TTTG - Dự kiến kinh phí bồi thường thiệt hại là 12.100 tỷ đồng, trong khi tiền bồi thường của Formosa Hà Tĩnh là 11.500 tỷ đồng, như vậy, số tiền phải huy động từ ngân sách và nguồn khác để bù vào là 600 tỷ đồng.
Ngày 5/10, Bộ NN&PTNT hoàn thành đề án xác định thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ, khôi phục, phát triển sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Theo đề án của Bộ NN&PTNT, kinh phí thực hiện đề án bồi thường thiệt hại được dự kiến là 12.100 tỷ đồng.
Trong khi kinh phí bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (gọi tắt là Formosa) là 11.500 tỷ đồng. Như vậy, số tiền phải huy động từ nguồn ngân sách và nguồn khác để bù vào là 600 tỷ đồng.
Cụ thể như sau: Kinh phí bồi thường thiệt hại 6.500 tỷ đồng; kinh phí xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo môi trường biển 500 tỷ đồng; phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, rạn san hô, thảm cỏ biển 920 tỷ đồng.
Kinh phí thành lập quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh 300 tỷ đồng; kinh phí để thực hiện các chính sách: 2.280 tỷ đồng.
Cùng đó, dự phòng kinh phí bồi thường thiệt hại: 1.000 tỷ đồng; kinh phí để thực hiện các chính sách: 500 tỷ đồng; kinh phí hành chính thực hiện đề án: 100 tỷ đồng.
Toàn bộ kinh phí bồi thường của Công ty Formosa sẽ được giải ngân và quyết toán trước ngày 31/12/2016.
***
Những con số thiệt hại
• Số tàu thuyền khai thác hải sản (có lắp máy) của bốn tỉnh là 16.444 chiếc, với khoảng 50.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp và 176.334 người phụ thuộc.
• Số tàu khai thác hải sản không lắp máy phải nằm bờ là 5.262 tàu bị ảnh hưởng với trên 13.150 lao động trực tiếp không có việc làm và không có thu nhập.
• Sản lượng hải sản khai thác ở vùng biển trong 20 hải lý bị thiệt hại ước tính khoảng 3.200 tấn/tháng.
• Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch.
• Trên 3.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã thả giống bị ảnh hưởng (do không lấy nước kịp), trong đó có trên 350 ha nuôi tôm bị chết rải rác.
• Có 3.218 lồng nuôi cá bị chết tương đương 1.000 tấn cá.
• Giá bán các sản phẩm hải sản giảm mạnh, trung bình từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm hải sản từ thị trường của bốn tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hải sản đã hạ giá bán, thậm chí chấp nhận bán lỗ nhưng vẫn khó tiêu thụ trên thị trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét