VNN - Không gắn tên tuổi với các “Học thuyết” an ninh, đối ngoại riêng như những người tiền nhiệm, Tổng thống Obama chỉ nói ngắn gọn “Nước Mỹ sẽ tiếp tục can dự, nhưng chúng ta để ngỏ tất cả các khả năng” sau khi thỏa thuận hạt nhân với Iran được ký kết năm 2015.
Vượt qua gánh nặng thừa kế
Năm 2008, ông Obama lên nắm quyền trong bối cảnh nước Mỹ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính với quy mô và mức độ nghiêm trọng kể từ cuộc khủng hoảng 1929 - 1933.
Ở bên ngoài, nước Mỹ đang phải cùng lúc can dự vào “2 cuộc chiến tranh rưỡi”. Đó là cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan và cuộc chiến chống khủng bố. Chỉ tính ở Afghanistan và Iraq, số quân cam kết của Mỹ và liên quân vào thời điểm 2008 là khoảng 250.000 người, còn chi phí trực tiếp và gián tiếp cho hai cuộc chiến lúc này đã hơn 2.000 tỷ USD, vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế.
Chính sách ngoại giao đơn phương trong suốt 8 năm của chính quyền Bush, đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên, sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự, xem nhẹ các nỗ lực ngoại giao và vai trò của Liên hợp quốc đã làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh và lợi ích của Mỹ. Hệ quả là các nước Hồi giáo xa lánh, đồng minh nghi ngại, còn bạn bè lo lắng, trong khi danh sách các nước “thù địch”, “không hữu hảo” với Mỹ ngày một dài thêm.
Do đó, nhiệm vụ trọng tâm về đối ngoại ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama là khắc phục các sai lầm của chính quyền cũ, xây dựng hình ảnh một nước Mỹ mới với một số trọng tâm như sau:
Thứ nhất, thực thi chính sách đối ngoại đa phương tích cực; củng cố các thiết chế đa phương mà Mỹ có ảnh hưởng, vai trò và lợi ích; lắng nghe nhiều hơn các bạn bè, đồng minh, đặc biệt là các nước Hồi giáo; sử dụng tối đa công cụ ngoại giao và các công cụ khác để đạt các mục tiêu đối ngoại; đi đầu trong một số vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống khủng bố…
Thứ hai, hạn chế can thiệp bằng vũ lực ở bên ngoài, rút toàn bộ lính làm nhiệm vụ chiến đấu tại Iraq và Afghanistan; đóng cửa nhà tù Guantanamo sau một năm cầm quyền;
Thứ ba, xây dựng lòng tin với các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu; củng cố và nâng cấp quan hệ với các đồng minh truyền thống; thu hẹp tối đa danh sách kẻ thù thông qua mở rộng quan hệ với các bạn bè và đối tác mới, giảng hòa với các địch thủ cũ;
Thứ tư, tập trung nỗ lực xây dựng một “trật tự pháp lý mới” trên bình diện khu vực và toàn cầu nhằm ngăn chặn tối đa các nước mới trỗi dậy phá vỡ trật tự hiện hành, tạo ra các bất ổn mới;
Thứ năm, chú trọng thúc đẩy các lợi ích kinh tế, thương mại của Mỹ ở bên ngoài thông qua việc đàm phán xây dựng các thỏa thuận thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác Thương mại, Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), các hiệp định thương mại tự do song phương…
Các dấu ấn đối ngoại
Khỏi phải nói việc người Mỹ và thế giới đã hồ hởi ra sao khi đón nhận làn gió mới từ việc ông Obama trở thành chủ Nhà Trắng và mau chóng thực thi khẩu hiệu “Sự thay đổi mà nước Mỹ cần”. Không khó để nhận thấy nhiều kết quả tích cực mà chính quyền Obama đã kiên trì theo đuổi.
Ngay khi lên cầm quyền, ông Obama đã xúc tiến kế hoạch rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Iraq vào ngày 21/10/2011. Tuy nhiên, tình hình Afghnistan phức tạp hơn và chính quyền Obama không thực hiện được kế hoạch rút quân hoàn toàn vào năm 2014 như đã dự tính. Mỹ hiện vẫn duy trì khoảng 10.000 quân, chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện ít nhất là đến giữa năm 2017, để đảm bảo không có các bất ngờ về an ninh tại đây trong quá trình chuyển giao quyền lực sau Obama, đặt việc “thu dọn chiến trường” Afghanistan lên vai Tổng thống mới.
Tiếp theo là Thỏa thuận Paris trong Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu. Thỏa thuận này được 195 nước thông qua tại Paris ngày 12/12/2015 và sau đó được ký tại Liên hợp quốc ngày 22/4/2016. Đây là một thỏa thuận quốc tế hết sức phức tạp, trải qua nhiều vòng thương lượng cam go với mục tiêu giảm lượng khí phát thải vào bầu khí quyển, chủ yếu từ Mỹ, Trung Quốc, các nước công nghiệp và đang phát triển hàng đầu thế giới, nhằm ngăn chặn nhiệt độ trái đất nóng lên.
Bên lề cấp cao Hội nghị G-20 tại Hàng Châu ngày 3/9/2016, Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký phê chuẩn, mở đường cho việc thực thi Thỏa thuận này, vốn được coi là một trong những dấu ấn thành công nhất về đối ngoại trong suốt 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.
Thứ ba là Thỏa thuận hạt nhân với Iran và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ với các cựu thù từ thời Chiến tranh lạnh. Với Iran, quan hệ hai nước bị gián đoạn kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979 và vụ sinh viên Iran xông vào Đại sứ quán Mỹ bắt các con tin sau đó và hiện vẫn chưa được nối lại.
Dưới thời Obama, chính quyền Mỹ tích cực thúc đẩy và đưa đến việc Iran ký Thỏa thuận hạt nhân với 6 cường quốc khác vào tháng 7/2015. Thỏa thuận này sẽ làm chậm lại tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran khoảng 15 năm và để đổi lại giúp dỡ bỏ một phần cấm vận kinh tế, đưa Iran từng bước hội nhập với khu vực và thế giới.
Còn với Cuba, việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba được bắt đầu từ ngày 20/7/2015, mở đường cho việc dỡ bỏ hoàn toàn các trừng phạt kinh tế, thúc đẩy cải cách và phát triển kinh tế của Cuba cũng như mở ra cho Mỹ các cơ hội đầu tư, thương mại, du lịch,… ở Cuba.
Bên cạnh đó, Chiến lược tái cân bằng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương và duy trì quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc. Châu Á - Thái Bình Dương từ lâu được xác định là khu vực trung tâm của thế giới cũng như định hình sức mạnh của Mỹ trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, phải dưới thời chính quyền Obama, khi sự trỗi dậy, quyết đoán của Trung Quốc và mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ tại khu vực ngày một rõ ràng, cộng với những đánh giá mới về tiềm năng khu vực, chính sách quay trở lại, tìm cách gắn kết chặt hơn các lợi ích kinh tế, chiến lược của Mỹ với khu vực mới được thúc đẩy mạnh mẽ.
Nhìn chung, chính sách của chính quyền Obama trong cả 2 nhiệm kỳ khá gắn kết và quyết đoán, từ việc củng cố liên minh với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines; tăng cường sự hiện diện về quân sự; củng cố và xây dựng các thiết chế kinh tế, chính trị, an ninh như TPP, Cấp cao Đông Á (EAS), APEC; mở rộng quan hệ với bạn bè và đối tác mới… Những điều đó đã giúp Mỹ khẳng định vị thế không thể thiếu và không thể bị thay thế ít nhất từ 20-30 năm tới.
Mặt khác, trong khi tìm cách ngăn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, xây dựng tập hợp lực lượng mới trong khu vực có thể đe dọa tới lợi ích của Mỹ, các đồng minh thì Mỹ vẫn tìm cách duy trì quan hệ mang tính xây dựng, mang lại lợi ích chung, đặc biệt là các vấn đề toàn cầu.
Còn đó những trở ngại
Mặc dù để lại dấu ấn, nhưng thành tích đối ngoại của ông Obama không khỏi có những tranh cãi nhất định.
Thứ nhất, việc rút quân sớm khỏi Iraq và Afghanistan tuy giúp Mỹ giảm gánh nặng nhưng đã làm cho các chính quyền tại đây không kịp chuẩn bị đối phó với các thách thức an ninh mới. Cụ thể, tại Afghanistan, lực lượng Taliban đã xuất hiện trở lại và tấn công chính quyền tại 32/34 tỉnh. Còn tại Iraq, khoảng trống quyền lực đã giúp IS nhanh chóng mở rộng địa bàn, sức mạnh và ảnh hưởng tại cả Syria và Iraq, khiến chính quyền Obama buộc phải quyết định ném bom và sử dụng biệt kích tại Syria, tăng quân Mỹ huấn luyện cho quân đội Iraq…
Thứ hai, quan hệ với Nga tuy có một số tiến triển trong nhiệm kỳ nhưng lại xấu đi nhanh chóng bởi hàng loạt sự kiện như Crimea, MH17 bị bắn rơi, xung đột tại Syria… Điều này khiến Nga ngày 3/10 vừa qua rút khỏi thỏa thuận xử lý chất Plutonium trong các đầu đạn hạt nhân cũ với Mỹ và đẩy quan hệ Mỹ - Nga đến mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, không loại trừ nguy cơ xung đột quân sự quy mô nhỏ sau nhiệm kỳ của ông. Sự xấu đi trong quan hệ Mỹ - Nga đang đẩy Nga xích lại gần Trung Quốc hơn bao giờ hết trong hàng loạt vấn đề mà Trung Quốc và phương Tây đang có những khác biệt.
Thứ ba, ngay cả các thỏa thuận mà chính quyền Obama coi là thành tích cũng tạo ra những tranh cãi gay gắt giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa. Các thỏa thuận như Thỏa thuận Paris, Thỏa thuận hạt nhân Iran, vấn đề bình thường hóa quan hệ với Cuba… đều có thể bị lật lại bất cứ lúc nào khi phe Cộng hòa thắng thế.
Cuối cùng, quan hệ Mỹ - Trung cũng có thể chuyển trạng thái bất kỳ lúc nào do sự nghi kỵ và nền tảng lòng tin yếu, bất chấp việc các lợi ích kinh tế hai bên đang ngày càng gia tăng.
Là một siêu cường, nhưng việc đánh giá, xử lý các thách thức và những vấn đề đặt ra cho đối ngoại của Mỹ chưa bao giờ là dễ dàng. Song, việc ông Obama đảm bảo được an ninh trong nước trước các nguy cơ khủng bố, ổn định ở bên ngoài, tránh lao vào các cuộc phiêu lưu mới tốn kém, hơn nữa, lại tạo thêm công ăn việc làm, duy trì đà tăng trưởng kinh tế Mỹ trong bối cảnh thế giới ngày một bất trắc quả là một kỳ tích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét