Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Lấy gì đầu tư khi hết ODA?

Phương Nhung - Tô Hà

NLĐO - Cho vay lại vốn ODA là một trong những cách để sử dụng nguồn vốn này hiệu quả hơn trong bối cảnh bị cắt giảm mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình, chính sách viện trợ vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đối với Việt Nam trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, chuyển đổi căn bản từ viện trợ phát triển sang quan hệ đối tác.

Cẩn trọng cú sốc

Anh thông báo sẽ dừng cấp vốn ODA cho Việt Nam từ năm 2016. Một số quốc gia khác như Phần Lan, Na Uy đã và đang thực hiện chính sách cắt giảm dần vốn ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020. Đối tác cung cấp gần 30% vốn ODA cho Việt Nam là Ngân hàng Thế giới (WB) cũng có thể ngừng cung cấp vốn này từ tháng 7-2017, tiếp theo sẽ là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - 1 trong 3 nhà tài trợ lớn cho Việt Nam.

Trước đó, một số nhà tài trợ cũng đã rút lui với tư cách nhà tài trợ song phương và chuyển dần sang vốn hỗn hợp, vốn ưu đãi của Chính phủ cùng vốn vay thương mại kèm theo các điều kiện ràng buộc.

Như vậy, từ chỗ tiếp nhận trung bình 3,5 tỉ USD vốn ODA mỗi năm liên tục từ năm 1994 đến nay, Việt Nam sẽ bị giảm dần, tiến tới không còn nguồn đầu tư này khi bắt đầu “tốt nghiệp” ODA từ năm 2017. Như vậy, các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế trước nay được hưởng lợi từ nguồn vốn này như giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, môi trường, biến đổi khí hậu, dân sinh, xóa đói giảm nghèo... sẽ bị ảnh hưởng.

Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định: “Đây là vấn đề đặt ra cho tài chính công vì ODA là nguồn vốn vay ưu đãi rẻ, thời hạn dài và rất quan trọng mà các nước phát triển, tổ chức trên thế giới ưu tiên cho những nước nghèo vay để đầu tư phát triển hạ tầng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế”.

Ông Thụ phân tích thêm vài năm trở lại đây, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng lên, vượt ngưỡng nghèo. Cụ thể, đến cuối 2015, GDP bình quân đạt 2.106 USD/người. “Việt Nam thoát khỏi nước nghèo và trở thành nước trung bình ở trình độ thấp nên việc hưởng thụ quy chế ODA sẽ hạn chế hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế của Việt Nam mặc dù đã thoát khỏi nước nghèo nhưng phát triển chưa thực sự ổn định, vững chắc. Do đó, chúng ta phải cố gắng đề xuất lộ trình giảm dần vốn ODA cho phù hợp bởi giảm ngay sẽ tạo ra cú sốc cho quản lý và điều hành kinh tế” - ông Thụ đề xuất.

Bổ sung bằng nguồn vay thương mại ưu đãi?

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn cho phát triển ước tính bình quân 90 tỉ USD/năm thì sự thay đổi của nguồn vốn ODA đòi hỏi phải có giải pháp khéo léo.

Theo đại biểu Bùi Đức Thụ, giải pháp hiện nay là phải cơ cấu lại ngân sách. Trong đó, tính toán lại nguồn thu và chi ngân sách nhà nước sao cho phù hợp, bảo đảm mức bội chi hợp lý, giữ nợ công trong giới hạn an toàn cho phép. Tuy vậy, vẫn phải thực hiện được nhiệm vụ đầu tư trọng yếu của nhà nước, không để dự án kéo dài làm giảm hiệu quả của đầu tư.

“Trong điều kiện bội chi ngân sách nhà nước còn duy trì được ở mức cho phép mà nguồn vay ưu đãi giảm đi thì phải bù đắp bằng nguồn vay trong nước và vay thương mại ưu đãi ngoài nước để huy động thêm các nguồn lực. Vấn đề đặt ra là chất lượng nền kinh tế phải thay đổi như thế nào để nâng độ tín nhiệm lên thì mới giảm lãi suất huy động ở các thị trường trong và ngoài nước xuống. Đây là bài toán tổng thể cần tính toán cho phù hợp” - ông Thụ gợi ý.

Cũng theo ông Thụ, ngoài tỉ trọng vốn ODA được Quốc hội xem xét và phân bổ hằng năm, nên tăng cường phần vay lại để người quản lý và sử dụng vốn ODA có trách nhiệm hơn. “Việc cho vay lại phải tính tới khả năng thu hồi vốn, hoàn trả vốn. Địa phương nào phát triển thì tăng tỉ lệ cho vay lại vốn ODA và giảm tỉ lệ cấp phát bằng ngân sách. Tỉnh nghèo thì phần cho vay ODA giảm xuống, tăng đầu tư không hoàn lại mới phù hợp thực tiễn” - ông Thụ lưu ý.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá huy động các nguồn vốn từ bên ngoài không khó nhưng sẽ bất lợi về thời hạn vay, khả năng ân hạn và lãi suất. Giá vốn cao lên sẽ làm tăng gánh nặng nợ công, đòi hỏi phải tính toán, quản lý đầu tư, sử dụng nguồn vốn chặt chẽ hơn vì rủi ro tăng lên. Do đó, phải thay đổi căn bản về cách thức huy động, sử dụng vốn và trả nợ.

“Cần xác định thời kỳ đầu tư dễ dàng cho cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ODA đã chấm dứt. Tuy nhiên, khó khăn về vốn cũng là cơ hội để nâng cao trình độ quản lý, sử dụng vốn vay. Kinh nghiệm thế giới cho thấy nhiều nước không nhận vốn ODA vẫn phát triển tốt” - ông Vũ Đình Ánh nói.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, thế giới đánh giá hiệu quả sử dụng vốn ODA của Việt Nam không cao bởi Việt Nam không có những điều khoản rõ ràng về sử dụng. Chưa kể đến dù là cho vay viện trợ nhưng vẫn phải trả nợ với lãi suất nhất định và có rất nhiều ràng buộc khó khăn khác. “Do đó, phải tìm cách sống với các nguồn tài chính khác, chứ không thể ngửa tay “xin” tiền người ta được mãi” - ông Thành nhìn nhận.
***

Tính đến hiệu quả đồng vốn

Để tách rõ quyền vay và nghĩa vụ trả nợ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, theo Bộ Tài chính, tới đây, nhà nước chỉ tập trung vốn ODA vào những dự án then chốt, các dự án công trình trọng điểm. Trừ 50/63 địa phương có khó khăn vẫn được nhà nước hỗ trợ 70%-90% vốn đầu tư, các tỉnh còn lại phải tự vay và tự cân đối trả nợ. Trong đó,

TP HCM và Hà Nội phải vay lại 80%. Hơn 10 tỉnh được vay theo cơ chế 50%-50% (cho vay một nửa và nhà nước hỗ trợ một nửa).

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng phải làm rõ nghĩa vụ trả nợ của cá nhân trong những khoản vay lại bởi nếu chỉ quy định HĐND thông qua thì khó quy định trách nhiệm và nếu địa phương không trả được thì nhà nước vẫn phải gánh khoản nợ này.
***

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, Thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ - tài chính quốc gia, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM:

Hạn chế vay để cấp phát

Do Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình (2.109 USD/người/năm) khiến vay vốn ODA từ các quốc gia khác trở nên khó khăn. Nếu như trước đây, chúng ta có thể vay với thời hạn 30-40 năm, lãi suất 1%/năm thì nay lãi suất tăng lên 2%/năm, thời hạn vay cũng có thể bị rút ngắn còn 15-20 năm. Vả lại, tình hình nợ công, nợ nước ngoài của Việt Nam tăng cao nên việc vay vốn ODA phải hết sức thận trọng, cần đặt tiêu chí hiệu quả lên hàng đầu, đồng nghĩa hạn chế việc vay để cấp phát.

Lâu nay, Chính phủ vay vốn ODA rồi cấp phát nguồn vốn này cho các tỉnh, thành phố. Từ đó, chính quyền các địa phương “chạy” dự án sao cho được cấp nhiều vốn, dẫn đến tình trạng thất thoát, dễ dãi khi đánh giá tính hiệu quả dự án đầu tư. Do đó, khi Chính phủ vay vốn ODA rồi cho vay lại buộc chính quyền, HĐND các địa phương vay vốn ODA từ Chính phủ phải cân nhắc, tính toán kỹ hiệu quả của từng dự án để quyết định.

Tôi cho rằng ODA là khoản vay nợ, không phải cho không nên cần phải xem xét thận trọng vì gần đây, việc vay vốn ODA  luôn đè nặng lên số nợ nước ngoài của Việt Nam. Vì thế, Chính phủ cho các địa phương vay lại vốn ODA là xu hướng cấp bách để việc chọn lựa dự án đầu tư phù hợp với dòng tiền, thời hạn và lãi suất. Dự án nào mang tính cấp thiết, hiệu quả kinh tế cao hoặc có tính an ninh quốc phòng thì chính quyền các tỉnh, thành phố nên xem xét ưu tiên đầu tư.  

Thy Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét