Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Trung Quốc đưa văn công ra Trường Sa biểu diễn trái phép

Hương Mai

Giao Thông - Trung Quốc đưa một đoàn văn công ra biểu diễn trái phép ở Đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 3/5, nhiều tờ báo Trung Quốc, trong đó có Thời báo Hoàn cầu loan tin việc Trung Quốc đưa một đoàn văn công ra biểu diễn trái phép ở Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bắc Kinh lại “nói một đằng, làm một nẻo”

Vụ việc xảy ra tối 2/5, khi tàu đổ bộ Côn Luân mang số hiệu 998 của Hải quân Trung Quốc cập cảng trái phép trên Đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa, Việt Nam, chở theo đoàn văn công Hải Chính của Hải quân Trung Quốc. Truyền thông nước này “khoa trương” rằng, đây là chương trình nhằm “úy lạo tinh thần" binh sĩ và công nhân xây dựng tại các công trình trái phép của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập.

Tham gia buổi biểu diễn khích lệ tinh thần binh sĩ của đoàn văn công Hải Chính có các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên được cho là nổi tiếng của Trung Quốc như: Lã Kế Hoành, Tống Tổ Anh, Cam Bình, Lã Vi… “Ngày 2/5, Hải quân tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi Trường Sa của Việt Nam). Diễn viên nổi tiếng Hoắc Dũng dạy binh sĩ đồn trú hát Bài hát bảo vệ Nam Sa, Thời báo Hoàn Cầu viết.

Việc đoàn văn công Hải Chính ra Đá Chữ Thập chẳng khác nào một minh chứng thuyết phục việc Bắc Kinh luôn “nói một đằng, làm một nẻo”; Khi mà ở Hội nghị ASEAN - Trung Quốc vừa diễn ra hôm 27/4 tại Singapore, Trung Quốc vẫn khăng khăng “muốn thiết lập hòa bình và ổn định, cũng như tự do hàng hải trong khu vực”, đồng thời hy vọng ASEAN sẽ đoàn kết và trở thành đối tác của Trung Quốc nhằm thúc đẩy đối thoại trong tương lai, như lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tại một cuộc họp báo bên lề Hội nghị.

Động thái trước giờ tòa ra phán quyết

Động thái “úy lạo tinh thần” binh sĩ và công nhân xây dựng trên Đá Chữ Thập của Bắc Kinh được xem là một trong các động thái nhằm tiếp tục leo thang căng thẳng của Trung Quốc, trong bối cảnh Tòa Trọng tài thường trực (PCA) chuẩn bị đưa ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền biển Đông trong vụ Philippines kiện Trung Quốc trong tháng này hoặc tháng 6 tới.

Ông Sean King, Phó giám đốc hãng tư vấn Park Strategies ở New York nhận định: Bắc Kinh sẽ thể hiện sự giận dữ và từ chối công nhận giá trị phán quyết của Tòa thường trực. Còn Giáo sư Thi Ngân Hồng tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nói: “Người ta tin rằng phán quyết sẽ bất lợi cho Trung Quốc” và dự đoán Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách bắt đầu bồi đắp bãi Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham), cách vịnh Subic của Philippines chưa đầy 200 km.

Trước đó, ngày 1/5, hãng tin Reuters cho biết, đội tàu đánh cá tại cảng Tanmen trên đảo Hải Nam (Trung Quốc) đang được hỗ trợ nhiều mặt (từ huấn luyện quân sự, tiền, thậm chí cả nhiên liệu và đá...) trong bối cảnh Trung Quốc thành lập một lực lượng dân quân đánh cá ngày càng tinh nhuệ để tác nghiệp tại biển Hoa Nam (biển Đông).

Reuters cũng dẫn phát biểu của các quan chức địa phương và lãnh đạo các công ty đánh cá rằng, các hoạt động huấn luyện và hỗ trợ bao gồm diễn tập trên biển, đề nghị ngư dân thu thập thông tin về tàu nước ngoài. Ngoài ra, chính quyền địa phương trả tiền để ngư dân tham gia huấn luyện quân sự cơ bản; Hỗ trợ, khuyến khích sử dụng tàu thuyền hạng nặng đóng bằng thép, thay vì bằng gỗ và cung cấp các trang thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu cho ít nhất 50 nghìn tàu thuyền để đảm bảo giữ liên lạc thường xuyên với Hải cảnh Trung Quốc đề phòng trường hợp khẩn cấp như đối đầu với tàu nước ngoài. Thậm chí một số tàu cá còn được trang bị vũ khí nhỏ.

Ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói Trung Quốc không dùng đội tàu đánh cá để giúp thiết lập các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Tuy nhiên, ông Chen Rishen, Chủ tịch Tập đoàn Jianghai cho biết, công ty của ông được Nhà nước hỗ trợ đưa những đội tàu vỏ thép lớn nặng hàng trăm tấn đánh cá gần quần đảo Trường Sa và “nếu một số tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi và cố gắng ngăn cản chúng tôi đánh bắt cá ở đó… thì chúng tôi đóng vai trò bảo vệ chủ quyền”. Đồng thời, một số chuyên gia hải quân và ngoại giao cho rằng, động thái này của Trung Quốc sẽ làm gia tăng những nguy cơ xung đột trên biển Đông.
***

Nhật Bản cho Philippines thuê máy bay quân sự

Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa cho biết đã đạt được một thỏa thuận cho Philippines thuê 5 máy bay huấn luyện TC-90 nhằm tăng cường các hoạt động do thám trên biển Đông, theo Kyodo.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin đã xác nhận thỏa thuận trên trong cuộc điện đàm đêm 2/5. Thỏa thuận này nhằm tăng cường năng lực đảm bảo an ninh biển của Philippines. TC-90 có tầm bay khoảng 1.900 km, gấp đôi tầm bay của máy bay Philippines hiện tại, giúp tăng cường năng lực giám sát trên biển của nước này.

Hai bên đã nhất trí sẽ hoàn tất đàm phán các vấn đề bao gồm phí thuê máy bay để thực hiện thỏa thuận vào cuối năm nay. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là cách Nhật tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á thông qua hợp tác quốc phòng trước các động thái gây căng thẳng trên biển Đông của Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét