Cafef - Câu hỏi là khi phát nổ, quả bom này sẽ gây ra khủng hoảng tài chính như ở Mỹ năm 2008 hay tình trạng giảm phát kéo dài như ở Nhật Bản.
Tỷ lệ nơ/GDP chạm mức cao kỷ lục
Theo Financial Times, nợ công Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục là 237% GDP trong quý I năm nay, vượt xa tỷ lệ nợ của các nước đang phát triển khác. Các chuyên gia cảnh báo điều này có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính hoặc tăng trưởng trì trệ kéo dài ở Trung Quốc.
Trước đó, Bắc Kinh đã phải bơm tiền vào hệ thống tín dụng để duy trì tăng trưởng kinh tế, nâng tổng số nợ công lên 163 nghìn tỷ nhân dân tệ (25 nghìn tỷ USD).
Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đang cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác, và tương đương với ở Mỹ và khu vực eurozone. Mặc dù quy mô nợ công Trung Quốc là một nguy cơ lớn, điều đáng lo hơn là tốc độ phình to của khối nợ này. Nợ công Trung Quốc mới chỉ chiếm 148% GDP tính đến cuối năm 2007.
“Những nước lớn có tốc độ nợ công gia tăng nhanh đều gặp phải khủng hoảng tài chính hoặc nền kinh tế trong thời gian kéo dài”, Ha Jiming, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư của Goldman Sachs nhận định.
Theo dữ liệu năm ngoái của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các nước mới nổi có tỷ lệ nợ công trên GDP trung bình là 175%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 249%, tương đương với mức 270% ở eurozone và 248% ở Mỹ.
Bắc Kinh đã cố xoay xở để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn và giảm nợ nhằm ngăn chặn các rủi ro tài chính trong dài hạn. Tuy nhiên, trước nguy cơ hạ cánh cứng, nước này đã buộc phải bổ sung các gói kích thích kinh tế mới.
Các khoản tín dụng mới đã tăng thêm 6,2 tỷ nhân dân tệ trong ba tháng đầu năm 2016, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng theo quý cao nhất từ trước đến nay.
Nền kinh tế Trung Quốc khó mà hấp thụ số tín dụng lớn như vậy trong một thời gian ngắn. Với việc khả năng sinh lời của các dự án mới ngày càng giảm, số vụ vỡ nợ ở Trung Quốc sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới.
Khủng hoảng sẽ giống Mỹ hay Nhật?
Các chuyên gia đều cho rằng sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc đang gặp rủi ro lớn, mặc dù họ vẫn chưa thống nhất về hậu quả khi quả bom nợ công của nước này bùng phát.
Một số chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ gặp phải khủng hoảng tài chính lớn, giống như từng xảy ra ở Mỹ năm 2008 khi các ngân hàng phá sản và làm tê liệt thị trường tín dụng. Trong khi đó, các chuyên gia khác dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào suy thoái như Nhật Bản, khi tăng trưởng trì trệ trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.
Jonathan Anderson, kinh tế gia trưởng của Emerging Advisors Group cho rằng Trung Quốc sẽ rơi vào trường hợp thứ nhất. “Với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện tại, chỉ là vấn đề thời gian trước khi các ngân hàng Trung Quốc cạn vốn. Đến lúc đó, khủng hoảng tài chính là điều không thể tránh khỏi”, Anderson nói.
Một số chuyên gia khác thì tin rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có đủ khả năng để ngăn chặn khủng hoảng. Bằng cách bơm tiền cho hệ thống ngân hàng, PBOC có thể đảm bảo được tính thanh khoản của các ngân hàng, ngay cả khi số nợ xấu đang gia tăng nhanh chóng. Rủi ro của việc làm này sẽ chỉ giống như trường hợp của Nhật Bản: nhiều năm tăng trưởng chậm và giảm phát.
Michael Pettis, giáo sư của Trường Quản lý Guanghua thuộc Đại học Peking cho biết nợ công phình to sẽ gia tăng sức ép tài chính lên người đi vay. Điều này sẽ làm giảm khả năng tăng trưởng trong dài hạn trước khi vỡ nợ thực sự xảy ra.
“Không phải lúc nào nợ công phình to cũng dẫn đến khủng hoảng tài chính. Ví dụ điển hình nhất là Nhật Bản sau năm 1990. Khi nợ công của Nhật Bản tăng quá cao, nước nảy đã rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều năm”, ông nói.
Long Nam
Theo Trí thức trẻ/FT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét