Một Thế Giới - Đó là thông tin được bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT, Bộ Công thương chia sẻ tại hội thảo “Gold Supplier- Giải pháp xuất khẩu trực tuyến cho doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức ngày 16.3 tại Hà Nội.
Phần lớn doanh nghiệp có sử dụng TMĐT
Hội thảo do Tập đoàn TMĐT Alibaba cùng Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB (đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba tại Việt Nam) phối hợp tổ chức.
Theo ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Quốc gia thị trường Việt Nam của Tập đoàn Alibaba, thương mại điện tử (TMĐT) đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với doanh nghiệp, nhất là khi Việt Nam đang tiến những bước dài vào hội nhập với thế giới bằng việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một sân chơi nổi bật. Về TMĐT, điều khác biệt của TPP so với các hiệp định khác là TPP dành hẳn một chương riêng về TMĐT.
Theo ông Khôi, với dân số 91,3 triệu, 45% dân dùng Internet, giá trị mua hàng của mỗi cá nhân là 160 USD/năm, tỉ lệ truy cập Internet tham gia mua sắm online lên tới 62%, quy mô thị trường TMĐT khoảng 4,07 tỉ USD… TMĐT ở Việt Nam khá khả quan, thậm chí còn cao hơn so với Indonesia, điều này cho thấy sự nhanh nhạy của doanh nghiệp trong việc ứng dụng TMĐT.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT, Bộ Công thương cho biết TMĐT đem lại cơ hội lớn cho xuất khẩu trực tuyến, bởi vì các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, Nhật, Hàn, EU đều có tỉ lệ sử dụng Internet rất cao. Còn khảo sát của Cục TMĐT, hơn 99% DN được khảo sát có sử dụng thương mại điện tử.
“Cách đây 20 năm, Bộ Thương mại (nay đã sáp nhập với Bộ Công nghiệp thành Bộ Công thương) tổ chức từng đoàn, đi đến từng thị trường để tìm kiếm xuất khẩu. Đây là hoạt động chính trong thời gian đó, còn bây giờ là thứ yếu. Ngân sách Nhà nước hiện nay không cần phải ưu tiên cho việc đó bởi rất tốn kém nguồn lực, thay vào đó sẽ hướng đến hỗ trợ cho DN tăng năng lực mở rộng thị trường tiềm năng, đối tác qua kênh thương mại điện tử”, bà Việt Anh nói.
Theo khảo sát của Bộ Công thương, có 55% doanh nghiệp cho biết, doanh thu từ kênh bán hàng trực tuyến đã tăng cao so với kinh doanh truyền thống. Những mặt hàng nông lâm thủy sản, thời trang, nội thất… có giao dịch điện tử lớn nhất. Tuy nhiên, bà Việt Anh cũng khuyến cáo, đầu tư vào TMĐT cần phải có thời gian để chứng tỏ hiệu quả chứ không có hiệu quả ngay lập tức. Cần phải có khoảng thời gian 2 năm trở đi mới chứng kiến đươc sự thay đổi.
Bộ Công thương cam kết hỗ trợ
Về sự hỗ trợ của Bộ Công thương, bà Việt Anh cho biết đã có hàng loạt chương trình hỗ trợ như Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, Chương trình Phát triển TMĐT quốc gia 2016-2020…
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng cam kết sẽ tích cực cải cách hành chính và tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Hoạt động TMĐT chỉ có thể thông suốt khi các thủ tục được giải quyết thông qua phương pháp trực tuyến.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT toàn cầu đã kích thích sự phát triển của nhập khẩu trực tuyến, khiến nhà cung cấp và nhà nhập khẩu xích lại gần nhau hơn.
“Các nhà nhập khẩu quốc tế đang có xu hướng dần dịch chuyển từ môi trường truyền thống sang môi trường trực tuyến để tối ưu hóa hoạt động. Chính vì vậy, để tận dụng ưu thế xuất khẩu trực tuyến nhằm tiếp cận tốt hơn với nhà nhập khẩu đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với doanh nghiệp Việt”, ông Linh nói.
Khó khăn và giải pháp cho doanh nghiệp
Bà Phan Hoài Thư, Trưởng Bộ phận chăm sóc khách hàng của Công ty OSB cho biết, các doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn chủ yếu do không biết cách vận hành các tài khoản để quảng bá hiệu quả; nhân sự chuyên trách không có đủ kỹ năng, không có thời gian khai thác; doanh nghiệp không có kinh nghiệm thực hiện các hoạt động marketing online và giao dịch với đối tác, không đủ sức cạnh tranh.
Theo bà Thư, kinh doanh trực tuyến cũng như kinh doanh truyền thống, nếu được đầu tư thời gian và nhân sự xứng đáng sẽ có hiệu quả tốt. Bà Thư cho hay, bí quyết để kinh doanh trực tuyến hiệu quả là phải có được công cụ mạnh để khai thác hiệu quả. Đó là quảng bá online không giới hạn sản phẩm, có công cụ xây dựng gian hàng chuyên nghiệp, mang tính đặc trưng riêng, công cụ đánh giá và quản lý nhân viên, đánh giá thị trường…
Bên cạnh đó, cần sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau để quảng bá, sản phẩm có hình ảnh đẹp, chuyên nghiệp, đủ điều kiện xuất khẩu, có các chứng chỉ phù hợp. Thông tin sản phẩm cần đầy đủ, chi tiết, có chứa các điều kiện thương mại phù hợp.
Ông Đào Mạnh Khôi, Giám đốc Thương mại điện tử khu vực phía Bắc, Công ty OSB, Gold Supplier cũng là một trong những giải pháp tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam hướng ra thị trường toàn cầu. Khi trở thành thành viên Gold Suppier trên Alibaba.com, doanh nghiệp sẽ được cũng cấp nhiều công cụ hiệu quả giúp đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thu hút người mua, gia tăng trung bình 22 lần số lượng thư hỏi nhận được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét