Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Năm 2016, dự kiến Việt Nam phải trả nợ 150 nghìn tỷ đồng

HỒ MAI

(VNF) - Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch 2016 và theo kịch bản kinh tế vĩ mô hiện nay, tại thời điểm này, dự kiến các khoản nợ phải trả của Việt Nam trong năm 2016 vào khoảng 150 nghìn tỷ đồng.

Tại buổi họp báo chuyên đề ngày 22/3 của Bộ Tài chính, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính quốc tế cho hay, năm 2015 nợ phải trả chiếm 16% tổng thu ngân sách. Theo bối cảnh kinh tế hiện nay thì kịch bản các khoản nợ đến hạn phải trả và đảo nợ trong năm 2016 sẽ chiếm 24% tổng thu ngân sách, trong đó phần phải trả tương đương 150.000 tỷ đồng. 

Khi được hỏi về tác động của chính sách tỷ giá mới do Ngân hàng Nhà nước ban hành đến các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính cho hay, tỷ giá đã có những tác động nhất định đến thị trường đặc biệt từ 8/2015 khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ và chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia trên thế giới ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu.

"Tuy nhiên, trong năm vừa rồi, tác động này là không quá lớn vì hiện nay khoản vay bằng tiền nước ngoài của chúng ta chủ yếu bằng tiền USD chiếm khoảng 50%, còn lại là euro, yên và một số đồng tiền trong giỏ SDR. Hiện USD đang lên giá, trong khi các đồng tiền như euro lại xuống giá. Xu hướng này sẽ bù trừ cho nhau", đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho hay, mặc dù phần lớn các khoản vay hiện nay là vay theo lãi suất cố định, tỷ giá vẫn là vấn đề phải phân tích để tính các phương án rủi ro. Về lâu dài, khi chuyển sang vay thương mại thì tác động của tỷ giá sẽ lớn hơn. Để giải quyết việc này, Bộ Tài chính đã và đang triển khai, nghiên cứu đàm phán và ký các thỏa thuận để bảo hiểm các khoản vay.

Trong khi đó, phát biểu tại Quốc hội hôm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách, quản lý một số khoản chi chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều lãng phí. 

"Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm. Thiếu nguồn lực và cơ chế chính sách hiệu quả để xử lý nhanh hơn nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng…", Thủ tướng nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét