Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Vì sao cổ phần hóa nhiều DNNN nhưng vốn nhà nước ra thị trường quá ít?

Lan Nhi

(TBKTSG Online) - Năm năm đẩy mạnh cổ phần hóa (2011-2015), số lượng doanh nghiệp Nhà nước giảm nhanh nhưng thực tế vốn của nhà nước bán ra thị trường chỉ có 8%. Nhà nước vẫn nắm giữ gần 92% vốn tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Bán nhiều nhưng giảm không bao nhiêu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh những con số nêu trên ngay phần mở đầu Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020, tổ chức hôm 6-12 tại Hà Nội.

Tính đến hết tháng 10-2016, cả nước chỉ còn 718 DNNN, giảm mạnh so với 1.369 DNNN năm 2011. Ngoài ra, trước đây DNNN dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực thì nay chỉ còn tập trung 19 ngành, lĩnh vực, đa số có quy mô vừa và lớn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả phát hành cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO) của 426 DNNN khi cổ phần hóa (CPH), có 60% số doanh nghiệp bán được hết cổ phần và 40% số doanh nghiệp không bán được hết cổ phần theo phương án CPH đã được phê duyệt. Riêng năm 2015, theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có 128 doanh nghiệp IPO bình quân bán được khoảng 36% tổng số lượng cổ phần chào bán.

Tuy nhiên, sau CPH, tính bình quân Nhà nước còn nắm giữ 81% vốn điều lệ tại doanh nghiệp. Nhà đầu tư bên ngoài nắm 9,5%. Nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 7,13%. Người lao động và tổ chức công đoàn nắm 2,2%. Đây cũng chính là lý do mà Thủ tướng nhận định rằng tỷ lệ thoái vốn nhà nước rất thấp. Ông đặt vấn đề: “Tìm nguyên nhân vì sao thoái vốn tại DNNN và CPH thấp như vậy dù đã có chủ trương? Tại sao các tổng công ty lương thực, công ty thủy nông đến giờ bán vốn vẫn chậm chạp?”.

Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ lại nhận định rằng, hầu hết các DNNN sau CPH là kinh doanh có hiệu quả. Khảo sát của Bộ Tài chính với 350 doanh nghiệp sau CPH năm 2015 cho thấy so với năm trước CPH, lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%. Các ví dụ được dẫn ra như Công ty cổ phần sữa Việt Nam doanh thu tăng 10 lần, vốn chủ sở hữu tăng 13 lần. Tập đoàn Xăng dầu trước khi CPH lỗ 1.461 tỉ đồng nhưng sau khi CPH đã có lợi nhuận 2.021 tỉ đồng, chia cổ tức cho cổ đông ngay năm đầu 12,14%...

Tuy nhiên, ban chỉ đạo cũng thừa nhận hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN thấp so với nguồn lực đang nắm giữ. Năng lực quản trị, điều hành còn nhiều yếu kém. Tỷ lệ cổ phần bán ra thấp như trên làm hạn chế đáng kể đến kết quả thực hiện các mục tiêu sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN.

“Chúng tôi không muốn làm ông chủ giả”

Đó là hình ảnh mà Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dệt may Trần Quang Nghị dùng để nói về những người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Vì tỷ lệ bán vốn nhà nước không cao, người đại diện vốn chỉ là người giữ và bảo toàn vốn cho nhà nước nên không có động lực đổi mới, miễn sao an toàn là được.

Những cổ đông nhỏ lẻ khác, theo nhận định của ông Nghị, không chi phối được thì cũng ở trong tình trạng tương tự. Ông nói các đại diện vốn phải thoát khỏi tình trạng làm thuê và có những động lực mạnh mẽ hơn thì mới nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong điều hành doanh nghiệp

Thứ trường Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nói rằng, các lý do chậm CPH, quản trị doanh nghiệp kém hiệu quả là khó có thể chấp nhận được. Năm năm qua, Bộ Tài chính sửa ba nghị định về CPH để sát thực tế, đảm bảo tính khả thi. Ông lấy ví dụ, chi phí CPH không phải là mục tiêu chính sách nên doanh nghiệp không thể vin vào lý do đó, nếu muốn thuê tư vấn nước ngoài như Tập đoàn Điện lực (EVN) đề xuất thì chỉ cần trình lên. Ông đề nghị phải đấu giá công khai trên thị trường, IPO xong quyết định đưa lên sàn ngay, không chậm trễ, nếu không doanh nghiệp sẽ bị chế tài.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các bộ cũng không nên lo về cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp theo dự thảo đã trình Thủ tướng. Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tỏ thái độ không đồng tình về mô hình này. Tuy nhiên, ông Đông khẳng định cơ quan này sẽ chỉ đại diện vốn cho 30 doanh nghiệp chứ không phải quản lý tất cả vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau CPH nên không thể thành siêu bộ mà Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chịu sự giám sát, công khai một cách rõ ràng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét