VNN - Có tin Washington sẵn sàng đưa ra một đề nghị “có đi có lại” với Moscow….
Mỹ đã hết lựa chọn ở Syria và chính quyền Obama đang ngày càng thất vọng. Đó là đánh giá của các nhà phân tích khó tính nhất ở Nhà Trắng về chính sách tại Syria trong khi có tin Washington sẵn sàng đưa ra một đề nghị “có đi có lại” với Moscow: hợp tác chống khủng bố để đổi lại một cam kết của Nga ngăn chặn Tổng thống Syria Bashar al-Assad tấn công phe đối lập.
Tin tức về đề nghị trên đã được đăng đầu tiên trên tờ Washington Post, trích dẫn một tài liệu dày 8 trang tiết lộ kế hoạch tương tác mật thiết hơn giữa các lực lượng quân đội Mỹ và Nga đang hoạt động trên bầu trời Syria.
Theo tài liệu trên, một Nhóm Tác chiến hỗn hợp (JIG) sẽ được thành lập, có thể đặt trụ sở tại thủ đô Amman của Jordan, gồm các sĩ quan quân sự, quan chức tình báo, luật sư và nhân sự hậu cần của Mỹ và Nga. Những người này sẽ thu thập các thông tin tình báo chống lại nhóm Mặt trận al-Nusra và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Thông tin giữa hai nước sẽ được trao đổi và dựa trên đó để có hành động chung nếu các đại diện của Nga và Mỹ nhất trí rằng cần tấn công mục tiêu đang được điều tra.
Đổi lại một nỗ lực chống khủng bố đồng bộ hơn ở Syria, Nga đảm bảo với Mỹ rằng quân đội Syria sẽ đáp máy bay của mình tại các khu vực nhất định. Tất cả các chiến dịch quân sự của Syria ngoài các vùng đã định sẽ được thông báo cho JIG để nhóm hỗn hợp Nga – Mỹ này giám sát các chiến dịch của mình và xác nhận rằng ông Bashar al-Assad tuân thủ các quy định về thông báo.
Dù Nga và Mỹ đã thiết lập các đường dây nóng để trao đổi và thông tin cho nhau về vị trí của mình trên thực địa, nhưng một trung tâm chia sẻ thống tin và khả năng tấn công chung chưa bao giờ được thảo luận một cách nghiêm túc trước đây. Một trong các chướng ngại của quan hệ đối tác này là việc Nga kiên định ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al –Assad, người mà chính quyền Obama liên tiếp đòi phải từ chức, cũng như việc Nga ném bom các nhóm mà Mỹ gọi là ôn hòa trong cuộc chiến tại Syria.
Chiến thắng của Nga
Nga đã hy vọng một phái bộ hỗn hợp từ khi bắt đầu chiến dịch không kích của mình tại Syria tháng 9/2015. Bằng việc nhất trí ủng hộ Nga, qua đó gián tiếp hỗ trợ các lực lượng trung thành với ông Assad, Mỹ sẽ buộc phải thừa nhận ông Assad là Tổng thống của Syria, điều mà ông Putin vẫn khẳng định.
Về phần mình, trong khi thận trọng phối hợp mật thiết hơn với Nga và các đồng minh của Nga, chính quyền Obama hy vọng rằng một thỏa thuận như vậy có thể gây sức ép lớn hơn với IS – tổ chức đã mở rộng địa bàn hoạt động khủng bố ra toàn cầu chỉ trong hai năm qua – và giúp giữ các máy bay Nga không tấn công các nhóm dân quân mà Mỹ ủng hộ trong khu vực.
Ông Putin đã đề nghị ông Obama tiến hành một cuộc thảo luận rộng rãi hơn về vấn đề chống khủng bố tại Syria hồi năm ngoái. Nếu ông Obama quyết định trao cho ông Putin điều mà ông ấy đề nghị, việc thiết lập một trung tâm điều khiển chiến dịch chung sẽ được coi là một chiến thắng của Tổng thống Putin trên trường quốc tế và đặt Nga trở lại vị trí của mình trước đây.
Lựa chọn bất đắc dĩ
Các nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ chắc chắn sẽ phản đối hợp tác quân sự và phối hợp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người – đúng ra mà nói – đã biến Syria thành sân chơi của riêng mình, nơi các hệ thống vũ khí và đạn dược mới của Nga được đem ra thử nghiệm trước sự chứng kiến của toàn thế giới.
Bên cạnh đó là sự phản đối mạnh mẽ ở Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ và giới tình báo. Mọi kế hoạch chia sẻ thông tin với người Nga bị một nhóm bè phái lớn trong chính phủ Mỹ cho là giống với một phần thưởng cho cái mà họ gọi là cách hành xử xấu của Nga trên bầu trời Syria.
Chỉ có một cơ quan duy nhất trong bộ máy an ninh quốc gia Mỹ ủng hộ đề xuất trên, đó là Hội đồng An ninh Quốc gia, cơ quan trực thuộc Nhà Trắng và luôn có vấn đề với Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.
Lý do khiến Mỹ vẫn tỏ ra lạnh nhạt với Nga là vì đến giờ này người Nga vẫn có tiếng nói có trọng lượng với chính quyền Assad hơn là Mỹ. Quan điểm cứng rắn của Nga là chính quyền Assad tiếp tục tại vị là điều không phải bàn. Nhưng Tổng thống Obama phải miễn cưỡng với chính sách tiếp tục can thiệp sâu hơn của Mỹ trong cuộc nội chiến ủy nhiệm và mang tính phe phái ở Syria vì thực tế là nếu chính quyền Assad bất ngờ sụp đổ sẽ giúp Mặt trận al-Nusra và IS càng rảnh tay hơn.
Có thể JIG khó được thành lập trong một sớm một chiều. Nhưng nếu hai bên cùng nỗ lực hướng tới mục tiêu này, đây sẽ là một cơ hội thực sự để khép lại một trong những chương đẫm máu nhất của một cuộc nội chiến đến nay đã quá kinh hoàng.
Dù việc đứng về phía Nga có thể không phải là kết cục tốt nhất đối với Mỹ, nhưng trong bối cảnh mọi khả năng khác đều không khả thi thì giải pháp này có thể có đem lại hy vọng lớn nhất về một ngày mai tươi sáng hơn và một đất nước Syria hòa bình, ổn định hơn trong tương lai./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét