TTTG - Trong văn bản của mình Phương Trang đề nghị ngân hàng xây dựng trả lời nếu Phương Trang trả hết số nợ 3.436 tỷ đồng thì ngân hàng có trả lại tài sản hơn 14.000 tỷ đồng mà ngân hàng đang giữ hay không?
Theo một nguồn tin của TBKTSG Online, hiện tại trên cơ sở các chứng cứ để giải ngân đối với các hồ sơ vay của nhóm công ty Phương Trang thì số nợ cả gốc lẫn lãi tại Ngân hàng Xây dựng là 9.500 tỷ đồng.
Thế nhưng Phương Trang nói chỉ nợ hơn 3.400 tỷ đồng.
Thế chấp chủ yếu là dự án bất động sản
Không những thế, tài sản mà Phương Trang thế chấp ở Ngân hàng Xây dựng cũng là con số hai bên đang tranh cãi.
Hồi cuối tháng 5/2016, Phương Trang đã có văn bản số 38 gửi Ngân hàng Xây dựng Việt Nam; trong đó nêu rõ, công ty này đã thế chấp hàng chục dự án bất động sản, 211 xe khách, và các tài sản khác với trị giá hơn 14.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng để vay vốn đầu tư.
Tuy thế, theo nguồn tin từ phía Ngân hàng Xây dựng, số tài sản này khi định giá trước khi Ngân hàng Xây dựng chuyển đổi thành 100% vốn nhà nước là không đến 7.000 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Xây dựng, trong 5 năm qua Phương Trang chỉ mới thanh toán được hơn 0,3% nợ gốc, các khoản lãi và đa phần nợ gốc đều không thanh toán được.
Vì vậy, theo Ngân hàng Xây dựng, 10 hồ sơ vay lớn nhất với giá trị 3.000 tỷ đồng sẽ được Ngân hàng Xây dựng khởi kiện sớm trong lộ trình thu hồi nợ của ngân hàng.
Nghĩa là nếu tòa án xử Ngân hàng Xây dựng thắng kiện, có quyết định thi hành án, thì ngân hàng này sẽ xử lý tài sản đảm bảo của Phương Trang để thu hồi nợ. Hiện tại tất cả nợ của Phương Trang đều đã ở nhóm 5 (nợ không có khả năng thu hồi).
Những khoản nợ của Phương Trang chủ yếu vay tại thời điểm Ngân hàng Xây dựng còn là ngân hàng Đại Tín (Trustbank), nghĩa là trước năm 2013.
Từ tháng 5/2013, Trustbank sau khi có sự tham gia của tập đoàn Thiên Thanh đã đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng. Và hiện ngân hàng này đã trở thành ngân hàng 100% vốn nhà nước sau khi được NHNN mua lại giá 0 đồng.
Theo Ngân hàng Xây dựng hai bên đã có nhiều cuộc làm việc, tìm cách tháo gỡ khó khăn để Phương Trang có thể trả được nợ, nhưng những nỗ lực này không thành. Nay, để thu hồi nợ, ngân hàng buộc phải khởi kiện.
Phương Trang nói chỉ nợ hơn 3.400 tỷ đồng
Theo một nguồn tin của TBKTSG Online liên quan đến Phương Trang, hiện nay Ngân hàng Xây dựng đang nắm trong tay danh sách hàng chục dự án bất động sản là tài sản thế chấp của Phương Trang; có dự án được thế chấp đến hàng trăm tỉ đồng.
Tuy nhiên phía Phương Trang khẳng định, công ty đã họp và đối chiếu công nợ với Ngân hàng Xây dựng rất nhiều lần dưới sự chứng kiến của cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan thanh tra giám sát và giữa 2 bên.
Kết quả đối chiếu nợ vay ngày 18 và 19-12-2014 và ngày 19-10-2015 đã xác định được dư nợ thực tế của nhóm khách hàng Phương Trang tại Ngân hàng Xây dựng là 3.436 tỉ đồng.
Trong văn bản 38 mà Phương Trang gởi Ngân hàng Xây dựng, Phương Trang cũng nêu rõ: “Ngày 4/4/2016, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước đã có văn bản số 436 chỉ đạo giải quyết các vấn đề của Phương Trang. Tuy nhiên cho đến nay Ngân hàng Xây dựng chưa có cuộc họp nào với Phương Trang cũng như chưa đưa ra được hướng giải quyết lại đi… đổ lỗi cho khách hàng. Trong khi phía Phương Trang đề xuất giải pháp là hoán đổi tài sản bằng sổ tiết kiệm từ năm 2012”.
Phương Trang sẽ khởi kiện Ngân hàng Xây dựng?
Về việc Ngân hàng Xây dựng khởi kiện Phương Trang để đòi số nợ hơn 3.000 tỷ đồng thì trong văn bản số 38 nói trên Phương Trang cho biết việc này được chính công ty đề nghị từ năm 2012 theo đúng quy định của Luật các tổ chức tín dụng để làm rõ số nợ của doanh nghiệp tại ngân hàng.
Cũng trong văn bản này Phương Trang đề nghị ngân hàng xây dựng trả lời nếu Phương Trang trả hết số nợ 3.436 tỷ đồng thì ngân hàng có trả lại tài sản hơn 14.000 tỷ đồng mà ngân hàng đang giữ hay không?
Phương Trang cho biết, với cách làm việc như hiện nay nếu ngân hàng không có sự sửa đổi thì Phương Trang sẽ gửi đơn khiếu nại và khởi kiện ban lãnh đạo mới của Ngân hàng Xây dựng vì để doanh nghiệp tiếp tục gánh chịu những thiệt hại nặng nề cho đến nay.
Nguồn tin này cũng cho biết, dự kiến vào ngày 14/6, Phương Trang và Ngân hàng Xây dựng sẽ có buổi làm việc để giải quyết những khúc mắc giữa hai bên.
***
Theo các chuyên gia thị trường, khó khăn trong tình hình tài chính của Phương Trang không đến từ mảng kinh doanh xe khách, vốn được nhiều người biết đến, mà đến từ các dự án bất động sản.
Việc lãi suất ngân hàng tăng cao trong các năm 2009-2012 trong khi thị trường bất động sản đóng băng đã gây khó cho khả năng trả nợ của Phương Trang.
Một số dự án trọng điểm của FutaLand (Địa ốc Phương Trang) được công bố vào thời điểm đó như New Pearl (192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM) với diện tích 2.200 m2, có giá bán lên đến 90 triệu đồng/m2.
Sau đó là hàng loạt các dự án như The Landmark City, quận 1 (4.261 m2), dự án Quang Thuận, quận Thủ Đức (1,2 ha), Golden Gate, quận 7 (1,9 ha), dự án Han Riverview, Đà Nẵng (1,4 ha) và Khu đô thị mới Futa Cove, Đà Nẵng (120 ha).
Cũng trong các năm gần đây, nhân sự Phương Trang đã liên tục thay đổi.
Theo TBKTSG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét