Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

Vì sao doanh nghiệp tư nhân mãi èo uột?

Tư Hoàng

(TBKTSG Online) – Khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày càng èo uột cho dù hệ thống luật pháp được thiết kế cho họ là tương đối tốt. Vì sao? Các chuyên gia hàng đầu Việt Nam mổ xẻ thực trạng này tại một hội thảo về kinh tế tư nhân tại Hà Nội ngày 4-10.

Không thể lạc quan tếu

Nhìn nhận về thực trạng kinh tế tư nhân Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, không thể lạc quan tếu.

Ông Doanh dẫn chứng, trong suốt cả thập kỷ qua, khu vực doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chỉ đóng góp hơn 11% GDP; trong khi kinh tế hộ gia đình đóng góp hơn 33% GDP.

Kinh tế hộ gia đình chỉ đóng góp 2% thu ngân sách, nhưng cơ quan thuế phải dùng đến 24% lực lượng để thu thuế.

Ông nói: “Kinh tế hộ gia đình là giai đoạn quá độ… nhưng nó không lớn lên được và không muốn lớn”.

Theo Luật Doanh nghiệp, hộ gia đình sử dụng trên 10 lao động phải đăng ký nhưng theo ông Doanh, có những hộ gia đình thuê hàng trăm lao động nhưng không chuyển đổi.

Ông nói: “Họ có quan hệ tốt với phường, quận, cung cấp kinh phí chiêu đãi, giao lưu và không nộp thuế”.

Theo giáo sư tiến sĩ Nguyễn Mại, tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ lên tới 95% số doanh nghiệp cả nước, và năng lực cạnh tranh thì rất yếu

Ông phân tích, vì thiếu tư duy hệ thống nên các giải pháp hỗ trợ cho họ như giảm thuế 5% là “nhỏ giọt”. Phải có tới 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay không có lãi, mà giảm thuế 5% thì làm sao giúp được họ.

Ông Mại cho biết, theo các biểu đồ thuế ông tự xây dựng, trong giai đoạn 2010-2014, lợi nhuận của doanh nghiệp lúc lên lúc xuống, và giảm nhất năm 2013, nhưng thuế thì luôn luôn tăng. “Họ thua lỗ vẫn đè ra bắt nộp thuế”, ông nói.

Theo chuyên gia Võ Đại Lược, hiện nay doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam quá còi cọc, trong khi doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, kém hiệu quả và doanh nghiệp FDI phát triển thực khi chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu.

“Doanh nghiệp tư nhân cực yếu và nguy cơ ngày càng kém đi chứ không phát triển lên. Tất cả các đại gia của Việt Nam hầu như không có đại gia công nghiệp mà toàn là bất động sản. Vậy doanh nghiệp nào cạnh tranh với tư bản nước ngoài đây? Doanh nghiệp nhà nước thì nắm toàn bộ quyền không cần cạnh tranh với ai. Doanh nghiệp tư nhân thì còi cọc. Hộ gia đình thì khỏi phải bàn. Nếu không vực dậy được doanh nghiệp tư nhân thì chúng ta sẽ lụn bại”, ông Lược nói.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét, nhìn vào hệ thống luật pháp cho doanh nghiệp tư nhân thì có cải thiện, nhưng tư duy chưa thay đổi.

Bà Lan nói, nhìn vào luật thì khá ngon lành nhưng quá trình đổi mới không đồng bộ. Nhà nước cho phép khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhưng vẫn dựa vào khu vực doanh nghiệp nhà nước, vẫn coi đó là chủ đạo và phân bổ 50% nguồn lực quốc gia dù doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 0,2% số lượng.

Nhà nước vẫn kiểm soát thị trường, tăng đầu tư công để doanh nghiệp nhà nước làm, nên dù luật hay đến mấy thì doanh nghiệp tư nhân cũng không phát triển được.

Bà Lan nhận xét, Nhà nước đang lạm quyền, độc quyền, không thực hiện đúng vai trò của mình là giám sát. Thật may mắn, bà nhận xét, đa phần doanh nghiệp tư nhân là tự mưu sinh, và phát triển được do nhu cầu tự thân, dù bị chèn ép đến mấy.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận xét, loài người đã nói đến kinh tế tư nhân từ bao thế kỷ nay, mà bây giờ Việt Nam mới xác nhận kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng”.

“Thể chế nào, thì doanh nghiệp ấy. Nền kinh tế Việt Nam hiện đang có vấn đề lớn về cơ cấu nguồn lực. Mất 30 năm rồi mà thể chế kinh tế thị trường chưa được hoàn thiện.

Ông Thiên đặt câu hỏi: “Có phải là chậm hoàn thiện hay là có cái gì đó chúng ta tự đặt ra để nó chậm hoàn thiện không?”, và khuyến nghị, một định hướng lớn cho cả dân tộc cần phải được giải thích một cách tường minh.

Ông nhận xét, Việt Nam theo kinh tế thị trường nhưng lại không hiểu cốt lõi của kinh tế thị trường là giá cả. Tuy nhiên, các loại giá cả cơ bản nhất là giá đất, giá năng lượng, tiền lương, giá vốn lại không thị trường tí nào.

Ông nhận xét, với tỷ giá như thế này, sản xuất nội địa không hề được khuyến khích, chỉ khuyến khích nhập khẩu. “Động lực cho tư nhân để sản xuất nội địa là vô cùng yếu. Từ giá vốn chúng ta thiết kế nền tảng chính sách trói khu vực tư nhân. Kinh tế tư nhân trong nền kinh tế của chúng ta lại thụt lùi lại là do chể chế".

“Tầm nhìn thời đại là quan trọng nhất nhưng tại sao chúng ta không nhìn ra được?”, ông đặt câu hỏi.

Theo chuyên gia Nguyễn Kế Tuấn, phải đến năm 2001 thì khu vực kinh tế tư nhân mới được công nhận là động lực của kinh tế đất nước, và 15 năm sau mới được thêm 2 chữ “quan trọng”.

“Việc đổi mới tư duy không kịp, tư tưởng giáo điều, duy ý chí kéo dài cho đến ngày hôm nay…”, ông nói.

Ông cho rằng, cản trở khu vực tư nhân phát triển đến từ chính Nhà nước. Những doanh nghiệp nhỏ, vừa, yếu thế thì bị phân biệt đối xử, tiếp cận nguồn vốn, đất đai, tín dụng khó khăn.

Ông cắt nghĩa: “Nguyên nhân chính từ Nhà nước chậm đổi mới nền kinh tế thị trườngt. Nhà nước đóng vai trò kép, là nhạc trưởng cho sự phát triển nền kinh tế, nhưng mặt khác thì Nhà nước chính là chủ sở hữu nền kinh tế nhà nước. Nhà nước không thể nào tự lấy đá ghè chân mình”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét