Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Cam Ranh - 'ván cờ địa chính trị' của các siêu cường

T.H/Nguồn:Viettimes

Petrotimes - Truyền thông Trung Quốc thừa nhận, trên khắp châu Á và cả thế giới này, thật khó tìm được một hải cảng như Cam Ranh: Trong vẻn vẹn chưa đầy 100 năm, vịnh này đã kịp nằm trong tay cả người Mỹ, cả trong tay Liên Xô.  

Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) ngày 3/5 ghi nhận tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn lớp Mistral Tonnerre đã cập cảng Cam Ranh của Việt Nam. Trong tháng 4, hai khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường của hải quân Nhật Bản cũng đã vào Cam Ranh…

Theo Diplomat, tháng 3/2016, Việt Nam khánh thành cảng quốc tế Cảm Ranh, một hải cảng quốc tế mới có thể đón các chiến hạm nước ngoài. 

Sáng 2/5, tàu Tonnerre (L9014) cập cảng Cam Ranh trong chuyến thăm kéo dài đến ngày 5/5. Chiến hạm Pháp có thể mang tới 16 trực thăng hạng nặng và một phần ba trung đoàn cơ giới với các phương tiện đổ bộ…

Chiến hạm Pháp tiến vào Cam Ranh trước thềm chuyến thăm cấp cao của bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian trong tháng 6 tới và sau đó là chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Pháp Francois Hollande trong năm nay.

Gần như đồng thời với chiến hạm Pháp, tàu thủy văn Nguyên soái Gelovani thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, với thủy thủ đoàn 63 người do thuyền trưởng Dobrenko Vladimir Mikhailovich chỉ huy cũng đã cập cảng quốc tế Cam Ranh.

Những hoạt động dồn dập gần đây tại Cam Ranh đang dần hiện thực hóa dự báo Cam Ranh sẽ trở thành bến cảng của các siêu cường trong bối cảnh địa chính trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương có những biến động sâu sắc. Tháng 11/2015, bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã tới thăm quân cảng Cam Ranh.

Sự xuất hiện của bộ trưởng Quốc phòng Nhật tại Cam Ranh cùng thời điểm chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang một ý nghĩa nhất định.

Nhất là Nhật đã sửa hiến pháp, cho phép quân đội tiến hành các chiến dịch ở nước ngoài, tăng cường hỗ trợ hàng hải cho các nước ven Biển Đông và có thể cùng Mỹ tham gia tuần tra thực thi tự do hàng hải trong khu vực. Nhật Bản cũng đã chuyển giao cho Việt Nam một số tàu tuần cho đối tác Việt Nam.

Tháng 3/2013, bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu thăm Việt Nam và đích thân tới thăm căn cứ hải quân Cam Ranh của Việt Nam cho thấy Nga rất quan tâm tới vị trí chiến lược của căn cứ này của Việt Nam. 

Theo thỏa thuận giữa hai nước, Nga xây dựng cơ sở bảo dưỡng, huấn luyện hạm đội tàu ngầm Kilo bán cho Việt Nam. Bộ trưởng  Shoigu đã tự thị sát những giá trị chiến lược của căn cứ Cam Ranh và khả năng hải quân Nga trở lại Cam Ranh.

Trước đó, ngày 3/6/2012, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đến vịnh Cam Ranh thăm tàu USNS Richard E. Byrd của Mỹ đang được sửa chữa tại đây. Ngay trên vịnh Cam Ranh, ông Panetta khẳng định Mỹ muốn mở rộng, phát triển các mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. 

Đặc biệt, chính phủ Mỹ muốn làm việc với chính phủ Việt Nam trọng tâm về hàng hải, cũng như các vấn đề về Biển Đông. Ông Panetta tuyên bố: “Hôm nay là ngày lịch sử của nước Mỹ. Hôm nay tôi có mặt ở đây để khẳng định mối quan hệ đối tác quốc phòng với Việt Nam”.

Trước giá trị chiến lược của Cam Ranh, Trung Quốc nhìn nhận ra sao? Báo chí Trung Quốc hậm hực rằng, sau chuyến thăm Việt Nam của bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu, quân cảng Cam Ranh vốn đã không chỉ một lần trở thành phần thưởng trong cuộc tranh đấu giữa các đại cường, một lần nữa lại nổi lên trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn.

Truyền thông Trung Quốc thừa nhận, trên khắp châu Á và cả thế giới này, thật khó tìm được một hải cảng như Cam Ranh: Trong vẻn vẹn chưa đầy 100 năm, vịnh này đã kịp nằm trong tay cả người Mỹ, cả trong tay Liên Xô.  

Trong thập kỷ 1960-1970, trong thời gian chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, đây là căn cứ hậu cần lớn nhất của Mỹ trong khu vực. Khi người Mỹ rút quân, tại đây cũng đã thiết lập căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô. Vậy đây là hải cảng như thế nào? Tại sao nó lại có tầm quan trọng như thế?

Cam Ranh nằm ở bờ biển đông nam của Việt Nam, ở chót của doi đất nhô ra Biển Đông. Ngay đối diện, đằng sau nhiều kilômet không gian biển là vịnh Subic của Philippines. Từ Cam Ranh có thể với tay là tới cả eo biển Luzon lẫn eo biển Malacca, hải cảng này nằm trên tuyến đường biển Hongkong-Singapore.

Vịnh Cam Ranh được hai bán đảo bao bọc từ hai mặt, tạo ra một vũng tàu trong và một vũng tàu ngoài tiện lợi. Vũng trong được che chắn tốt cả với gió biển lẫn những con mắt người ngoài. Các hòn đảo nằm ở phần ngoài của vũng như đảo Bình Ba tạo ra vật che chắn tiện lợi, tạo điều kiện cho phòng thủ.

Ngay từ thời còn quân Mỹ đồn trú, ở Cam Ranh đã xây dựng một sân bay và một hải cảng hiện đại. Quân đội Liên Xô có mặt ở đây sau đó còn hoàn thiện hơn nữa toàn bộ cơ sở hạ tầng địa phương, biến Cam Ranh trở thành hẳn một cảng lớn có khả năng tiếp nhận cùng lúc hơn 100 quân hạm có lượng giãn nước gần 10.000 tấn, cũng như các tàu sân bay.

Liên quan đến Nga, mong muốn trở lại Cam Ranh được giải thích bởi một số lý do. Một là, Moscow cần trở lại Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương càng nhanh càng tốt để lấy lại cho mình vinh quang quá khứ khi một lần nữa trở thành cường quốc biển đích thức ở nghĩa đầy đủ của từ này.

Vị trí chiến lược của Cam Ranh và hạ tầng hoàn chỉnh có thể là sự hỗ trợ lớn cho nước Nga khi cho phép Nga bảo vệ các lợi ích địa-chiến lược của mình ở toàn vùng Đông Nam Á. Nếu như Nga thực sự khôi phục được căn cứ hải quân của mình ở đây thì đây sẽ là bước tiến quan trọng nhất trên hướng này.

Thứ hai, việc triển khai một đồn binh Nga tại Cam Ranh sẽ cho phép Nga hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở Nam Á. Điều chẳng còn là bí mật với ai là đa số các nước ở Đông Nam Á nghiêng về Mỹ và thiết lập sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong lĩnh vực quân sự.

Tuy nhiên, bởi lẽ mũi nhọn của chính trị Mỹ vẫn hướng đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực sẽ chỉ có tăng lên. Bởi vậy, Moscow cho rằng, chỉ với điều kiện Nga có chỗ đứng vững chắc ở vịnh Cam Ranh, họ sẽ có lực lượng và khả năng đối kháng với Mỹ ở khu vực này.

Thứ ba, Nga hy vọng bằng cách trở lại Cam Ranh tạo ra cú hích mới cho sự hợp tác giữa Moscow và Hà Nội trong lĩnh vực quân sự, điều đặc biệt quan trọng nếu lưu ý đến tiềm năng hợp tác to lớn trong lĩnh vực mua bán vũ khí.

Quy mô mua bán vũ khí giữa Nga và Việt Nam sẽ chỉ có tăng; có thể, trong tương lai, Việt Nam thậm chí sẽ là khách hàng lớn thứ hai của công nghiệp quốc phòng Nga, sau Ấn Độ.

Nếu nói về chuyện tại sao Mỹ muốn quay lại Cam Ranh, thì ở đây, mọi thứ còn đơn giản và rõ ràng hơn nữa. Như vậy, Mỹ sẽ không chỉ gia tăng sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, mà còn có được khả năng kiềm chế sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực quân sự thậm chí tuyên bố rằng, toàn bộ thực chất của việc triển khai đồn binh Mỹ ở Cam Ranh chính là bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Quan sát bản đồ sẽ thấy các căn cứ quân sự Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản và Pusan, Hàn Quốc hay ở Singapore - tất cả chúng cung cấp cho Mỹ đường tiếp cận đến “các điểm nóng” ở Biển Đông, cho phép cầm giữ cả khu vực trong một nắm đấm.

Tuy nhiên, Cam Ranh còn cho phép làm được nhiều hơn thế: nắm giữ căn cứ ở đây, bạn sẽ kiểm soát được tuyến đường biển then chốt nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Nếu người Mỹ giành được Cam Ranh, thì chuỗi căn cứ hải quân của họ đang kiểm soát Thái Bình Dương sẽ còn trở nên hoàn thiện hơn nữa. 

Bởi vậy, hiện nay, khi mà Mỹ đang khua chiêng gõ mõ om xòm về sự trở lại châu Á của mình, họ không chỉ không thể quên Cam Ranh, mà trái lại họ sẽ thực hiện những hành động ráo riết nhất để giành nó vào tay.

Chỉ trong mấy năm gần đây, với sự trợ giúp của Nga, Việt Nam đã tăng cường đáng kể lực lượng hải quân và không quân của mình, hiển nhiên là hướng ra Biển Đông.

Trong chỉ vài năm qua, Hà Nội đã nhận được từ Nga 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard, cũng như mua sắm tên lửa bờ biển Bastion trang bị tên lửa Oniks.

Chỉ trong một năm 2012, Việt Nam đã mua của Nga tổng cộng 24 máy bay tiêm kích Su-30MKV/Su-30MK2, cũng như 12 tiêm kích Su-27SK/Su-27UBK, trở thành khách hàng mua máy bay Sukhoi lớn nhất trên toàn Đông Nam Á…

Báo chí Trung Quốc tức tối nhận định, Washington khả năng dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí Mỹ cho Việt Nam. Các nhà phân tích khẳng định rằng, đây không chỉ là chuyện lợi ích từ việc bán vũ khí Mỹ. Đối với nước Mỹ dưới thời Obama đã chọn đường lối “xoay trục châu Á”, việc có được Cam Ranh có thể là bộ phận quan trọng nhất của chiến lược quốc gia Mỹ.

Đồng thời, tình thế đó mang lại lợi ích không chỉ có lợi cho Mỹ, mà ở ý nghĩa nào đó là lợi cả cho Việt Nam, bởi lẽ, bằng cách đó, Việt Nam có thể bảo đảm an ninh cho Cam Ranh trong bất kỳ cuộc xung đột nào ở Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét