có mới đây, Hà Nội đưa ra một bản “khuyến nghị” (không phải là quyết định hành chính cấm) cán bộ, công chức, viên chức không nên bán hàng online. Đó là lý do mà nhiều ông “sếp” đau đầu với nhân viên vì chỉ lo bán hàng online, bê trễ công việc, nhưng lại không có cách nào để xử lý.

Đưa vấn đề này ra sẽ có người cho rằng người viết bài quá khắt khe, bởi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vì đồng lương “ba cọc, ba đồng” không đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày nên mới phải nghĩ cách làm thêm. Và cũng sẽ có người sẽ đề nghị hãy nhìn việc bán hàng online của họ với góc độ nhân văn hơn... Vâng, đương nhiên là ai cũng biết đồng lương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay quả là chưa đủ trang trải cuộc sống thường nhật. Song, đã bao giờ mọi người thử đặt câu hỏi ngược: Vì sao đồng lương của chúng ta thấp?

Xin trả lời ngay rằng vì năng suất lao động của chúng ta quá thấp. Cũng cần đặt tiếp câu hỏi: Vì sao năng suất lao động của chúng ta thấp? Đơn giản thôi, năng suất lao động của người Việt Nam thấp có rất nhiều nguyên nhân như đào tạo không theo nhu cầu thị trường, dây chuyền công nghệ sản xuất lạc hậu... Song, trong số vô vàn nguyên nhân thì có nguyên nhân khá cốt lõi, khá quan trọng, tác động trực tiếp và thấy ngay hệ lụy, đó là tệ công chức cắp ô, bớt xén thời gian làm việc để phục vụ lợi ích cá nhân và gia đình.

Ở đây, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận khách quan, toàn diện vấn đề. Nếu chỉ nhìn bề nổi của sự việc thì đúng là việc rất đông đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận dụng thời gian làm việc Nhà nước để bán hàng online không thể nguy hại bằng việc tham ô, tham nhũng, làm thất thoát của Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Song, cứ thử làm phép tính: Mỗi cán bộ, công chức, viên chức chỉ cần bớt đi 1-2 giờ làm việc thì mỗi ngày Nhà nước sẽ thiệt hại bao nhiêu của cải vật chất, từ đó nhân lên thì một tháng, 1 năm há chẳng phải lên tới con số nghìn tỷ hay sao? Chỉ có điều con số này lại chưa ai thống kê, không thể nhìn thấy ngay được nên có vẻ như nó không tồn tại.

Đó là còn chưa kể đến hệ lụy vô hình từ việc bớt xén thời gian làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chẳng hạn như việc đội ngũ những người phục vụ hành chính công vì mải mê kiếm tiền bằng việc bán hàng online mà bê trễ công việc phục vụ dân, không những làm người dân bức xúc mất niềm tin vào Nhà nước, mà vô hình trung còn cản trở, đẩy lùi nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ kiến tạo. Hoặc giả một doanh nghiệp cần được giải quyết ngay thủ tục hành chính để có thể ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, nhưng vì cán bộ, công chức, viên chức còn bận bán hàng online khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội làm ăn lớn, thiệt hại sẽ không thể cân đo đong đếm hết được...

Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: Lao động là vinh quang. Bất cứ ngành nghề nào cũng được coi trọng, miễn là không phạm pháp. Theo lẽ đó, việc làm thêm bằng hình thức bán hàng online của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáng được ủng hộ nếu họ đã làm tròn phận sự của mình với Nhà nước, với nhân dân. Còn với những người cố tình núp dưới danh nghĩa làm thêm để tham nhũng vặt thì cần bị lên án và có hình thức xử lý nghiêm để lập lại kỷ cương. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét