Petrotimes - Mặc dù ụ nổi 83M được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) mua với giá 462 tỉ đồng nhưng hiện nay, theo dân buôn sắt vụn định giá thì giá trị chưa đến… 1 tỉ đồng.
Thời gian gần đây, thông tin về việc Vinalines đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng ụ nổi 83M đang thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận. Và điều đang nói ở đây là dù đã phải bỏ ra tới 462 tỉ đồng để sở hữu ụ nổi 83M giờ chào bán với giá chỉ 34,8 tỉ đồng nhưng Vinalines vẫn chưa thể bán được.
Việc bán ụ nổi 83M càng trở lên cấp bách hơn khi trong báo cáo mới đây của Vinalines gửi Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty này cho biết, ụ nổi 83M đang neo đậu tại Cảng Gò Dầu B tỉnh Đồng Nai trong tình trạng chưa sửa chữa xong, bị đăng kiểm rút cấp từ tháng 01/2011, bảo hiểm hết hạn từ năm 2012, đăng ký tạm thời cũng đã hết hạn từ 24/06/2011. Tính đến nay, ụ nổi đã neo đậu tại Cảng Gò Dầu B được hơn 6 năm và không hoạt động nên chi phí quản lý, bảo vệ ngày một tăng và đến 31/12/2015, công nợ phát sinh có liên quan đến ụ nổi 83M đã vào khoảng hơn 50 tỉ đồng…
Và để đẩy nhanh quá trình “thanh lý” ụ nổi 83M, căn cứ theo các quy định hiện hành, Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY) - doanh nghiệp được Vinalines góp vốn bằng ụ nổi 83M năm 2008 – đã ký hợp đồng tư vấn với Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC-Việt Nam về việc thẩm định giá nguyên trạng ụ nổi 83M. Theo chứng thư thẩm định giá số 070712/2015/CT-AIC ngày 7/12/2015, giá trị ụ nổi 83M xác định theo phương pháp chi phí là 34,8 tỉ đồng. Mức giá này cũng là mức giá khởi điểm được Vinalines đưa ra để đấu giá.
Tuy đã đưa ra mức giá thấp hơn rất nhiều lần so với tổng mức đầu tư vào ụ nổi 83M nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có công ty nào mua. Thậm chí mấy ngày gần đây, khi con số 3 tỉ đồng được định giá theo giá phế liệu cho ụ nổi 83M thì vẫn bị dân buôn sắt vụn chê đắt.
Trao đổi với báo chí, giám đốc một doanh nghiệp chuyên thu mua phế liệu với số lượng lớn ở Bắc Ninh cho rằng, nếu tính toán đầy đủ các chi phí thì giá ụ nổi 83M có khi còn chưa đến 1 tỉ đồng.
Theo phân tích của vị giám đốc này thì hiện giá thép khoảng 4 – 5 ngàn đồng/tấn, ụ nổi 83M ước nặng khoảng 4.000 tấn. Nhưng để phá dỡ thì chỉ lấy được khoảng 2.500 – 3.000 tấn và để thực hiện việc này thì cũng phải thuê 10 – 12 người, làm việc liên tục 3 – 4 tháng, tiền thuê khoảng 300 ngàn đồng/người/ngày. Chi phí như vậy là rất lớn, lên tới vài tỉ đồng. Ngoài ra, vì ụ nổi là thép nguyên khối, không thể tác rời nên giá cũng chỉ khoảng 2.000 đồng/kg.
Với thực tế như trên, vị giám đốc này đã khẳng định sẽ chỉ mua ụ nổi 83M với giá 1 tỉ đồng và nếu bán cho công ty khác thì chắc chắn sẽ rẻ hơn con số 1 tỉ đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét