Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Nếu TPP chết, châu Á-Thái Bình Dương đi về đâu?

Thái Bình

(TBKTSG) - Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump tuyên bố dứt khoát sẽ rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, 20-1 năm tới. Quyết định “rút lui” của Mỹ sẽ tác động như thế nào đến tương lai của khu vực, đến các nước nhỏ hơn trong cuộc chơi quyền lực của các cường quốc?

Trong một đoạn băng video công bố ngày 21-11, ông Trump đưa ra danh sách 6 “sắc lệnh” mà ông sẽ ban hành trong ngày đầu tiên làm tổng thống; đứng đầu là thông báo rút khỏi TPP.

Quyết định này không bất ngờ vì trong suốt quá trình tranh cử, ông Trump nhiều lần nhấn mạnh rằng, TPP là một “thảm họa” đối với nước Mỹ. Nhưng do ông Trump là một người có tính cách khó đoán, không nhất quán trong các tuyên bố chính trị nên giới phân tích vẫn kỳ vọng rằng, Tổng thống Trump sẽ hành xử khác với ứng cử viên Trump và sẽ thay đổi quan điểm khi đã thực sự ngồi vào ghế quyền lực.

Thất bại chiến lược của Mỹ

Chỉ vài ngày trước, tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Lima, Peru hôm Chủ nhật 20-11, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama còn ra sức trấn an các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương rằng TPP là “một điểm cộng cho kinh tế Mỹ, cho việc làm của người Mỹ” và không phê chuẩn TPP “sẽ xói mòn vị thế của Mỹ ở khu vực”. Ông Obama hy vọng người kế nhiệm mình sẽ thay đổi dần để “thích nghi” với thực tế công việc ở Nhà Trắng; thậm chí ông còn kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc tế hãy cho ông Trump “thêm thời gian”. Bây giờ thì rõ ràng, ông Obama là người đầu tiên phải thất vọng.

Hiệp định TPP có vai trò chiến lược trong ngoại giao của Mỹ, là trụ cột kinh tế trong nỗ lực “tái cân bằng” nhằm khẳng định vị thế của Mỹ, hạn chế ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở khu vực. Hơn thế nữa, TPP không chỉ là một hiệp định tự do thương mại đơn thuần mà gắn kết thương mại với bảo vệ môi trường, quyền của người lao động, sở hữu trí tuệ, cải cách thể chế kinh tế... Đáng tiếc là tinh thần TPP đã bị thảm bại trước phản ứng quyết liệt của cao trào chống toàn cầu hóa, của nền chính trị phân hóa và cực đoan của Mỹ, cũng như trước quan điểm bảo hộ và dân tộc chủ nghĩa của ông Donald Trump.

Dù có 12 nước đã tham gia đàm phán và ký kết nhưng cần để ý rằng, TPP được thiết kế với nước Mỹ là trung tâm, phục vụ chủ yếu cho kinh tế Mỹ, từ sự nhượng bộ của các nền kinh tế đối tác - tất cả đều có quy mô nhỏ và trình độ phát triển kém hơn nhiều so với Mỹ. TPP còn có tham vọng “viết lại luật lệ kinh tế thương mại” của thế kỷ 21, đặc biệt ở khu vực năng động nhất thế giới. Rút lui khỏi TPP, kẻ thiệt hại đầu tiên chính là nền kinh tế Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry than thở: “Chúng ta đã từ bỏ việc bảo vệ các quyền lợi của chúng ta và cổ xúy các giá trị phổ quát; chúng ta đã từ bỏ khả năng của chúng ta trong việc định hình các tiến trình, các sự kiện ở một khu vực có tới hơn một phần tư dân số thế giới - nơi mà lịch sử của thế kỷ 21 đang được viết ra”, theo The New York Times.

Món quà của ông Trump tặng Trung Quốc

Không có TPP, chiến lược “tái cân bằng” của chính quyền Obama coi như “xóa sổ” và kẻ được lợi nhiều nhất hiển nhiên là Trung Quốc. Tạp chí Foreign Affairs cho rằng quyết định rút khỏi TPP của Mỹ là “món quà lớn mà Donald Trump tặng cho Trung Quốc”.

Từ lâu, Bắc Kinh vẫn coi chiến lược “chuyển trục sang châu Á”, bao gồm TPP, là một mưu đồ rõ ràng nhằm kiềm hãm sự tăng trưởng của Trung Quốc, củng cố vị thế thống trị của Mỹ. Trong ý nghĩa đó, “cái chết” của TPP là một thắng lợi “bất chiến tự nhiên thành” của Trung Quốc như nhận định của Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng trường Hành chính công Lý Quang Diệu tại Singapore. “Trong trò chơi quyền lực giữa các cường quốc, việc Mỹ rút ra khỏi TPP là phù hợp với lợi ích chiến lược của Trung Quốc”, BBC nhận định.

Ngay tại hội nghị APEC Peru cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tận dụng cơ hội từ thắng lợi của ông Trump để khuyến cáo các nhà lãnh đạo khu vực rằng “đã đến lúc xây dựng quan hệ đối tác vững mạnh, giải pháp đôi bên cùng thắng (win-win) và các sáng kiến chiến lược”.

Ngay từ khi TPP bắt đầu được thương thảo, năm 2011, Trung Quốc đã khởi xướng đàm phán một hiệp định thương mại tự do, gọi là Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 16 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, gồm 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealand), không bao gồm các nền kinh tế ven bờ Thái Bình Dương ở châu Mỹ.

Tuy được coi là “đối trọng” với TPP nhưng RCEP chỉ tập trung vào tự do thương mại, hạn chế và xóa bỏ rào cản thương mại mà không đặt ra yêu cầu về bảo vệ môi trường hay cải cách thể chế như TPP. Những yêu cầu của RCEP cũng tương thích với nội dung chiến lược “Một vành đai, một con đường” mà Trung Quốc khởi xướng - một chiến lược kéo dài nhiều năm, đầu tư nhiều tỉ đô la nhằm mở rộng thương mại và đầu tư của Trung Quốc ra khắp châu Á, với sự hỗ trợ của các định chế tài chính mới như Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), theo BBC.

Ngày đầu tháng này, một tuần trước khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, quan chức thương mại của 16 nước thành viên RCEP đã gặp nhau đàm phán chi tiết tại Cebu, Philippines nhưng hầu như thế giới bên ngoài chẳng mấy chú ý. Vòng đàm phán kế tiếp của RCEP sẽ diễn ra vào đầu tháng 12-2016 tại Indonesia chắc chắn sẽ được quan tâm nhiều hơn do tuyên bố mới nhất của ông Trump về TPP.

Tại hội nghị APEC Peru, các quan chức cao cấp trong đoàn đại biểu Trung Quốc đã ra sức quảng bá cho RCEP như là một giải pháp thay thế TPP, cũng là giải pháp khả dĩ chống lại chủ nghĩa bảo hộ “Nước Mỹ trước hết” (put America First) của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Song Gouyou, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, nói thẳng: “Vì ông Trump không quan tâm tới hội nhập kinh tế, tự do hóa thương mại thì tại sao các nước khác phải đi theo hiệp định do Mỹ dẫn dắt?”. Tan Jian, thành viên cao cấp của phái đoàn Trung Quốc tại Peru, nói rằng ngày càng có nhiều nước muốn tham gia RCEP và một hiệp định cuối cùng sẽ sớm ra đời để chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.

Lựa chọn nào cho các nước nhỏ?

Việc không có TPP càng làm gia tăng sức hấp dẫn của RCEP trong tình hình tất cả các nước đều muốn đẩy mạnh tự do hóa thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu và tạo công ăn việc làm trong nước. Ba ngày trước khi khai mạc APEC, Ngoại trưởng Peru Eduardo Ferreyros cho biết, mặc dù ông vẫn hy vọng một ngày nào đó, TPP sẽ thành hiện thực nhưng do tình hình biến động khó lường, từ tháng 8-2016, Peru đã chủ động trao đổi với Bắc Kinh về việc tham gia đàm phán RCEP. Chile - một thành viên khác của TPP, cũng đang đi theo con đường của Peru.

Ngay cả Úc và Nhật Bản - hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực, cũng đã biểu lộ xu hướng ngã về RCEP dù trước đây hai nước này tham gia tích cực vào đàm phán TPP, chỉ “giữ chỗ” trong RCEP. Thứ Tư tuần trước, Úc đã lên tiếng muốn đẩy nhanh tiến trình thương thảo RCEP. “Nếu TPP bị hủy bỏ, tất nhiên trọng tâm chú ý sẽ dịch chuyển về phía hiệp định do Trung Quốc dẫn dắt”, Thủ tướng Shinzo Abe nói trước quốc hội Nhật ngay trước khi ông lên đường sang Mỹ gặp ông Donal Trump.

Dù vẫn coi TPP và RCEP là các hiệp định “bổ sung” cho nhau trong việc kiến tạo một thị trường tự do rộng rãi cho các nền kinh tế khu vực nhưng việc không có TPP và sự trỗi dậy của RCEP khiến các nước nhỏ ở châu Á - Thái Bình Dương chỉ còn một lựa chọn không mấy thoải mái với nhiều nước.

Cho đến nay, phần lớn các nước châu Á có xu hướng nghiêng về phía Mỹ, khai thác thị trường khổng lồ của Mỹ để hưởng lợi nhuận từ xuất siêu và phát triển thành những trung tâm công nghiệp hùng mạnh. Dù Trung Quốc ngày càng trở thành đối tác thương mại lớn nhất khu vực mà nhiều nền kinh tế nhỏ phải phụ thuộc vào, song cung cách làm ăn của Trung Quốc, cũng như những xung đột về lãnh thổ khiến cho quan hệ với Bắc Kinh luôn trong tình trạng “kính nhi viễn chi”, cảnh giác và thận trọng. Bây giờ, khi Mỹ đã quyết hướng nội và bảo hộ thị trường thì dù muốn dù không các nước nhỏ cũng phải tìm cách thích hợp để củng cố quan hệ với Trung Quốc.

Ngay đến ông Trump bây giờ cũng không còn nhắc tới những cam kết gây sốc thời tranh cử như sẽ liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ hoặc áp thuế trừng phạt lên sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu nữa! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét