Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

“Tối hậu thư” cho Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tư Hoàng

(TBKTSG Online) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Chính phủ thêm bốn ngày để hoàn thành các thủ tục và chỉnh lý nội dung của dự luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), một khoảng thời gian rất gấp trước khi chấp nhận trình ra kỳ họp Quốc hội dự kiến khai mạc vào 21-10 tới.

Chốt lại phiên thảo luận về dự luật này tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 6-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Anh Dũng ạ (Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư), các anh có bốn ngày. Đến 10-10 có đủ hồ sơ thì (chúng tôi) đưa vào quy trình báo cáo ra Quốc hội”.

Bà Ngân nói thêm chiều nay: “Nếu không kịp ngày 10-10 tới, thì chúng ta phải cho ra khỏi chương trình kỳ họp”.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói thêm: “Dự luật phải làm cho khoa học, nếu làm tốt từ nay đến 10-10, có đủ báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, có báo cáo đánh giá tác động, Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức, nếu thấy đủ điều kiện thì chậm nhất là 10-10 phải gửi đại biểu Quốc hội…”.

Nhận xét trên của hai lãnh đạo Quốc hội cho thấy, cơ hội để cho dự luật được trông chờ này được đưa ra kỳ họp Quốc hội tới là rất khó khăn do Chính phủ phải xem xét, hoàn thiện lại rất nhiều nội dung của dự luật trong vòng chỉ có 4 ngày tới.

Ông Hiển nói: “Nếu không (chỉnh sửa lại dự luật), phải thực hiện đúng nguyên tắc (của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Có rất nhiều điều phải sửa, mâu thuẫn ghê gớm. Không cẩn thận luật này ra bị lợi dụng thì thiệt hại lớn cho ngân sách, không thể nào khắc phục kịp thời đâu”.

Bà Kim Ngân than phiền, đến 11 giờ đêm qua mới nhận được hồ sơ, và chỉ kịp đọc báo cáo tóm tắt, báo cáo thẩm tra. “Chúng ta phải đảm bảo chất lượng của nội dung luật, nếu nghiên cứu không kỹ thì trình ra Quốc hội sẽ hời hợt, chất lượng không đảm bảo”.

Trong phiên thảo luận sáng nay, tất cả các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ hội góp ý đều đồng ý về sự cần thiết về dự luật này, và ủng hộ Chính phủ, song đều đưa ra những phê phán gay gắt.

Ông Phùng Quốc Hiển cho biết, dự án luật không tạo được sự đồng thuận của các bộ.

Ví dụ, ông Hiển nói, Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định nêu hầu hết các vướng mắc, bất cập nằm ở khâu triển khai thực hiện chứ không phải từ cơ chế chính sách hay chưa có luật hỗ trợ; và Chính phủ có thể ban hành nghị định mà không cần ban hành luật.

Bên cạnh đó, theo ông Hiển, Bộ Tài chính hầu như bác bỏ các điều khoản liên quan đến hỗ trợ, ưu đãi về thuế; Ngân hàng Nhà nước đề nghị bỏ các quy định hỗ trợ thông qua việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ; Bộ Công Thương cho rằng, nếu áp dụng các biện pháp “hỗ trợ” như dự thảo thì không đảm bảo các quy định của các cam kết hội nhập, có thể bị các nước kiện ra WTO.

Giải trình với Ủy ban Thường vụ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Sau khi Chính phủ họp Thủ tướng có quyết định, thì văn bản hôm nay là ý kiến cuối cùng của Chính phủ. Các bộ nào phát biểu khác đều không có ý nghĩa”.

Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận việc chuẩn bị chậm dự án luật.

Ông giải thích: “Việc chuẩn bị chậm là có, nhưng là do cách tổ chức thực hiện làm luật của ta chưa tốt. Chúng tôi đã thành lập ban soạn thảo, mời họp nhiều lần các ngành liên quan. Nhưng các bộ cử người không đúng, nay cử người này, mai người khác, chủ yếu mang tính soi xét xem có ảnh hưởng đến bộ mình không, chứ không mang tính xây dựng”.

Ông Dũng nói: “Chính sách để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển, tạo động lực cho phát triển thì không ai nói đến chuyện đó, dù là chủ trương lớn của đất nước. Cách làm không đến nơi đến chốn, không trách nhiệm, dù chúng tôi làm công phu, mất nhiều công sức. Vì thế, việc đã đẩy lên Thủ tướng, Phó thủ tướng”.

Ông Dũng nói thêm: “Chậm do khách quan, nhận thức của các bộ ngành, thiếu và yếu”.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nói đầy cảm xúc: “Tôi thiết tha, luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp, xin tiếp thu các ý kiến của hôm nay, Chúng tôi tiếp tục chỉnh sửa vì chậm ngày nào là thiệt thòi cho cộng đồng doanh nghiệp ngày ấy”.

Đại diện của VCCI và Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng thiết tha xin Thường vụ Quốc hội cho dự luật vào chương trình kỳ họp Quốc hội tới đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét