(TBKTSG Online) - Cam kết “liêm chính và kiến tạo phát triển” Chính phủ sẽ có quan điểm như thế nào về Thông tư 20, cũng như hàng loạt các vướng mắc khác trong môi trường kinh doanh?
Thông tư 20 - chỉ còn chờ Chính phủ
Rốt cuộc, kiến nghị của Bộ Công Thương nhằm kéo dài tinh thần của Thông tư 20 đã gặp phản ứng “tẩy chay” từ các bộ ngành khác. Trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 18-8, Bộ Công Thương - dù đề nghị Thủ tướng giao Bộ này “bãi bỏ” văn bản này - vẫn thòng thêm 2 điều kiện đáng chú ý.
Thứ nhất, không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014. Thứ hai, giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì... ban hành sớm các quy định trong nước “có tác dụng tương đương Thông tư 20”, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hai đề nghị này nhằm kéo dài tinh thần của Thông tư 20 để bảo hộ cho một số doanh nghiệp sản xuất ô tô nước ngoài và tước đoạt quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ lẻ cũng như người tiêu dùng Việt Nam.
Hai đề nghị này đến nay có xu hướng không được sự ủng hộ của các bộ, ngành liên quan. Với đề nghị thứ nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lắc đầu. Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đang được lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bỏ điều kiện ‘Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô’ khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2014, cùng với 66 điều kiện khác.
Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng rõ ràng chẳng liên quan gì đến quốc phòng, an ninh quốc gia, đạo đức xã hội, như điều 7 Luật Đầu tư quy định, mà phải đặt điều kiện. Bỏ đi là đúng đắn. Tuy nhiên, do dự luật trên đã bị Quốc hội từ chối đưa vào chương trình nghị sự cuối năm nay, nên đến bây giờ chưa rõ số phận của điều kiện kinh doanh này.
Đề nghị thứ hai của Bộ Công Thương về các quy định áp dụng ở khâu đăng ký lưu hành, hay bảo dưỡng sửa chữa để “có tác dụng tương đương” Thông tư 20 cũng bị Bộ Giao thông Vận tải đã phớt lờ.
Trong dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, cơ quan soạn thảo là Cục Đăng kiểm Việt Nam đã loại bỏ hai giấy phép gây quan ngại nhất là Giấy chứng nhận chất lượng xuất xưởng của nhà sản xuất, và Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng khỏi hồ sơ đăng ký lưu hành cho ô tô nhập khẩu. Bên cạnh đó, đề xuất “phải có trạm bảo hành chính hãng”, như Bộ Công Thương đề nghị, cũng không xuất hiện trong bản dự thảo.
Dù các kiến nghị của Bộ Công Thương đã bị loại bỏ trong các dự thảo văn bản pháp lý thuộc lĩnh vực của hai bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Giao thông Vận tải, thì chưa khẳng định các kiến nghị sẽ tiếp tục được bỏ khi các văn bản này được thông qua. Quan trọng hơn, hiện nay Thông tư 20 vẫn còn có hiệu lực.
Có vô vàn “thông tư 20”
Thông tư 20 chỉ là một văn bản rất nhỏ cấp bộ gây tốn biết bao nhiêu công sức, giấy mực trong suốt 5 năm qua, một khoảng thời gian quá dài. Đến Thủ tướng cũng phải dành ít phút nói về Thông tư này trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua. Thậm chí, người phát ngôn Chính phủ đã phải hai lần ra thông cáo Thủ tướng “chưa quyết định” về Thông tư 20 trong các cuộc họp báo Chính phủ tháng 7 và 8 vừa rồi. Vì sao một văn bản cấp bộ bị xã hội phản đối, đi ngược lại tinh thần thị trường tự do và xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng mà khó bỏ đến vậy? Đâu là tinh thần “liêm chính” và “kiến tạo phát triển?
Nói rộng ra, hàng loạt các rào cản, bức xúc của người dân và doanh nghiệp - tương ứng với các điều kiện kinh doanh các bộ ngành đặt ra trong các thông tư cấp Bộ - có được gỡ bỏ khi Chính phủ xây dựng tới 50 nghị định để phù hợp với Luật Đầu tư hồi cuối tháng Sáu vừa qua? Liệu việc thông qua dồn dập tới 50 nghị định, điều chưa từng có trong lịch sử lập pháp của Việt Nam, có giúp gỡ bỏ những điều kiện kinh doanh gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp và người dân?
Trả lời câu hỏi này không dễ vì số điều kiện kinh doanh, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính lên đến 5.826, một con số quá lớn. Vì thế, các nơi liên quan, như Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Đầu tư, cần thời gian để rà soát. Mà đó mới chỉ là số điều kiện kinh doanh có thể thống kê được vì có liên quan tới 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, chứ chưa kể những điều kiện kinh doanh vẫn đang được lồng ghép vào các thông tư cấp bộ, hay các văn bản chỉ đạo cấp xã. Tuy nhiên, những điều kiện kinh doanh gây bức xúc nhất cho cộng đồng doanh nghiệp vẫn y nguyên.
Chẳng hạn, Nghị định 73 trong ngành giáo dục quy định các trường quốc tế chỉ được tuyển tối đa 20% học sinh Việt Nam (trường trung học phổ thông không quá 20%, trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10%) bị đánh giá là phi thực tế. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục cấp phép phải 4 bước là xem xét chủ trương, đầu tư, thành lập trường và đủ điều kiện là cực kỳ sách nhiễu. Theo thống kê, hiện có hơn 110.000 học sinh Việt Nam du học ở 47 quốc gia, và người Việt Nam chi khoảng gần 3 tỉ đô la Mỹ để có được nền giáo dục quốc tế mỗi năm. Vậy mà điều kiện này vẫn được giữ nguyên.
Nghị định 60 hướng dẫn in thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông soạn quy định doanh nghiệp in không được hợp tác với các cơ sở in khác. Nghị định 23 thuộc lĩnh vực của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng. Nghị định 52 về kinh doanh dịch vụ bảo vệ yêu cầu khi doanh nghiệp thay đổi người quản lý và các chức vụ chủ chốt thì phải phải thông báo bằng văn bản đến các cơ quan có thẩm quyền, hay phải có địa điểm ổn định từ một năm trở lên... Hay các điều kiện kinh doanh về gas, thủ tục về kiểm tra formaldehyde, khai báo hóa chất thuộc Bộ Công Thương đến nay vẫn y nguyên sau đợt rà soát. Dù Bộ này gần đây đã lên tiếng sẽ gỡ bỏ các quy định này, nhưng từ lời nói đến hành động vẫn còn xa.
Liệu với hệ thống luật như vậy, người dân và doanh nghiệp sẽ biết dựa vào đâu để làm ăn kinh doanh? Với mục tiêu trở thành liêm chính và kiến tạo phát triển, Chính phủ sẽ xử lý vấn đề này như thế nào? Đó là chưa kể đến việc thực thi pháp luật đang rất tùy tiện, gây nhiều khó khăn và rủi ro cho đầu tư, kinh doanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét