Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Cần minh bạch 2% kinh phí công đoàn

Chiến Thắng

(Dân Việt) Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam cần công khai minh bạch các khoản đã sử dụng từ nguồn kinh phí 2% mà doanh nghiệp đóng từ quỹ lương (làm căn cứ đóng bảo hiểm cho người lao động). Đó là bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy quy định này tốt như thế nào.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sắp công bố kết quả “Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất”. Đây là cuộc bình chọn của cộng đồng doanh nghiệp đối với các quy định pháp luật về kinh doanh được ban hành bởi các cơ quan nhà nước cấp trung ương trong thời gian qua.

Trong số các đề cử “quy định tồi” có quy định “doanh nghiệp phải “đóng tài chính” cho công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Bên đề cử cho rằng khoản tiền 2% từ quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ người lao động là chi phí xã hội rất lớn nhưng không mang lại hiệu quả rõ ràng. Nếu số tiền đó được chủ sử dụng lao động giữ lại thì có thể giúp tăng lương cho người lao động hoặc tăng đầu tư cho tư liệu sản xuất giúp tăng năng suất lao động. Hơn nữa việc yêu cầu doanh nghiệp đóng “công đoàn phí” sẽ làm giảm tính độc lập của công đoàn.

Phản hồi lại những thông tin trên, TLĐ đã gửi công văn đề nghị VCCI dừng việc bình chọn trên, “nhất là bình chọn những quy định không tốt đối với TLĐ”. “Việc bình chọn này đã phủ nhận một quy định tốt cho người lao động mà gần 55 năm qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã quan tâm chăm lo cho người lao động và tổ chức công đoàn” - công văn do Phó Chủ tịch Trần Thanh Hải ký ngày 16-5 nêu rõ (đăng tải trên báo Lao Động – cơ quan ngôn luận của TLĐ)

Theo lập luận của TLĐ, Luật Công đoàn năm 1957, 1990, 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều có quy định về kinh phí công đoàn và quy định này đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những phản ứng của doanh nghiệp quanh khoản trích nộp 2% tạm gọi là “phí công đoàn”. Trong quá trình thảo luận việc sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012, đã có nhiều đề nghị nên bỏ quy định này vì sẽ làm tăng chi phí, tác động không tốt tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Báo cáo tác động của Luật Công đoàn được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lần sửa đổi năm 2012 cũng chỉ ra, nếu quỹ tiền lương của DN chiếm 20% cơ cấu giá thành sản phẩm, khi chi phí tiền lương tăng 2% (do trích phí công đoàn) thì giá thành sản phẩm sẽ tăng khoảng 0,4%.

Về lý thuyết, công đoàn là "một hiệp hội của những người làm công ăn lương có mục đích duy trì hay cải thiện các điều kiện thuê mướn họ". Nghĩa là trên thực tế, họ đứng ở phía đối diện so với giới chủ, doanh nghiệp. Việc bắt doanh nghiệp trích quỹ lương để đóng tài chính cho một tổ chức đối đầu với mình là không hợp lý. Nguồn thu của công đoàn chỉ nên đến từ các thành viên.

Cũng có ý kiến cho rằng, trước đây công đoàn sử dụng phần kinh phí thu được để chăm lo mọi điều kiện cho người lao động, nhưng từ năm 1995 trở lại đây, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng góp phần chăm lo cho người lao động. Theo đại biểu quốc hội Chu Sơn Hà: “Không phải chỉ có công đoàn mới chăm lo cho người lao động. Người lao động, theo nghĩa rộng thì tất cả các tổ chức đều chăm lo.

Thực tế cho thấy, sau khi trích 2% từ quỹ lương, công đoàn cơ sở chỉ được giữ lại một phần, còn lại phải trích nộp cho công đoàn cấp trên. Trước năm 2011, tỷ lệ dành cho công đoàn cơ sở là 50%; năm 2012 là 60%; năm 2013 (sau khi Luật CĐ có hiệu lực) là 65%; năm 2016 là 66%.

Nhưng từ nhiều năm qua, số tiền nộp cho công đoàn cấp trên được chi như thế nào, vào mục đích gì, … thì công đoàn cơ sở và doanh nghiệp – là người nộp tiền, đều không được biết.

Cuộc bình chọn trên, giống như một khảo sát ý kiến của doanh nghiệp. Họ hoàn toàn có quyền bày tỏ suy nghĩ về những quy định mà họ cảm thấy còn bất hợp lý, thậm chí có quyền kiến nghị sửa đổi. Đó là việc làm bình thường.

TLĐ - một tổ chức chính trị, xã hội của giai cấp công nhân và những người lao động, không nhất thiết phải yêu cầu VCCI dừng bình chọn.

Thay vào đó, TLĐ nên công khai việc báo cáo kết quả quản lý, sử dụng tài chính của công đoàn, các khoản do đoàn viên đóng góp được sử dụng vào mục đích gì, hiệu quả ra sao. Đó là câu trả lời rõ nhất chứng tỏ quy định trên tốt như thế nào.

Không có lý gì, một quy định tốt như vậy, lại không được mọi người ủng hộ.
***

Tổng liên đoàn phản ứng hơi vội vàng

Liên quan tới những phản ứng của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về việc VCCI đưa quy định doanh nghiệp phải đóng cho công đoàn (CĐ)  2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH” là “chính sách tồi”, trao đổi với Danviet, TS. Phạm Thị Hằng – Tổng thư ký Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết,  hiện vẫn chưa có danh sách chính thức.

TS. Phạm Thị Hằng  cho biết: “Nội dung này không phải do VCCI bình chọn mà là kiến nghị của doanh nghiệp và cộng đồng, VCCI chưa có danh sách 10 chính sách tồi nhất”.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Phát chế (VCCI) cũng khẳng định, việc Tổng liên đoàn lao động có “phản ứng” lại trên cơ quan truyền thông là hơi vội vàng vì văn bản của VCCI gửi chỉ là trao đổi nội bộ giữa VCCI và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. 

Ông Tuấn cho biết, trong chương trình bình chọn các văn bản tốt và tồi trong năm 2015 gồm các giai đoạn sau: Giai đoạn đề cử (VCCI đã nhận được 9.927 lượt đề cử); Chấm điểm quy định dựa trên theo hệ thống tiêu chí đã được xây dựng (10 tiêu chí của văn bản pháp luật tốt bao gồm: tính cần thiết, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tính minh bạch, chi phí tuân thủ, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu và thời điểm ban hành).

Sau đó, hội đồng chuyên gia mà VCCI thành lập sẽ đánh giá độc lập các đề cử, các thông tin chấm điểm quy định để đưa ra ý kiến của mình. Tiếp đến, ban tổ chức sẽ gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, tổ chức chủ trì soạn thảo, ban hành… (Văn bản mà Tổng liên đoàn lao động nhận được nằm trong giai đoạn này). Tiếp sau đó mới tới giai đoạn gửi lấy ý kiến bình chọn của toàn bộ các hiệp hội doanh nghiệp và công bố công khai để các doanh nghiệp, người lao động bỏ phiếu bình chọn và cuối cùng là giai đoạn xử lý thông tin và công bố kết quả.

“Như vậy, công văn xin ý kiến quy định về 2% phí công đoàn mà Tổng Liên đoàn lao động nhận được là giai đoạn 4, đây chưa phải là "list" danh sách tồi nhất, top 10 văn bản tốt nhất hay tồi nhất theo bình chọn của doanh nghiệp và như kết quả mà dự án mong muốn có được”, ông Tuấn khẳng định. 

Theo ông Tuấn, giai đoạn 4 này được thiết kế là để đảm bảo tính đa chiều, khách quan của cuộc đánh giá. Đề cử mà VCCI nhận được từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp (thông thường từ thực tiễn thi hành) mới phản ánh một góc nhìn, VCCI rất mong muốn có được các ý kiến phân tích từ các khía cạnh khác, có thể cơ quan soạn thảo không chỉ cân nhắc đến lợi ích của doanh nghiệp mà còn lợi ích khác của người lao động, người dân, trật tự xã hội…. Những thông tin mà các bộ, ngành, tổ chức cung cấp sẽ được gửi kèm, cung cấp đầy đủ trong giai đoạn bình chọn sau này.

Trước đó, VCCI đã gửi công văn tới một số bộ, ngành, trong đó có cả Tổng liên đoàn lao động. Nội dung công văn nêu rõ, chính sách này bị đề cử là chính sách tồi bởi 3 lý do sau: Thứ nhất, người đề cử cho rằng công đoàn là tổ chức tự nguyện của người lao động nhưng lại yêu cầu người lao động đóng công đoàn phí là không cần thiết, chưa xuất phát từ tính chất, vai trò của công đoàn; thứ hai, việc yêu cầu doanh nghiệp đóng công đoàn phí sẽ làm giảm tính độc lập của công đoàn; thứ 3, khoản tiền 2% quỹ lương của toàn bộ người lao động là chi phí xã hội rất lớn nhưng không mang lại hiệu quả rõ ràng. Nếu số tiền đó được chủ sử dụng lao động giữ lại thì có thể giúp tăng lương cho người lao động hoặc tăng đầu tư cho tư liệu sản xuất giúp tăng năng suất lao động.  

Thanh Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét