Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Nhật Bản “chỉ mặt gọi tên” Trung Quốc

Thảo Linh

VNN - Khi nói đến Biển Đông, thái độ của Nhật Bản dường như là ủng hộ “bất cứ ai ngoài Trung Quốc”.

Bất chấp mối quan hệ nhiều mặt và đa tầng với Trung Quốc, trong thập kỷ vừa qua, Mỹ đã dần dần nhưng chắc chắn xây dựng những khối đá lớn của chính sách kiềm chế sức mạnh Trung Quốc.

Washington đã kiến tạo những quan hệ an ninh mới với các quốc gia một thời từng bị xem là không thân thiện. Ấn Độ là một ví dụ điển hình. Giới chức Mỹ thậm chí không giấu giếm sự ve vãn Delhi như một đồng minh có thể chống lại Bắc Kinh. Về phần mình, Ấn Độ có vẻ miễn cưỡng hơn, có phần thận trọng khi lao vào mối quan hệ này.

Chiến lược kiềm chế trên cũng bao gồm các ý định làm sống lại, củng cố thêm và mở rộng hơn các quan hệ của Washington với các đồng minh truyền thống ở Đông Á. Đôi khi nỗ lực này thất bại.

Trường hợp dễ thấy nhất là sau một sự khởi đầu đầy hứa hẹn, giờ thì một cuộc “ly hôn” đang diễn ra với chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte. Nhưng đa phần các nỗ lực trên đã đạt hiệu quả, như trong quan hệ với Hàn Quốc và đặc biệt là Nhật Bản. Thực vậy, Tokyo dường như không chỉ háo hức tham gia chiến lược tái cân bằng của Washington chống lại Bắc Kinh, mà còn đưa ra một số sáng kiến đáng ngạc nhiên của chính mình.

Đầu năm 2013 và 2014, Tokyo đã công khai ủng hộ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong các cuộc tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

Sự can dự của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông kể từ đó đã được gia tăng về nhiều mặt. Tàu Nhật sẽ cùng với tàu của Hải quân Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra gọi là tự do hàng hải (FONOP) tại vùng biển này – động thái khiến Bắc Kinh phản đối kịch liệt. Trung Quốc trên thực tế khó chịu với cả việc Nhật Bản can dự ngoại giao trong tranh chấp Biển Đông.

Bên cạnh chính sách can dự quân sự của mình tại Biển Đông, Tokyo đã nhất trí cung cấp tàu tuần tra cho một số quốc gia ở đây. Nhật Bản cũng đề nghị hỗ trợ hàng hải, bao gồm cả vũ khí quân sự đã qua sử dụng dành cho Philipines, và Tokyo đã phát triển một loạt các quan hệ an ninh với Indonesia. Khi nói đến Biển Đông, thái độ của Nhật Bản dường như là ủng hộ “bất cứ ai ngoài Trung Quốc”.

Có lẽ điều khiến Bắc Kinh khó chịu nhất là các tham vọng của Tokyo dường như không dừng lại ở Biển Đông.

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục đàm phán một thoả thuận trị giá 1,65 tỷ USD để bán máy bay quân sự đổ bộ cho Ấn Độ và tìm cách tăng cường quan hệ an ninh hàng hải với nước này. Hợp tác an ninh Ấn – Nhật cũng đã phát triển đến mức Giáo sư đại học Columbia Rajan Menon, một chuyên gia hàng đầu về các vấn đề quốc tế, tự hỏi phải chăng một liên minh Tokyo – Delhi đang hình thành. Dù khái niệm về một liên minh chiến lược Ấn – Nhật vẫn chỉ là đang “ở trong trứng nước” nhưng Tokyo chắc chắn đang muốn để ngỏ khả năng này.

Có lẽ không ngạc nhiên khi thấy Nhật Bản muốn một chiến lược cân bằng với Trung Quốc. Cách hành xử của chính Bắc Kinh, trong đó có việc leo thang tranh chấp lãnh thổ với Tokyo tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông, đã khiến các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản ngày càng lo ngại. Bên cạnh đó Trung Quốc đang tăng cường các năng lực quân sự của mình. Hai Sách Trắng Quốc phòng gần đây của Nhật Bản đã “chỉ mặt gọi tên” Trung Quốc là mối đe doạ an ninh.

Nếu không tham gia chiến lược kiềm chế hay cân bằng do Mỹ đứng đầu, Nhật Bản chỉ còn cách kết hợp với Trung Quốc như một đối tác chính trong một khối Đông Á mới. Điều này tất nhiên chẳng thú vị gì đối với giới chóp bu ở “đất nước Mặt trời mọc”. Đặc biệt là khi ông Abe đang nắm quyền.

Một câu hỏi khá gây tò mò là bao nhiêu phần trăm trong cách hành xử kiểu tái cân bằng này của Tokyo là nhằm đáp lại việc Mỹ khuyến khích hoặc gây sức ép, và bao nhiêu phần trăm là kết quả của các sáng kiến độc lập của Nhật Bản?

Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể cũng muốn một câu trả lời cho câu hỏi này. Họ đang phải đối mặt với một mặt trận ngoại giao và quân sự Nhật -  Mỹ thống nhất (và mạnh hơn) nhưng dưới sự kiểm soát an ninh của Mỹ, hay đang phải đối mặt với một Nhật Bản đang áp dụng chính sách kiềm chế đầy tham vọng của riêng mình, phản ánh một lịch trình dân tộc chủ nghĩa có thể hoàn toàn không chịu ràng buộc nào từ Mỹ? Không có bằng chứng rõ ràng cho việc này mà cần theo dõi tình hình thực tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét