Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Từ á quân FDI đến thiên đường ô nhiễm

Hồ Quốc Tuấn

(TBKTSG) - Nằm trong tốp 5 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là á quân Đông Nam Á về thu hút FDI (theo số liệu của FDI Intelligence - một bộ phận của Financial Times chuyên về FDI), Việt Nam hưởng lợi nhiều từ nguồn vốn FDI và không ít nghiên cứu thừa nhận FDI là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Á quân FDI và một nền kinh tế gia công, lắp ráp

Thu hút FDI được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá thành công của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều báo cáo kinh tế cuối năm. Nguyên nhân quan trọng là các doanh nghiệp FDI tạo ra công ăn việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu và góp phần quan trọng trong cân bằng cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.

Tác giả Bùi Trinh đã phân tích giá trị gia tăng hàng nông nghiệp và công nghiệp của Việt Nam trong bài viết Số liệu tăng trưởng GDP có vấn đề? (TBKTSG số ra ngày 18-8-2016), qua đó thấy rằng tỷ trọng giá trị gia tăng giảm từ 34,7% trong năm 2000 xuống còn 21,7% trong năm 2013. Tác giả kết luận “tình hình sản xuất công nghiệp của Việt Nam ngày càng mang tính gia công, lắp ráp một cách toàn diện”. Trong cùng giai đoạn đó, tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tăng từ hơn 40% lên hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nói cách khác, với thành tích thu hút FDI, Việt Nam hiện tại đang trở thành một nền kinh tế gia công, ngày càng phụ thuộc vào khu vực kinh tế FDI. Vì vậy, cạnh tranh thu hút FDI với các nước láng giềng luôn được Chính phủ quan tâm đặc biệt và mở ra nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI.

FDI và thiên đường ô nhiễm

Bên cạnh các lợi ích kinh tế tạo ra, các doanh nghiệp FDI cũng tạo ra không ít thách thức cho nền kinh tế mà những sự cố ô nhiễm môi trường như Vedan trong quá khứ và Formosa gần đây là một cảnh báo. Còn nhiều nữa những câu chuyện khác như một công ty do người nước ngoài đại diện vứt heo chết ra thượng nguồn sông Sài Gòn. Việt Nam đang từng bước (chứ không còn là có nguy cơ nữa) trở thành thiên đường ô nhiễm như là một hiệu ứng phụ của việc tiếp nhận đầu tư FDI một cách thiếu kiểm soát. Một số quốc gia xuất khẩu các dự án ô nhiễm của họ như là “một gói dịch vụ đính kèm” với nguồn vốn đầu tư sang nước khác, chẳng hạn như Trung Quốc. (Xem bài Thiên đường ô nhiễm từ FDI Trung Quốc trên TBKTSG Online ngày 6-6-2016).

Tất nhiên không phải tất cả các doanh nghiệp FDI đều mang lại hiệu ứng tiêu cực. Vấn đề là khả năng sàng lọc dự án của ta. Việc cấp phép, kiểm tra và giám sát các dự án FDI đang tỏ ra thiếu hiệu quả. Qua các bê bối về môi trường kể trên, các cơ quan giám sát đã để lọt những “con voi” rất to, mà nguyên nhân có khi là những con voi đó chui lọt qua những “lỗ kim” còn lớn hơn chúng.

Lấy tiền của dân để trợ giá doanh nghiệp FDI

Chi phí tuân thủ bảo vệ môi trường thấp là một nguyên nhân quan trọng khiến những doanh nghiệp FDI xấu chọn Việt Nam. Thế nhưng còn một nguyên nhân quan trọng hơn là các doanh nghiệp FDI hưởng ưu đãi rất lớn khi đầu tư vào Việt Nam. Có lãnh đạo đã tuyên bố là vì có ưu đãi về thuế như thế này, thế kia nên doanh nghiệp mới chọn đầu tư vào một địa phương.

Chẳng những vậy, doanh nghiệp FDI còn được Nhà nước trợ giá dưới nhiều hình thức khác nhau. Như chuyện Formosa được hoàn thuế 13.000 tỉ đồng. Trong bài viết Xung quanh chuyện hoàn thuế của Formosa (TBKTSG số ra ngày 18-8-2016), tác giả Vũ Thành Tự Anh đã chỉ ra rằng Formosa đã tận dụng triệt để các khe hở từ các quy định của Việt Nam để tối đa hóa ước lượng mức thiệt hại của mình. Liệu Formosa có thể làm như vậy hay không nếu các cấp lãnh đạo không có tư duy ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, sẵn sàng cứng rắn với họ như với những người buôn bán nhỏ ở Việt Nam? Phải chăng vì tư duy ưu đãi thu hút đầu tư nên trong những chính sách hoàn thuế, đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư nước ngoài, người thiết kế chính sách cho đến người thực thi đều có tâm lý dễ dãi cho các doanh nghiệp FDI?

Nghịch lý đáng buồn ở đây là Việt Nam đang sử dụng tiền thuế của dân để đền bù thiệt hại cho một công ty gây tổn hại môi trường của Việt Nam. Nghịch lý này xuất phát từ thực tế là sự phụ thuộc vào gia công- lắp ráp hàng xuất khẩu buộc Chính phủ phải thu hút đầu tư nước ngoài để duy trì tăng trưởng kinh tế. Ưu đãi doanh nghiệp FDI đã không chỉ tạo ra một môi trường cạnh tranh bất bình đẳng giữa khối kinh tế FDI với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, mà nó còn triệt tiêu nguồn lực hạn hẹp mà Chính phủ có thể dùng để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thay vì thu được thuế để đưa vào hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn tiền đó đã quay vào trợ giá cho doanh nghiệp FDI. Hàng hóa do họ sản xuất vì vậy đủ sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế, nhưng cái mà Việt Nam nhận được có thể không đủ bù đắp cho chi phí cơ hội mất đi.

Không thể thu hút FDI bằng mọi giá: đừng dừng lại chỉ ở lời nói

Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương không thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá, nhưng thực tế là không đẩy mạnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài thì rất khó duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại. Muốn có một đột phá mạnh trong môi trường kinh doanh và đầu tư để nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp FDI tốt tìm đến mà không cần phải ưu đãi, trợ giá quá mức cần phải có thời gian và quyết tâm.

Trong giai đoạn chuyển tiếp này, Chính phủ cần sàng lọc lại các dự án FDI và siết chặt tất cả các khâu cấp phép dự án cho đến khâu giám sát. Mất đi một số dự án FDI xấu và đi kèm là những lợi ích kinh tế là khó tránh khỏi. Nếu Chính phủ thực sự quyết tâm thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào FDI và xuất khẩu hàng gia công, lắp ráp thì phải chấp nhận một sự hy sinh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đó là một con đường không hề dễ dàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét