SOHA - Mệnh lệnh ông Duterte mới ra cho Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khiến giới phân tích không khỏi băn khoăn: Liệu Manila có chuyển hướng chính trị?
Ngừng tuần tra chung trên biển Đông
Hôm qua, 13/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tìm mua các thiết bị phục vụ cho cuộc chiến chống ma túy - phiến quân nổi dậy từ các nhà cung cấp Nga và Trung Quốc.
Trước nay, Philippines đều nhập các thiết bị cần cho cuộc chiến chống ma túy từ các nhà cung cấp tại Mỹ và các đồng minh của Washington ở châu Á như Hàn Quốc. Vì thế, mệnh lệnh này đã làm nảy sinh nhiều đồn đoán.
WaPo cho rằng đây là động thái báo hiệu một sự thay đổi lớn trong quan hệ giữa Philippines và đồng minh lâu năm - Mỹ.
"Tôi muốn có vũ khí và đạn dược... Chúng ta không cần tiêm kích F-16, thứ đó chẳng có ích lợi gì với chúng ta", ông Duterte nói trước các sĩ quan Không lực Philippines, "Chúng ta không định giao tranh với bất cứ nước nào. Hãy tự hài lòng với những chiếc máy bay cánh quạt mà ta có thể sử dụng để chống quân nổi dậy".
Chưa hết, ông Duterte còn tuyên bố: Philippines sẽ ngừng hoạt động tuần tra trên biển Đông cùng Hải quân Mỹ, để tránh làm mất lòng Bắc Kinh. Thay vào đó, Tổng thống Philippines cho biết, quân đội nước này sẽ tập trung chống ma túy và khủng bố.
Trong bài phát biểu, lãnh đạo Philippines đề nghị các sĩ quan chuẩn bị đối mặt với một thách thức mới. Không phải là nguy cơ tranh chấp trên biển Đông mà là cuộc chiến chống ma túy và phiến quân.
Trước đó, hôm 12/9, Duterte nói rằng ông muốn quân đội Mỹ rời khỏi Mindanao, nơi đặt một căn cứ quân sự chiến lược. Sau đó 1 ngày, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Philippines đồng loạt lên tiếng trần tình cho phát ngôn của Tổng thống.
Theo người đại diện của các cơ quan này, ông Duterte nói vậy chỉ vì lo cho sự an toàn của các binh lính Mỹ. Tuy nhiên, những phát ngôn của Tổng thống Philippines còn nói lên nhiều điều hơn thế. Bản thân ông Duterte cũng khẳng định: Philippines không cắt đứt quan hệ đồng minh nhưng sẽ "theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập".
Sự "độc lập" này có lẽ ám chỉ tới quan hệ phụ thuộc vào Mỹ.
"Chỉ có Trung Quốc mới giúp chúng tôi"
Philippines đã duy trì mối quan hệ thân cận với Mỹ trong nhiều thập kỷ. Vậy mà giờ đây, ông Duterte lại muốn chuyển hướng sang phía những đối thủ chiến lược của Washington. "Tôi không thích người Mỹ. Đó đơn giản là vấn đề nguyên tắc đối với tôi", ông Duterte nói.
Kể từ khi lên nắm quyền vào 30/6, ông Duterte tỏ ý muốn tách mình khỏi Mỹ. Và nếu trở thành sự thật, điều này sẽ dẫn tới sự thay đổi trong cán cân chiến lược của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện thời, không có sự thay đổi nào lớn lao và quan trọng hơn dự tính chuyển hướng chính trị khỏi Mỹ của ông Duterte. Mặc dù chưa chắc ông Duterte đã chấm dứt hiệp ước quân sự với Mỹ nhưng ông đang đứng trước nguy cơ khiến quan hệ hai bên tổn hại, Angelica Mangahas, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Albert del Rosario tại Manila, nhận định.
Trong một thời gian dài, cả Washington và Manila đều nỗ lực thúc đẩy quan hệ đồng minh để giữ thế đối trọng với Trung Quốc. Thậm chí hai bên còn tăng cường hợp tác quân sự thông qua thỏa thuận năm 2014, một mắt xích quan trọng trong chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương của ông Obama. Từ tháng 4, hai nước đã bắt đầu tuần tra chung trên biển Đông.
Đây vốn là một trong những sáng kiến ngoại giao chủ chốt của cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, người chủ trương tìm sự hậu thuẫn của Mỹ để đối đầu với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp trên biển Đông.
Đầu năm nay, hai nước cũng đồng ý triển khai hàng nghìn binh lính Mỹ tới 5 căn cứ chiến lược của Philippines. Về vấn đề này, phát ngôn viên của ông Duterte khẳng định, ông vẫn sẽ tiến hành thỏa thuận.
Theo số liệu của trung tâm phân tích RAND, trong khoảng 2002 tới 2013, Mỹ đã chi 441 triệu USD để đầu tư an ninh cho Philippines. Chỉ tính riêng năm nay, chính quyền Obama đã dành khoản tiền kỷ lục 120 triệu USD để viện trợ quân sự cho Manila.
Không rõ, lãnh đạo Philippines có nhớ tới những con số này không, nhưng gần đây, ông Duterte không tiếc lời ca ngợi Bắc Kinh "hào phóng", khi nước này đề nghị xây các trung tâm phục hồi sau nghiện cho Manila.
"Chỉ có Trung Quốc mới giúp chúng tôi", ông Duterte nói, "Mỹ sẽ chỉ trao cho anh những nguyên tắc, luật lệ, ngoài ra không có gì khác".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét