Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Chuyện làng bia và Sabeco

Hải Lý

(TBKTSG) - Hai năm trước một tổ chức tín dụng ở TPHCM kiếm hoài mà không thể tìm được người mua khoảng 1,15% cổ phần của Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mà họ đã nắm giữ kể từ khi tham gia IPO nhiều năm trước. Bên bán chào giá 75.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá trúng thầu IPO do cộng thêm lãi suất chừng ấy năm, nhưng một số bên mua trả giá thấp hơn cả giá IPO. Đại diện một tổ chức có ý định mua lúc bấy giờ nói: “Không biết bao giờ Sabeco lên sàn, và quản trị doanh nghiệp vẫn y nguyên như thời còn là quốc doanh. Mua là phải tính “chôn” vốn lâu dài”.

Không bán được khoản đầu tư được cho là không hiệu quả cho đến thời điểm ấy, tổ chức tín dụng nọ “ôm” luôn Sabeco đến nay. Giờ thì họ đã có thể “ăn ngon ngủ yên” với khoản đầu tư gần chín năm kia vì giá Sabeco đang “leo thang” từng ngày trên thị trường OTC nhờ “ăn theo” thị giá Habeco ở UpCom. Đến ngày 5-11-2016 giá mua bán Sabeco trên thị trường tự do đã đạt 130.000 đồng/cổ phiếu, nâng giá trị vốn hóa doanh nghiệp lên 83.400 tỉ đồng, gần 3,6 tỉ đô la Mỹ.

Nhà nước không còn là cổ đông chi phối?

Khoảng hai năm sau ngày IPO, cuối năm 2009 Sabeco cán mức doanh thu gần 16.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.600 tỉ đồng (bằng một phần hai doanh thu và bằng hơn một phần ba lợi nhuận sau thuế dự kiến năm nay), nhưng hai chỉ tiêu ấy không cứu nổi giá cổ phiếu của doanh nghiệp bia chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam. Đến giữa năm 2010, giá cổ phiếu Sabeco trên OTC còn tầm hơn 40.000 đồng. Một số tổ chức đã mua vào, kể cả một đối thủ nặng ký của tổng công ty.

Cho đến đầu năm nay thị giá Sabeco mới về lại mức giá IPO và đến tháng 3-2016 nó dần tiến về mốc 80.000 đồng sau nhiều năm lưu lạc ở vùng đáy. Diễn biến giá tỷ lệ thuận với những thông tin cập nhật về khả năng thoái vốn nhà nước. Đầu tiên đại diện Sabeco cho biết Nhà nước có thể bán hơn 50% cổ phần tại đây để giảm tỷ trọng từ 89% hiện tại xuống 36%. Sau đó cơ quan chủ quản Bộ Công Thương đề cập đến khả năng có thể thoái vốn nhà nước làm hai, hay nhiều đợt và Nhà nước không còn là cổ đông chi phối. Đây mới thực sự là điều thị trường chờ đợi.

Một số tổ chức ngoại đã bày tỏ ý định mua số lượng lớn cổ phần Sabeco như Heineken, Anheuser-Burch, SABMiller, Asahi, Kirin... Họ kỳ vọng nhiều ở sự thay đổi quản trị doanh nghiệp khi lãnh đạo tổng công ty không còn do Nhà nước bổ nhiệm. Không phải chỉ là vị thế hay thị phần đang dẫn đầu của Sabeco, mà thay đổi quản trị doanh nghiệp mới là điều kiện tiên quyết để giới đầu tư xuống tiền.

Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm

Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, đến cuối năm 2015 có bốn ông lớn thống lĩnh thị trường bia Việt: Sabeco chiếm thị phần 40%, Heineken NV 25%, Habeco 18%, bia Huế 7% (100% vốn của Carlsberg), còn lại 10% là của các hãng khác.

Heineken rõ ràng còn kém xa Sabeco về thị phần, nhưng trong các năm 2012-2015 tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR - Compounded Annual Growth Rate) của doanh nghiệp này đạt mức 14%, trong khi của Sabeco là 6,4%, của Habeco 4,1% (trung bình ngành 4,5%). Bản Việt cho biết tỷ lệ tăng trưởng kép của Heineken chủ yếu đến từ sản phẩm Tiger bất chấp sự sụt giảm mức tiêu thụ của một số nhãn hiệu cao cấp khác. Trong nửa đầu năm nay, Heineken NV lại thông báo mức tăng trưởng doanh thu hai con số và sự lấn sân về thị phần nhờ Tiger.

Heineken có một hệ thống phân phối rất hiệu quả. Không giống như Sabeco hay Habeco, Heineken kiểm soát được việc chuyển giá của khoảng 250 nhà phân phối và bán lẻ, đảm bảo các nhà phân phối có mức lợi nhuận biên khoảng 3-4%. Nhờ đó công ty tránh được sự cạnh tranh về giá giữa các nhà phân phối. Cùng lúc hệ thống của công ty được thiết lập để đảm bảo các nhà phân phối tập trung vào các địa phương mà họ được định sẵn, thay vì lấn sân của nhau. Trong các năm 2009-2015 doanh số của các nhà phân phối của Heineken tăng 2,3 lần, đồng thời công ty cũng chứng kiến sự cải thiện 23% việc giao hàng thẳng từ nhà phân phối đến nhà bán lẻ, không qua chi nhánh trung gian, giúp giảm đáng kể chi phí phân phối.  

Tất nhiên một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu, thị phần còn là quảng cáo, tiếp thị mà chúng tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác.

Sabeco sẽ “bùng nổ” nếu...

Một sự thay đổi căn bản cơ cấu cổ đông có thể dẫn đến bước chuyển biến mạnh mẽ trong quan điểm kinh doanh, quản trị doanh nghiệp cũng như tối đa hóa sức cạnh tranh để bỏ xa hơn nữa các đối thủ phía sau của Sabeco.

Trong khi Heineken chỉ có năm nhà máy sản xuất bia, Habeco có 15, thì Sabeco có tới 24 (16 ở phía Nam và 8 ở phía Bắc, miền Trung). Sự phân bổ các nhà máy rộng khắp nước là chìa khóa để hạ giá thành vận chuyển, phân phối. Việc có được giấy phép để xây dựng các nhà máy mới không hề dễ dù những đối thủ khác đổ vốn vào.

Hệ thống phân phối của Sabeco không giống của Heineken. Kênh phân phối của Sabeco do Sabeco Trading đảm nhiệm và đơn vị này phân phối tới các chi nhánh vùng, có quan hệ với 1.200 nhà phân phối (gấp gần 5 lần số lượng của Heineken). Một sự cải thiện công suất cũng như sự linh hoạt trong hệ thống phân phối có thể đẩy tăng trưởng doanh thu của Sabeco lên mức hai con số không kém Heineken.

Trong 18 tháng qua, Sabeco đang “bành trướng” ra phía Bắc, “gặm nhấm” thị phần của Habeco với dòng sản phẩm cao cấp như bia Saigon Special. Theo Nielsen, thị phần của Sabeco ở phía Bắc tăng từ xấp xỉ 10% năm 2014 lên gần 14% năm 2015 và 15,5% trong nửa đầu năm 2016.

Ở phân khúc bia cao cấp, gồm chiếu trên và chiếu dưới, Heineken đang phải chật vật cạnh tranh với Sapporo, Budweiser, Desperado ở chiếu trên, thì tại chiếu dưới Saigon Special đã phần nào lấy lại ít nhiều vị thế với Tiger. Ở phân khúc giữa Saigon Lager, 333 và bia chai Saigon Export đang chiếm trọn ưu thế. Theo Pomegranate Asia, tiêu thụ bia ở miền Nam Việt Nam chiếm 59%, ở miền Trung 6% và ở miền Bắc 35%. Tính theo kiểu nào, từ phân khúc sản phẩm đến vị trí địa lý, Sabeco vẫn vượt trội.

Từ ăn no mặc đủ đến ăn ngon mặc đẹp

Cái gì khiến đối tác chiến lược, đối thủ, giới đầu tư tài chính và cả nhà đầu tư nhỏ lẻ “nhòm ngó” Sabeco? Đó chính là một nền tảng có sẵn nhiều lợi thế. Tuy nhiên cái nền tảng ấy sẽ vẫn chỉ là mảnh đất màu mỡ “ngủ yên” nếu chủ nhân của nó lao động cầm chừng với tâm lý đủ ăn là được!

Nhưng từ ăn no mặc đủ đến ăn ngon mặc đẹp là cả một quá trình lao động khổ ải. Nhà nước đâu cần vừa trực tiếp điều hành, vừa quản lý Sabeco. Nếu sau thoái vốn, Sabeco kinh doanh tốt hơn, Nhà nước thu được nhiều thuế hơn mới là chuyện đáng nói.

Với vốn điều lệ 6.413 tỉ đồng, EPS chín tháng đầu năm 5.532 đồng/cổ phiếu, Sabeco có khả năng đạt lợi nhuận sau thuế 4.800-5.000 tỉ đồng năm nay (Báo cáo tài chính hợp nhất quí 3-2016 của Sabeco). Trong vòng 1-2 năm tới, nếu vẫn không tăng vốn, lợi nhuận sau thuế của tổng công ty sẽ có thể bằng vốn điều lệ, và giá trị vốn hóa thị trường sẽ không chỉ 3-4 tỉ đô la Mỹ. Khi niêm yết, Sabeco sẽ có tên trong danh sách những cổ phiếu có tác động đến chỉ số VN-Index hàng ngày. Về mặt kỹ thuật, sức cầu cổ phiếu Sabeco sẽ không thấp.

Triển vọng trên của Sabeco là một nhân tố kích thích nhà đầu tư tổ chức, cá nhân tham gia các đợt thoái vốn của Nhà nước. Cơ hội ngân sách thu được hàng tỉ đô la Mỹ là có thật. Nhưng trước hết Nhà nước cần sớm công bố một lộ trình thoái vốn với ngày giờ, tỷ lệ cụ thể. Niềm tin không thể đứng mãi trên bờ chỉ có hai từ chung chung “thoái vốn”.

Sức tiêu thụ bia ở Việt Nam được kỳ vọng tăng 4-5%/năm trong vòng năm năm tới. Mỗi năm có khoảng 1 triệu người Việt Nam đủ 18 tuổi, độ tuổi có thể uống bia. Hơn nữa giới trẻ Việt Nam ngày càng có xu hướng đến các nhà hàng, quán ăn, tham gia tiệc tùng - những nơi có sức tiêu thụ bia mạnh.

Xu hướng dịch chuyển dân cư từ nông thôn về thành thị vẫn chưa dừng lại. Hiện dân cư ở đô thị chiếm 34% tổng dân số. Dân cư thành thị tiêu thụ bia cao hơn 1,6 lần so với khu vực nông thôn theo khảo sát của Heineken Việt Nam.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang ngày một tăng. Mức độ chi tiêu của người dân cho ăn uống, trong đó có bia, cũng nhờ đó mà được nâng lên.

Năm 2015 người Việt tiêu thụ gần 3,8 tỉ lít bia, bình quân 41 lít/người/năm, cao hơn mức tiêu thụ bình quân đầu người của Thái Lan, Đài Loan và Singapore nhưng thấp hơn của Nhật và Hàn Quốc.

(Nguồn: Canadean và Công ty Chứng khoán Bản Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét