Cafef - Thị trường phân bố tín dụng có vấn đề nên tín hiệu thị trường méo mó, không dẫn được vốn đến chỗ cần thiết và dẫn đến chỗ không phù hợp cho nền kinh tế.
Ngày 24/2 tại Hà Nội, dự thảo Báo cáo về kinh tế vĩ mô 2013 và triển vọng 2014 đã được Ủy ban giám sát tài chính quốc gia NFSC đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia để hoàn thiện trước khi công bố chính thức vào thời gian tới.
Dự thảo đưa ra một số nhận định khả quan về thị trường ngân hàng với mức thanh khoản tăng; dư nợ tín dụng tăng 12,5%; nợ xấu theo thông lệ quốc tế được kiểm soát và giảm, dao động quanh mức 9-10%.
NFSC cho rằng, tăng trưởng đang trở lại quỹ đạo và tăng trưởng đã thoát đáy từ quý III-2013. Hoạt động sản xuất đã có dấu hiệu cải thiện. Kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, lạm phát thấp ở mức 5%; tỷ giá ổn định; nợ xấu ở ngưỡng an toàn, lòng tin của nhà đầu tư đã được củng cố. Vì thế, triển vọng đạt mức tăng trưởng 5,8% của Việt Nam là khả quan.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải rất cẩn trọng trong phân tích và sử dụng từ ngữ.
Cụ thể, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, nói con số lạm phát 5% thấp là không hợp lí. “Hiện nay trong khu vực ASEAN lạm phát bao nhiêu, thế giới là bao nhiêu, mức 5% của VN hiện là cao không phải là thấp.”
Về việc báo cáo Cơ cấu tín dụng nói tăng. Ông Cung đặt câu hỏi: “Tín dụng tăng nhờ cái gì?”
“Nếu nhìn ngân hàng như đơn vị kinh doanh thì tiền cho Chính phủ vay hay tư nhân vay cũng như nhau, nhưng nhìn từ góc độ nền kinh tế thì không phải thế.
Cụ thể, tiền cho Chính phủ vay sử dụng có hiệu quả không, có chèn lấn tư nhân không, nếu kém hiệu quả và chèn lấn tư nhân thì rõ ràng tiềm năng tăng trưởng nền kinh tế bị thu hẹp” – Ông Cung bày tỏ quan điểm.
Một vấn đề khác, theo ông Cung, “Nói tín dụng không ra được vì khả năng hấp thụ thấp, tôi nghĩ chưa chắc. Nó không ra được có thể vì nghẽn ngay trong dòng chứ không phải nền kinh tế hấp thụ thấp. Vì có chỗ có khả năng hấp thụ thì nó không chạy đến nơi đc.”
“Rõ ràng thị trường phân bố tín dụng có vấn đề nên tín hiệu thị trường méo mó không dẫn được vốn đến chỗ cần thiết và nó dẫn đến chỗ không phù hợp cho nền kinh tế. Đề nghị báo cáo nói đa chiều, đa ý kiến hơn, đi sâu vào con số tổng quát, phân tích để hiểu được chiều sâu chứ không chỉ là bề mặt.” – Ông Cung đề nghị.
Phó chủ nhiệm UBKT của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thì chia sẻ, ông “thực sự băn khoăn về kết luận dòng vốn đã khơi thông.”
Theo ông Kiên, “dù tín dụng bắt đầu có dòng chảy lờ đờ, nhưng khó tạo cú hích cho năm 2014 vì dòng chảy méo mó. Phải nghiên cứu rất kỹ xử lý tồn kho với nợ xấu thế nào.”
“Tôi thấy xử lý nợ xấu về bản chất là hạch toán chứ không phải xử lý thực bằng nguồn tài chính thực. Tác động thật vào nền kinh tế vẫn còn hạn chế.”
Cũng giống các chuyên gia nói trên, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy “vẫn băn khoăn nhiều về các con số”.
“Hệ số an toàn vốn ít, tính bình quân thì như vậy nhưng có anh mất vốn rồi. Mà việc đó là mầm bệnh có thể khiến cho hệ thống đổ theo dây chuyền vì trong hệ thống luôn có tính gắn kết.”
Theo ông Thúy, “Báo cáo nói nợ xấu nói trong tầm kiểm soát, tôi e là nói hơi vội. Vì đó là một vấn đề phải có tính đột phá trong khâu xử lý, dù không nghiêm trọng đến mức không xử lý được, nhưng việc xử lý hiện nay chỉ dựa vào nỗ lực ngân hàng và một vài biện pháp thì không ăn thua.”
Ông Thúy cho biết ông đang lắng nghe xem có biện pháp nào mạnh hơn thì mới nói đến chuyện tăng trưởng. Bởi các nước họ làm rất quyết liệt nhưng tín dụng vẫn không nới ra được.
Báo cáo này là ấn phẩm đã được NFSC thai nghén từ lâu với mục tiêu góp phần cung cấp thêm một công trình nghiên cứu đem đến một cái nhìn toàn diện về tình hình kinh tế, tài chính trong nước và thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Thúy, báo cáo không nên chỉ mô tả thị trường mà phải mổ xẻ đánh giá đưa ra kết luận chẩn đoán của một thầy thuốc.
Theo đó, ít nhất phải kết luận xem thị trường tài chính Việt Nam có đủ sức khỏe làm những nhiệm vụ đang đặt ra cho nó trước mắt và lâu dài không.
Các thông báo chỉ ra cơ thể này dù còn có chỗ chưa tốt như tín dụng, nợ xấu là cần thiết, nhưng muốn tính đủ sức không để làm “nhiệm vụ” không thì cần phải xem chẩn đoán thế chính xác chưa.
“Phải xác định chính xác xem hệ thống tài chính hiện nay ẩn chứa căn bệnh nghiêm trọng không hay chỉ là cảm mạo thông thường?”
“Đề nghị Ủy ban chẩn đoán kỹ hơn để tìm ra căn bệnh và đánh giá tổng quát sức khỏe của hệ thống và tập trung xử lý một vài chỗ cần thiết.” – Ông Thúy nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét